Bắt gọn băng nhóm giả danh cán bộ ngân hàng giăng bẫy qua điện thoại, dẫn dụ lấy mã OTP

Một đường dây được thiết lập khá kín kẽ, tinh vi, nhằm mục đích giả danh cán bộ ngân hàng gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa bị CAQ Đống Đa (Hà Nội) phối hợp với các đơn vị triệt phá…

Cú lừa đắt giá

Trưa 9-3-2021, một phụ nữ trẻ tìm đến CAQ Đống Đa với nét mặt hoảng hốt, lo lắng, trình báo việc vừa bị lừa số tiền khá lớn. Phải mất khá nhiều thời gian để ổn định tâm lý cho bị hại, cuối cùng câu chuyện mới được cán bộ trực ban nắm rõ ngọn ngành. Theo đó, nạn nhân có tên là T (trú tại quận Đống Đa), tối 8-3, trong quá trình thao tác trên ứng dụng của ngân hàng Techcombank, chị đã chuyển nhầm 23 triệu đồng cho một tài khoản khác. Vì muốn sớm lấy lại số tiền, chị T đã đăng bài viết kèm ảnh chụp các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng, mã giao dịch cùng số điện thoại... lên mạng xã hội để “cầu cứu” bạn bè, người quen tư vấn cách giải quyết. Được một số bạn bè khuyên liên hệ với tổng đài chăm sóc khác hàng của ngân hàng để giải quyết, chị T đã làm theo.

Sau khi liên lạc với tổng đài của ngân hàng báo việc chuyển nhầm tiền, khoảng 15 phút sau, nhân viên ngân hàng này đã thực hiện thủ tục tra soát và tài khoản của chị T nhận lại được số tiền chuyển nhầm. Đến sáng hôm sau, chị T lại nhận được một cuộc gọi tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu chị xác nhận đã nhận lại được số tiền nói trên. Do nghĩ đây là thủ tục cần thiết trong giao dịch, nên chị T đã tin tưởng thực hiện. Người này nói rằng, anh ta sẽ gửi cho chị T một đường link để đăng nhập, sau đó hệ thống sẽ tự động gửi vào điện thoại của chị mã OTP. Kế tiếp, chị chỉ cần đọc mã OTP đó để anh ta đối chiếu là hoàn tất thủ tục. Quá trình diễn tiến sự việc xảy ra rất nhanh khiến chị T không mảy may nghi ngờ và thực hiện theo yêu cầu của đối tượng. Chỉ đến khi điện thoại thông báo báo tài khoản ngân hàng vừa bị rút 200 triệu đồng thì chị T mới phát hiện mình đã bị lừa.

Lần theo dấu vết

Tiếp nhận tin báo vụ việc, Đội Điều tra tổng hợp CAQ Đống Đa đã khẩn trương báo cáo Ban Chỉ huy CAQ xác lập chuyên án đấu tranh, truy bắt đối tượng gây án. “Trong vụ việc này, mặc dù nạn nhân có kiến thức, có hiểu biết và đã từng nghe nhiều về thủ đoạn của loại tội phạm này, nhưng cuối cùng lại dễ dàng “sập bẫy” và mất số tiền khá lớn. Thủ đoạn của các đối tượng cũng rất tinh vi, càng thôi thúc chúng tôi quyết tâm phải phá bằng được vụ án trong thời gian nhanh nhất” - Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng CAQ Đống Đa nói.

Ban chuyên án nhận định, các đối tượng gây ra vụ việc nắm khá vững công nghệ thông tin, am hiểu các bước trong giao dịch ngân hàng và có kinh nghiệm trong việc lừa đảo. Bên cạnh đó, chúng cũng biết cách nắm bắt tâm lý của bị hại nên đã khiến nạn nhân sập bẫy nhanh chóng.

Trung tá Phan Anh Tú - Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp cho biết: “Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, ổ nhóm này rất tinh vi trong việc che giấu thông tin, dấu vết. Các đối tượng sử dụng hàng trăm số điện thoại rác để không bị lộ. Thế nhưng, bằng kinh nghiệm, Ban chuyên án đã nhanh chóng xác định được hướng điều tra từ manh mối duy nhất là giọng nói đặc biệt của kẻ giả danh cán bộ ngân hàng. Theo bị hại, đối tượng dù đã cố gắng nói giọng Bắc, nhưng vẫn ít nhiều pha lẫn giọng miền Trung”. Từ hướng đi này, cùng với nỗ lực truy vết hàng trăm số điện thoại và các giao dịch ngân hàng, đi nhiều tỉnh, thành trên cả nước, những manh mối đầu tiên đã xuất hiện. Các trinh sát nhanh chóng di chuyển vào Quảng Nam, Đà Nẵng để điều tra.

Suốt 10 ngày ròng rã lùng sục mọi manh mối, ngõ ngách, được sự phối hợp tích cực của CATP Đà Nẵng, công an các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, công an các xã Duy Phước, Quế Lâm 1, cán bộ điều tra đã dựng lên được chân dung nhóm đối tượng. Đến ngày 27-3, sau 18 ngày vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm, bằng các tài liệu chứng cứ đã thu thập được, Ban chuyên án đã bắt giữ đối tượng Trương Huy Cường (SN 1993, trú tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) khi tên này đang lẩn trốn tại thành phố Đà Nẵng.

