Sau vấn nạn bạo hành bác sĩ, đến lượt giáo viên - một nghề vẫn được xem là cao quý - đang phải đối mặt với tình trạng bạo hành ngày càng gia tăng. Ai sẽ bảo vệ nhà giáo, để hằng ngày lên lớp, thầy cô không phải lo bị học trò đánh, phụ huynh chửi?
Thời gian qua xảy ra liên tiếp vụ bạo hành giáo viên ngay trong phạm vi trường học khiến các thầy cô bất an.
Nghề nguy hiểm
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục vụ bạo hành trong trường học đã xảy ra. Giáo viên dùng bạo lực dạy dỗ học sinh và nhận lại bằng bạo lực, từ chính người mình từng dạy dỗ và cha mẹ của chúng.
“Trường học có phải là cái chợ không, đương nhiên không phải chợ, nhưng tôi có cảm giác nó đang giống cái chợ” – GS-TSKH Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam – trong cuộc trao đổi với phóng viên đã tự hỏi và trả lời như vậy.
Ông ngạc nhiên khi ở Việt Nam, tất cả mọi người đều có thể ra vào trường học một cách dễ dàng, việc giám sát an ninh quá lỏng lẻo, dẫn đến việc phụ huynh xông vào tận lớp đánh đập giáo viên. Trước đây, GS Phạm Tất Dong chưa từng nghĩ đến một lúc nào đó, phụ huynh lại có thể xưng “mày-tao”, chỉ mặt giáo viên gọi “con này, con kia” ngay trước mặt học sinh. Phụ huynh không phối hợp, bàn bạc với giáo viên trong việc dạy dỗ con cái mình, mà sẵn sàng giải quyết vấn đề bằng nắm đấm.
Đến lúc này, giáo viên có lẽ không còn được coi là nghề ổn định như quan niệm trước. Giáo viên ngày nay không có được sự bảo vệ của những đồng nghiệp, bởi ai cũng sợ liên lụy, sợ áp lực thành tích, cắt thi đua. Có lẽ, nghề giáo đã trở thành nghề nguy hiểm, khi vấn đề an ninh trường học đang ở mức báo động.
Vì đâu nên nỗi?
Tình trạng bạo lực giáo viên, học sinh ngày càng gia tăng, theo GS Phạm Tất Dong, lý do là vấn đề “dân chủ trường học” không được thực hiện một cách nghiêm túc, vấn đề đạo đức trong trường học đang bị lệch chuẩn. Giáo viên đối xử không công bằng, đánh đập, không tôn trọng học sinh thì cũng nhận lại sự không tôn trọng từ học trò và cha mẹ của chúng.
Ngoài ra, vấn đề an ninh trường học đang bị bỏ lỏng. Để bảo vệ nhà giáo, Bộ GDĐT cần có những quy định cụ thể, phối hợp với các địa phương siết lại vấn đề này.
Theo GS-TSKH Hoàng Xuân Sính - nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, chỉ cần nhìn những hiện tượng xảy ra trong thời gian qua cũng đủ hiểu lý do vì sao truyền thống tôn sư trọng đạo phai nhạt.
Muốn làm giáo viên phải chạy việc, muốn con đi học phải chạy trường, chạy lớp; muốn con không bị trù dập phải lót tay thầy cô; muốn con được đối xử công bằng phải đi học thêm. Nhà trường thì tận thu, mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên như người bán-kẻ mua. Môi trường giáo dục đã bị thương mại hóa đương nhiên làm ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử.
Để giải quyết vấn đề này, GS Hoàng Xuân Sính cho rằng, Bộ GDĐT, các cơ quan chức năng cần xử lý triệt để những vấn đề tiêu cực trong giáo dục. Chỉ khi nào trường ra trường, thầy phải ra thầy, thì trò mới ra trò.
Nữ sinh Sài Gòn bật khóc vì giáo viên “câm lặng” khi lên lớp: Tại sao lại có nhà giáo "quyền lực" đến vậy?
Ngày 23.3, tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM với học sinh tiêu biểu năm 2018, em Phạm Song Toàn ... |
Nâng bậc lương cho giáo viên: Đừng để nhà giáo chờ mãi một quan điểm hết sức nhân văn
Xác định mức độ cần thiết của việc quan tâm tới chính sách lương cho giáo viên, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên để ... |
Đề nghị công an điều tra vụ thầy giáo bị đánh dập sống mũi vì tát học sinh
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) yêu cầu Sở GDĐT Nghệ An đề nghị công an trên địa bàn ... |
Vì sao nam sinh bóp cổ giáo viên được tha thứ, còn phụ huynh buộc cô giáo quỳ thì không?
Cùng là hiện tượng xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm nhà giáo, nhưng hành vi của nam sinh bóp cổ cô giáo thì được ... |