Báo nước ngoài nói gì về "tuần không có ca Covid-19 mới" của Việt Nam

Tròn 1 tuần, Việt Nam chưa có ca nhiễm Covid-19 mới và được nới lỏng giãn cách xã hội. Những thành công ban đầu này đã được báo chí quốc tế đề cập trong nhiều bài viết.

 

Tròn 1 tuần, Việt Nam chưa có ca nhiễm nCoV mới và được nới lỏng giãn cách xã hội. Những thành công ban đầu này đã được báo chí quốc tế đề cập trong nhiều bài viết.

Trong bài viết của mình, hãng tin Reuters thông báo tình hình chung của Việt Nam với 268 ca nhiễm bệnh Covid-19 nhưng chưa có bệnh nhân tử vong.

Trang này cho hay: “Việt Nam nhận được sự khen ngợi vì kiềm chế sự lây lan của virus mặc dù ít tiềm lực hơn so với những nơi được coi tương đối thành công khác là Hàn Quốc và Đài Loan”.

Theo Reuters, Việt Nam đã áp dụng những biện pháp chống dịch ngay từ sớm. Một ngày sau khi hai ca đầu tiên bị phát hiện, Hà Nội ngừng ngay chuyến bay tới Vũ Hán (Trung Quốc) nơi đang có dịch bệnh nổ ra.

Một vài ngày sau đó, Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc, ngoại trừ các giao dịch thiết yếu. Tới tháng 3, tất cả người dân trên toàn quốc buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường.

 

Người đến từ Hàn Quốc sống tại chung cư ở TP.HCM được bảo vệ kiểm tra thân nhiệt rất kỹ lượng mỗi khi ra và vào

Trong khi đó, tờ Economy Next ngày 23/4 ca ngợi Việt Nam là “người dẫn đầu toàn cầu trong cuộc chiến chống virus nCoV”.  

Tờ này thông báo về việc nới lỏng phong tỏa của Việt Nam như người dân có thể đi lại tự do hơn, các nhà hàng được phép mở cửa. Tuy nhiên, Bộ Y tế cảnh báo, người dân vẫn phải đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Theo trang báo trên, sự thành công của Việt Nam là nhờ tích cực theo dấu các mối liên hệ của người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19.

Ngoài ra, Bộ Y tế và lực lượng quân đội cũng nhận được sự ủng hộ của xã hội và cách ly được hơn 40.000 người bao gồm cả người nước ngoài.

Trang tin Daily Mail có một bài viết dài với nội dung “Việt Nam nới lỏng các quy định sau khi công bố chỉ có 268 ca bệnh, không có người chết nhờ cách ly diện rộng dù sát biên giới với Trung Quốc”.

Tờ này cũng đánh giá cao những biện pháp cứng rắn của chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19. Theo đó, dù mới chỉ có hơn một chục ca nhiễm bệnh vào đầu tháng 2, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ngừng chuyến bay đi và đến Trung Quốc.  

Sự chấp hành quy định của người dân các tỉnh thành cũng được đánh giá cao.

“Khắp châu Âu và Mỹ, chính quyền đang vất vả để giữ người dân ở trong nhà. Những bãi biển vẫn đông nghẹt người và những người biểu tình từ chối tuân theo các lệnh giãn cách”.

Trong khi đó, theo tờ báo trên, những con phố ở Hà Nội, từng đông kín xe máy, du khách và người bán hàng rong, trở nên vắng vẻ.  

Hàng chục nghìn người, bao gồm cả công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về, chấp hành lệnh cách ly tập trung tại những khu trại của nhà nước.

\'Tôi nghĩ đó là lý do khiến họ có thể giữ được con số (nhiễm bệnh) thấp”, ông Takeshi Kasai, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới, nói.

Khu vực quanh Hồ Gươm (Hà Nội) vắng lặng những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Nguyễn Khang

Tờ Conversationcó một bài viết phân tích thành công của Việt Nam dựa trên 3 yếu tố quan trọng trong chính sách của chính phủ. Đó là quy định đo nhiệt độ và xét nghiệm; cách ly tập trung và giãn cách xã hội; thông tin nhanh chóng.

Trong đó, trang tin này ca ngợi kit xét nghiệm của Việt Nam cho ra kết quả trong vòng 90 phút với chi phí 400.000-600.000 đồng.

“Chi phí xét nghiệm là điều được quan tâm ở tất cả mọi nơi, nhưng đặc biệt quan trọng ở những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam”, trang Conversation nhận định.

 

An Yên

Nhiều lái xe uống rượu sau ngày dừng giãn cách xã hội
"Bệnh nhân 137" dương tính trở lại sau xuất viện
Nhiều lính Mỹ ở Syria nhiễm COVID-19, nguy cơ bùng "siêu ổ dịch"

 

 

 

/ vietnamnet.vn