Ngày 29-3, trinh sát tiếp tục bắt giữ Lê Minh Hoàng (SN 1998, trú tại xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) và Lưu Quốc Toàn (SN 1987, trú tại tỉnh Quảng Nam). Đây chính là 3 đối tượng đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của chị T hôm 9-3. Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an đã thu giữ nhiều tang vật liên quan như điện thoại di động, hàng trăm sim điện thoại các loại chuyên dùng để gọi điện giăng bẫy lừa. Tại cơ quan công an các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Bắt gọn băng nhóm giả danh cán bộ ngân hàng giăng bẫy qua điện thoại, dẫn dụ lấy mã OTP ảnh 1
Bắt gọn băng nhóm giả danh cán bộ ngân hàng giăng bẫy qua điện thoại, dẫn dụ lấy mã OTP ảnh 2
Bắt gọn băng nhóm giả danh cán bộ ngân hàng giăng bẫy qua điện thoại, dẫn dụ lấy mã OTP ảnh 3
Các đối tượng bị bắt giữ

Vạch trần thủ đoạn

Theo đó, các đối tượng này có sự phân công nhiệm vụ một cách kín kẽ, rõ ràng. Hoàng có nhiệm vụ lập trình trang web giả mạo ngân hàng, Cường có nhiệm vụ lên mạng xã hội tìm thông tin “con mồi” để gọi điện giăng bẫy, Toàn có nhiệm vụ “rửa tiền” nếu vụ lừa đảo thành công.

Thực hiện theo kế hoạch đã phân công, Hoàng lên mạng mua tên miền và lập trang web tại địa chỉ http://bom.to.TCBank/trasoat.xxx. Trang này được Hoàng thiết kế có giao diện giống hệt giao diện của ngân hàng Techcombank, có mục để bị hại điền tên đăng nhập và mật khẩu. Ngoài ra, Hoàng còn lập một địa chỉ email chung cho cả nhóm cùng quản lý. Ngày 8-3, Cường lên facebook tìm kiếm từ khóa “ck nhầm” thì ra bài viết của chị T với đầy đủ các thông tin cá nhân.

Mừng như bắt được vàng, sáng 9-3, Cường chỉ việc giả danh cán bộ ngân hàng gọi điện cho chị T. Khi nạn nhân“sập bẫy”, Cường nhanh chóng đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của chị T và thấy trong đó có 700 triệu đồng, nhưng hạn mức giao dịch chỉ cho phép tối đa là 200 triệu đồng, nên đối tượng đã đặt lệnh chuyển 200 triệu đồng.

Kế tiếp, Cường yêu cầu chị T đọc mã OTP gửi về điện thoại như đã nói ở trên và lập tức 200 triệu đồng trong tài khoản chị T đã “không cánh mà bay”. Có được tiền, Toàn lập tức “rửa” bằng cách nạp tất cả 200 triệu đồng vào tài khoảng game, sau đó thao tác đổi từ tiền ảo trong game ra tiền thật với phí giao dịch là 20%. Cuối cùng, tài khoản của Toàn nhận về khoảng 160 triệu đồng và số tiền này được chia đều cho cả 3 tiêu xài cá nhân.

Căn cứ các tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra CAQ Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng Trương Huy Cường, Lê Minh Hoàng, Lưu Quốc Toàn về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Theo hồ sơ của cơ quan công an, Lưu Quốc Toàn từng có 1 tiền án về tội mua bán ma túy. Trong vụ án này, các đối tượng thiết lập quan hệ theo dạng móc xích. Nghĩa là khi gây án, chúng không tập trung tại một điểm mà phối hợp ở dạng “online” tại nhiều nơi khác nhau và chỉ liên lạc qua chat hoặc gọi điện. Qua sự việc này, cơ quan công an cũng cảnh báo người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân lên mạng xã hội, không cung cấp mật khẩu, tài khoản, mã OTP cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng để tránh bị chiếm đoạt tài sản.

“Trong vụ việc này, mặc dù nạn nhân có kiến thức, có hiểu biết và đã từng nghe nhiều về thủ đoạn của loại tội phạm này, nhưng cuối cùng lại dễ dàng “sập bẫy” và mất số tiền khá lớn. Cơ quan công an cũng cảnh báo người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân lên mạng xã hội, không cung cấp mật khẩu, tài khoản, mã OTP cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng để tránh bị chiếm đoạt tài sản.
Mánh lừa 12.000 người nạp 4,3 triệu USD vào sàn giao dịch tiền ảo Mánh lừa 12.000 người nạp 4,3 triệu USD vào sàn giao dịch tiền ảo

Nhóm lừa đảo thành lập bốn sàn giao dịch Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss để lừa 12.000 tài khoản nạp 4,3 triệu USD, sau đó dùng ...

Cảnh báo chiêu lợi dụng "phạt nguội" vi phạm giao thông để lừa đảo Cảnh báo chiêu lợi dụng "phạt nguội" vi phạm giao thông để lừa đảo

Nhóm lừa đảo tự xưng là tổng đài viên của CSGT gọi điện thông báo "phạt nguội" rồi yêu cầu người dân chuyển tiền hoặc ...

/ anninhthudo.vn