Có một thực tại bất cập nhiều năm qua khiến dư luận hết sức quan tâm nhưng vẫn chưa có lời giải đáp, đó là con số thống kê về tai nạn giao thông (TNGT) có sự vênh số quá lớn giữa Bộ Công an và Bộ Y tế.
Cận cảnh hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ |
Ô che nắng xe máy - người Việt liều lĩnh |
Trong tháng 7, xử phạt hơn 640 nghìn xe vi phạm tốc độ |
Nhiều lần đăng đàn báo chí giải thích về vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, do tiêu chí thống kê, cách thức thống kê, cũng như “thuật ngữ” giữa hai ngành có sự khác biệt nên con số vênh nhau cũng là chuyện bình thường. Song, dư luận xã hội lại cho rằng sự chênh lệch quá xa trong con số thống kê TNGT của 2 ngành là việc bất thường cần được xem xét.
Một vụ tai nạn giao thông trên đèo Prenn (Lầm Đồng), tháng 6/2016. |
Đơn cử, theo ông Khuất Việt Hùng, năm 2016, Bộ Công an công bố số người chết do TNGT là 8.725 người, trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế thì số người chết vì TNGT lại là 15.600 người (tức gấp đôi).
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia giải thích rằng, sở dĩ hai con số này khác nhau vì công an thu thập số liệu từ hiện trường, trong khi đó, y tế thu thập số liệu từ việc đăng ký khai tử. Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, dù con số thống kê do Bộ Y tế công bố không phải là chính thức, song cũng rất đáng để mọi người suy ngẫm.
Để giải thích cho việc chính Ủy ban ATGT quốc gia cũng luôn công bố số vụ TNGT, số người chết, người bị thương thấp hơn nhiều so với con số thống kê của Bộ Y tế, ông Khuất Việt Hùng cho biết, Ủy ban này không có chức năng thống kê nên lấy số liệu từ Cục CSGT (Bộ Công an), bởi đó mới là đơn vị được giao nhiệm vụ thống kê TNGT và chịu trách nhiệm với con số thống kê đó.
Hiểu một cách ngắn gọn và đơn giản là Ủy ban ATGT quốc gia cũng chỉ là nơi “phát lại” con số thống kê số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương do TNGT mà Bộ Công an đã công bố.
Có lẽ đó là lý do mà trong năm 2018 tới đây, Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành liên quan soạn thảo để trình Chính phủ ban hành văn bản quy định thống nhất về thống kê TNGT.
Rõ ràng việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chí, phương pháp thống kê TNGT là cần thiết, nhưng điều đó không có nghĩa khi chưa có sự “thống nhất” về thống kê thì số liệu công bố về TNGT của 2 ngành lại có thể chênh lệch nhau quá lớn như vậy.
Sự chênh lệch đó không chỉ đơn giản là tiêu chí, cách thức thống kê, hay “thuật ngữ” khác nhau giữa 2 ngành, mà nó còn cho thấy rõ ràng số liệu thống kê của một trong hai ngành chưa chính xác.
Một số ý kiến cho rằng, con số thống kê của Bộ Y tế thiếu chính xác hơn, bởi có sự trùng lặp khi thống kê. Thí dụ, một vụ tai nạn giao thông ở cấp huyện, sau khi cấp cứu nạn nhân, bệnh viện tuyến huyện chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh, sau đó có thể nạn nhân sẽ được chuyển tiếp lên bệnh viện Trung ương để điều trị.
Như vậy, có thể một vụ tai nạn nhưng ngành y tế sẽ cộng dồn thành nhiều vụ TNGT, cũng như con số bệnh nhân sẽ tăng vọt. Có người còn cho rằng, có những vụ đánh nhau, gây gổ hoặc tai nạn lao động người ta cũng hay quy về tai nạn giao thông cho dễ giải quyết...
Vâng, luồng ý kiến trên không phải là thiếu căn cứ, song chúng ta hãy bình tâm suy xét thì sẽ thấy sự vô lý, khiên cưỡng của cách lý giải này.
Chẳng hạn, chẳng có lý do gì mà một vụ đánh nhau, hay TNLĐ mà người ta lại “biến” thành TNGT để làm gì. Nói dối phải có lợi ích, chứ nói dối chẳng mang lại cái lợi gì thì sao phải nói dối?
Hoặc trường hợp cộng dồn từ y tế cấp huyện, tỉnh (thành phố) đến cấp Trung ương cũng có thể xảy ra nhưng đó không phải là trường hợp phổ biến.
Mà đã không phải là trường hợp phổ biến thì tại sao con số thống kê của Bộ Y tế công bố luôn cao hơn ít nhất hai lần so với con số Bộ Công an đưa ra?
Còn nữa, xét ở góc độ chuyên môn nghiệp vụ thì ngành y tế không có chức năng nhiệm vụ, cũng không có khả năng để thống kê số người chết tại chỗ khi xảy ra TNGT trên đường.
Chẳng có ai báo cho ngành y tế biết đã có 1, 2, 3 thậm chí n... người đã chết tại chỗ khi xảy ra TNGT. Ngành y tế cũng không thể có nhân viên đến hiện trường vụ TNGT để “kiểm tra” xem đã có mấy người chết tại chỗ.
Theo cái lý đó thì lẽ ra con số thống kê số vụ TNGT, số người chết mà Bộ Y tế thống kê đưa ra phải thấp hơn con số thống kê của Bộ Công an rất nhiều mới phải. Tại sao chỉ đơn giản thống kê ngay trong khu vực bệnh viện mà số liệu của ngành y tế đã cao hơn gấp vài lần so với số liệu của Bộ Công an?
Trong khi đó, Bộ Công an ngoài việc “ngay tắp lự” có mặt tại hiện trường các vụ TNGT để giải quyết, không những có thể nắm rõ số lượng người chết, người bị thương tại chỗ mà còn có thể yêu cầu ngành y tế phối hợp cung cấp thông tin sau khi các nạn nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Cũng theo cái lý đó thì lẽ ra con số thống kê về số vụ TNGT, số người chết do Bộ Công an công bố phải cao hơn con số Bộ Y tế đưa ra mới phải.
Vậy thì có lý nào độ vênh giữa hai con số thống kê số vụ TNGT, số người chết chênh lệch quá xa lại ngược về phía Bộ Y tế nhiều hơn gấp nhiều lần Bộ Công an?
Còn nữa, theo như Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia thì đơn vị được giao nhiệm vụ thống kê về TNGT và chịu trách nhiệm về TNGT hiện nay là Bộ Công an.
Theo đó, nếu số vụ TNGT nhiều, số người chết, người bị thương tăng cao thì ai là người phải chịu trách nhiệm, lẽ nào là ngành y tế?
Có lẽ đó cũng là một phần lý do lý giải vì sao con số thống kê số vụ TNGT, số người chết, bị thương do TNGT mà Bộ Công an công bố luôn thấp hơn con số của Bộ Y tế. Vậy đây là bất thường hay bình thường?
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/bat-thuong-hay-binh-thuong-378340