Dân tin và kỳ vọng vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng. Cả xã hội cùng vào cuộc với Đảng. Vấn đề còn lại là chúng ta không chùn bước, dù khó khăn, gian nan đến mấy cũng phải làm cho bằng được
Mấy ngày qua, dư luận đón nhận nhiều tin vui về kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng được đăng tải trên khắp các trang báo và mạng xã hội. Ngay sau khi kết thúc phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú. Việc này là kết quả tất yếu, đã được dự báo trước. Có thể, từ lời khai của Trịnh Xuân Thanh, các cơ quan tố tụng sẽ tìm ra những đồng phạm khác và mảng tối phía sau.
Phải xử tận gốc
Cũng từ vụ Trịnh Xuân Thanh, các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương phát hiện sai phạm hết sức nghiêm trọng của ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa và các quan chức doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương quản lý… Điều đáng nói là trong các vụ này, đều có bóng dáng của mối quan hệ giữa tham nhũng quyền lực với tiền bạc. Việc bổ nhiệm, điều động cán bộ có quá nhiều lỗ hổng, đã tạo điều kiện cho những đối tượng như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy… leo sâu vào bộ máy, đục khoét công quỹ. Loại tham nhũng quyền lực này gây ra hậu quả hết sức nặng nề, làm mất niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên. Vừa rồi, Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 của Đảng đã nhấn mạnh đến việc kiểm soát quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn. Đó cũng là một biện pháp, phương cách chống tham nhũng, lấy lại lòng tin của dân đối với Đảng.
Ông Trịnh Xuân Thanh trong một lần được trao quyết định bổ nhiệm Ảnh: Moit.gov.vn
Trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, chỉ hơn 1 năm phải nhận 2 án kỷ luật và bị đề nghị miễn nhiệm hết các chức vụ. Mức xử lý này là thỏa đáng nhưng còn những thất thoát tài sản của nhà nước khi cổ phần hóa ở Điện Quang thì xử lý thế nào? Câu hỏi này cần có sự giải đáp từ phía cơ quan chức năng. Xử lý tham nhũng thì cần phải xử tận gốc. Từ vụ bà Thoa, người dân cũng có quyền lo lắng về tính minh bạch, công khai trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Còn bao nhiêu "Hồ Thị Kim Thoa" trong quá trình cổ phần hóa vừa qua ở các DNNN, cũng cần được giải đáp…
Hay như vụ cơ quan tố tụng ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Trầm Bê cũng gây chấn động không chỉ giới ngân hàng. "Vai vế" của ông Trầm Bê trong giới tài phiệt không ai lạ gì nhưng cuối cùng cũng "xộ khám". Quân pháp bất vị thân, ai vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý. Đó cũng là hành xử công bằng của nhà nước pháp quyền.
Không có vùng cấm
Nếu tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ 12 đến nay, đã có rất nhiều quan chức nhà nước, quan chức các DNNN, các ngân hàng lần lượt bị khởi tố, bị bắt giam hoặc bị tước hết các chức vụ. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng ở nhiệm kỳ này đã "sờ" đến cả ủy viên Bộ Chính trị cùng một số ủy viên trung ương, nguyên ủy viên trung ương. Điều đó cho thấy quyết tâm của Đảng trong công cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm.
Từ kết quả đấu tranh chống tham nhũng vừa qua, chúng ta càng tin tưởng hơn vào quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Rất nhiều lần, Tổng Bí thư tuyên bố: Chống tham nhũng không có vùng cấm. Những vụ việc vừa qua đã chứng minh lời tuyên bố này là có cơ sở.
Vui mừng với kết quả đấu tranh chống tham nhũng của Đảng nhưng chúng ta cũng thấy đau lòng vì có quá nhiều vụ tham nhũng mà kẻ thực hiện lại là cán bộ, đảng viên cấp cao, có cả những người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Những người này, họ "leo cao, chui sâu" vào bộ máy, đục khoét công quỹ, làm thất thoát tài sản của nhà nước số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng trong thời gian dài. Nếu các cơ quan chức năng sớm phát hiện những vụ việc tham nhũng này, không chỉ hạn chế được thiệt hại về vật chất mà lòng tin của người dân càng được nâng cao hơn.
Tôi tin quyết tâm chống tham nhũng của Đảng. Dân cũng tin và kỳ vọng vào quyết tâm của Đảng. Cả xã hội cùng vào cuộc với Đảng. Vấn đề còn lại là Đảng phải chứng minh với dân rằng: "Đảng nói phải đi đôi với làm", không chùn bước, dù có khó khăn, gian nan đến mấy cũng phải làm cho bằng được. Bảo kiếm đã tuốt ra khỏi vỏ, chỉ có một con đường duy nhất là "xông tới chém gian tà, quan tham".
Ông Triệu Vũ, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh Học viện Chính trị khu vực II - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Xử lý đến nơi đến chốn Qua sự kiện ông Trịnh Xuân Thanh đầu thú, ông Trầm Bê bị bắt, bà Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật…, tôi thấy quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng và nhà nước thành công thêm một bước. Đây là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thỏa mãn. Cái quan trọng nhất mà người dân trông mong là việc xử lý như thế nào? Liệu có làm triệt để, đến nơi đến chốn, đúng người, đúng tội, không nương tay? Bởi những vụ việc vừa qua cho thấy rõ ràng có sơ suất trong công tác tổ chức, kiểm tra, đánh giá cán bộ nên đã không phát hiện kịp thời và cũng không thẳng tay xử lý sai phạm. Người dân vẫn rất thắc mắc vì sao có nhiều chuyện, nhiều vụ đáng lý Đảng và nhà nước phải xử lý từ lâu nhưng lại làm chậm. Hiện nay còn nhiều vụ mà người dân chờ xem Đảng và nhà nước xử lý thế nào. Nếu Đảng và nhà nước thẳng tay, mạnh tay với chính mình, làm "sạch" tổ chức, nội bộ, chắc chắn người dân sẽ luôn tin tưởng và ủng hộ. Ông NGUYỄN VĂN PHỤNG, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh (TP HCM): Chống tham nhũng là xu thế của xã hội Công tác phòng chống tham nhũng được đánh giá cực kỳ phức tạp và gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mới đây, hàng loạt cán bộ bị bắt vì liên quan đến việc thất thoát tiền của nhà nước, ngân hàng…, từ đó cho thấy một phần thành công trong công cuộc chống tham nhũng. Mới đây, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. Thực tế đúng như vậy, rất nhiều cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc đồng hành. Sắp tới, chắc chắn sẽ có nhiều cán bộ từng có nhiều sai phạm bị phanh phui. Tại huyện Bình Chánh, thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều kế hoạch, cuộc họp hằng quý để giám sát hoạt động của cán bộ, trong đó chú trọng công tác tập huấn về việc phòng chống tham nhũng. Sắp tới, Ban Nội chính huyện Bình Chánh sẽ họp và đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và nghiêm minh hơn nữa. P.Anh - L.Phong ghi |