Cùng với phở, bánh mì là một trong những món ăn đặc sắc nhất của Việt Nam. Ổ bánh mì Việt Nam đang ngày càng "lan tỏa" trên thế giới và trở thành một món ăn được nhiều người ưa chuộng.
Cô Theign Yie Phan, bếp trưởng của một hàng bánh mì Việt Nam mang tên Le Petit Saigon ở khu thương mại Wan Chai (Hồng Kông) từng chia sẻ với tờ SCMP rằng cô "mê" bánh mì tới mức gần như đã ăn liên tục 7 ngày trong tuần. Cô khẳng định rất khó để cưỡng lại sự hấp dẫn của những chiếc bánh mì Việt Nam thơm ngon.
Bếp trưởng Theign Yie Phan tại tiệm bánh mì Le Petit Saigon ở Hong Kong. Ảnh: SCMP |
Theo bếp trường Le Petit Saigon: "Bánh mì quả thực là một món ăn vô cùng hấp dẫn. Tôi đã ăn nó gần như mỗi này và đây chắc chắn không phải thứ mà bạn có thể chán được".
"Bánh mì Việt Nam là sự hài hòa giữa hương vị và kết cấu. Trong đó, có vị nóng giòn của vỏ bánh, vị đậm đà của thịt, kèm theo vị chua nồng của dưa chua", cô tiếp tục khen ngợi.
Nguồn gốc của chiếc bánh mì Việt Nam
Bánh mì bắt đầu "du nhập" vào Việt Nam từ 130 năm trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam trong những năm 1880 đến 1954.
Theo đầu bếp Peter Cường Franklin, người đã nghiên cứu những ảnh hưởng từ văn hóa ẩm thực Pháp đối với Việt Nam: "Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, họ cần ăn thức ăn của đất nước mình, bởi vậy người Pháp đã đem theo nhiều thứ như lúa mì để làm bánh mì, phô mai, càphê và những vật dụng khác để sử dụng hàng ngày".
Nhiều người Việt gốc Hoa khi ấy đã được thuê làm đầu bếp, nấu ăn cho người Pháp tại Việt Nam. Dần dần, họ đã học được cách chế biến ẩm thực Pháp và được cải biến để phù hợp hơn với khẩu vị người Việt bằng cách thêm men và nước trong quá trình nhào bột để ổ bánh mì nhẹ hơn ổ baguette của Pháp.
Người Pháp thường ăn bánh mì với pa-tê gan gà hoặc ngỗng. Do đó đều là những món ăn đắt đỏ, nên người Việt đã thay thế bằng những nguyên liệu khác rẻ và dễ chế biến hơn như gan lợn, để tạo ra một "phiên bản" bánh mì khác.
Bánh mì xuất hiện ở Việt Nam từ 130 năm trước. Ảnh: SCMP |
Tuy nhiên, thay vì ăn riêng bánh mì với pa-tê như người Pháp, đến những năm 1950, người Việt Nam đã nghĩ ra cách kẹp chung các nguyên liệu với nhau để dễ dàng mang đi. Đây được xem là tiền đề cho chiếc "siêu sandwich" Việt Nam.
Bánh mì chinh phục thế giới
Dù có nguồn gốc "khiêm tốn", bánh mì vẫn đang tiếp tục con đường chinh phục thế giới, đặc biệt tại những quốc gia có nhiều người Việt sinh sống như Úc, Mỹ hay Hàn Quốc...
Cửa hàng bánh mì Phượng mở ở Hàn Quốc. Ảnh: Facebook nhân vật Kim Yeo Jin |
Hiện nay, có khoảng 1,3 triệu người Việt Nam sinh sống tại Mỹ. Họ đã mang theo món bánh mì truyền thống dân tộc tới đây và được đón nhận.
Tại một trung tâm văn hóa đại chúng như Mỹ, các show truyền hình cũng như blog ẩm thực và mạng xã hội đã giúp lan truyền món ăn đặc sắc của Việt Nam ra toàn nước Mỹ nói riêng và cả thế giới.
Chiếc bánh mì Việt Nam được bán ở cửa hàng của Theign Yie Phan. Ảnh: SCMP |
Theo Theign Yie Phan, lý do bánh kẹp Việt Nam được đón nhận là bởi nó là sự kết hợp của những hương vị quen thuộc giữa bánh mì, nhân thịt, dưa chua tạo nên một món ăn hấp dẫn khiến người ta tò mò và muốn nếm thử. Và dường như mọi nền văn hóa đều có bánh mì kẹp nên bánh mì Việt Nam cũng dễ tiếp cận hơn với người quốc tế.
Hương vị của chiếc bánh mì Việt Nam hiện đại rất đa dạng theo từng vùng miền. Bánh mì Hà Nội sẽ được kẹp với loại nhân khác với bánh mì trong TPHCM và bánh mì Hội An. Và dù ở đâu, bánh mì cũng mang những nét đặc sắc và vị ngon hấp dẫn.
Tiệm bánh mì dân tổ đầu tiên ở Sài Gòn |
Tiệm bánh mì bán 7 loại nhân |
Bánh mì baguette - niềm tự hào của ẩm thực Pháp |