Bão Noru sẽ đổ bộ miền Trung, các địa phương ứng phó khẩn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Noru là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, còn phức tạp khi đi vào Biển Đông và sẽ đổ bộ vào miền Trung.

Dự kiến, đêm 25/9, bão Noru tiến vào Biển Đông với sức gió cấp 9-10, giật cấp 13. Bão sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực miền Trung đêm 27/9, sáng 28/9.

Từ trưa và chiều 25/9, vùng biển phía đông khu vực bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; cấp độ rủi ro thiên tai mức 3. Ngoài ra, khu vực Bắc Trung Bộ hiện có mưa lớn 100-200 mm và còn tiếp tục mưa những ngày tới.

Để chủ động ứng phó, ngày 24/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - Ủy Ban ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có công điện yêu cầu các địa phương từ Quảng Ninh đến Bình Thuận quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.

bao1_1663993047969255515578-1664009128769
Đường đi của bão Noru đang thẳng hướng miền Trung. Ảnh: NCHMF

Cụ thể, các địa phương từ Quảng Ninh đến Bình Thuận tổ chức kiểm đếm, theo dõi tàu thuyền, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu thuyền tại bến đảm bảo an toàn. Đồng thời, các địa phương sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn, kịp thời xử lý khi có tình huống xấu.

Đối với đất liền từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, công điện nêu rõ các địa phương khẩn trương tổ chức cắt tỉa cây; chằng chống và gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, các dự án đang thi công ven biển...

Các địa phương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển và cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công.

Nông dân chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng".

Screen_Shot_2022_09_24_at_3_47_2-1664009254415
Cơ quan khí tượng Nhật Bản nhận định, bão Noru khả năng tiến vào Biển Đông chiều tối 25/9 và tiếp tục mạnh lên. Ảnh: JMA.

Chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; sẵn sàng bố trí lực lượng, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt để đảm bảo giao thông suốt trên các trục giao thông chính; đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa, thủy điện, thủy lợi.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các quốc gia trong khu vực tạo điều kiện cho ngư dân và tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có nhu cầu.

Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Theo CAND