Chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Donald Trump mang đến cho ông Macron cơ hội biến Pháp thành cường quốc hàng đầu của châu Âu trên trường quốc tế
Không lâu sau khi ông Saad Hariri đột ngột tuyên bố từ chức thủ tướng Lebanon trong một bài phát biểu từ Ả Rập Saudi vào đầu tháng 11-2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ đến Riyadh. Căng thẳng tại khu vực khi đó đang leo thang, với các nhà lãnh đạo Lebanon buộc tội người Ả Rập Saudi cầm giữ ông Hariri làm con tin và Riyadh cáo buộc Lebanon tuyên chiến với họ.
Tại Ả Rập Saudi, ông Macron đã thảo luận với Thái tử Mohammed bin Salman về vấn đề "duy trì sự ổn định trong khu vực". Một tuần sau đó, tức ngày 16-11-2017, ông Hariri đến Paris và được ông Macron chào đón. Đến cuối tháng 11-2017, ông Hariri trở lại làm việc, quyết định từ chức kỳ lạ của ông bị hủy bỏ và sức nóng chính trị đã giảm xuống - ít nhất là cho đến thời điểm này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri (trái) tại một hội nghị ở thủ đô Paris hôm 8-12-2017 Ảnh: REUTERS
Hành động trung gian hòa giải của ông Macron trong cuộc khủng hoảng Lebanon có thể không gây nhiều ngạc nhiên bởi Pháp quan tâm đặc biệt đến thuộc địa cũ của mình.
Tuy nhiên, sự can thiệp thành công của ông - cùng với sự háo hức trong việc giải quyết cuộc đối đầu rộng lớn hơn giữa Ả Rập Saudi và Iran - là biểu tượng cho nỗ lực đưa nước Pháp thành một cường quốc hàng đầu tại khu vực và xa hơn thế nữa.
Sự tiếp cận địa chính trị mạnh mẽ hơn của ông Macron không dừng lại ở đó. Hôm 7-12-2017, ông tới Qatar để đàm phán bán 12 chiếc máy bay chiến đấu Rafael do Pháp sản xuất cho nước chủ nhà.
Ông còn tận dụng chuyến thăm chính thức để tìm cách hòa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh nổ ra hồi tháng 6 cùng năm. Một nhóm quốc gia do Ả Rập Saudi đứng đầu cắt đứt quan hệ và phong tỏa Qatar với lý do nước này hậu thuẫn chủ nghĩa cực đoan.
Ông Macron đã lặp lại yêu cầu về "một cam kết hòa giải" giữa các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại cuộc họp báo chung với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani. Sự phong tỏa vẫn còn đó nhưng ông Macron có lẽ hy vọng rằng nỗ lực ngoại giao của Pháp cuối cùng có thể giúp phá vỡ bế tắc.
Tổng thống Macron cũng đang tìm kiếm một vai trò quyết đoán hơn ở Syria. Kể từ khi nhậm chức, ông đề nghị làm người đối thoại trong cuộc nội chiến kéo dài này, cũng như thành lập một nhóm liên lạc quốc tế để khôi phục các cuộc hòa đàm Geneva đang bị đình trệ.
Đồng thời, ông tìm cách chứng tỏ Pháp không phải là một nước dễ thuyết phục. Hồi tháng 5-2017, ông dọa có hành động quân sự nếu chế độ Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành các cuộc tấn công hóa học ở Syria.
Ông Macron cũng đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Iran và Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump từ chối chứng thực rằng Tehran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân và dọa chấm dứt nó.
Tuy nhiên, tổng thống Pháp có lập trường cứng rắn hơn với Iran so với các nước châu Âu khác khi tuyên bố chỉ thỏa thuận hạt nhân thôi là chưa đủ bởi Tehran "đang gia tăng áp lực lên khu vực và tăng cường hoạt động tên lửa đạn đạo".
Iran đã bác bỏ lời kêu gọi thảo luận về chuyện thử tên lửa của ông Macron nhưng nhà lãnh đạo này có lẽ hy vọng đạt được những tiến triển nhất định khi ông dự kiến thăm Tehran năm nay.
Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm Iran đầu tiên của một tổng thống Pháp kể từ năm 1971. Kế hoạch này là một phần nỗ lực của ông Macron để tự giới thiệu mình là một người trung gian hòa giải thành thật, có thể đáp ứng những mối bận tâm, nỗi lo của cả người Hồi giáo Sunni lẫn Shiite trong bối cảnh Mỹ công khai đứng về phía người Sunni - do Ả Rập Saudi đứng đầu - để chống lại Iran của người Shiite.
Chiến lược của ông Macron ẩn chứa rủi ro đáng kể. Iran khẳng định tên lửa mình mang tính phòng thủ và không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân. Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tướng Hossein Salami, cảnh báo Tehran sẽ dỡ bỏ hạn chế tự áp đặt đối với tầm bắn 2.000 km của tên lửa hiện nay. Một động thái như thế sẽ đưa châu Âu vào tầm ngắm của vũ khí đạn đạo Iran.
Ông Macron cần phải hiểu rằng đối với Tehran, những hạn chế về chương trình tên lửa không giống như hoạt động hạt nhân. Ông chủ Điện Élysée cũng cần tránh làm sống lại những kỷ niệm không hay về chủ nghĩa thực dân Pháp ở Trung Đông và Bắc Phi - đặc biệt là tại các thuộc địa cũ Algeria và Lebanon - nếu ông muốn hoàn thành mục tiêu giúp nước Pháp trở thành một quốc gia có thể giải quyết rắc rối bằng con đường ngoại giao.
Dù vậy, ông Macron đang có nhiều lợi thế trong việc theo đuổi những mục tiêu của mình ở Trung Đông. Nước Anh đang bù đầu với chuyện rút khỏi Liên minh châu Âu trong lúc Thủ tướng Đức Angela Merkel bị suy yếu bởi kết quả không như ý trong cuộc bầu cử vừa qua.
Trong khi đó, chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Donald Trump, cùng với những hành động như quyết định chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem và rút lui khỏi các hiệp định quốc tế, đã để lại khoảng trống trong lãnh đạo toàn cầu.
Điều này mang đến cho ông Macron cơ hội biến Pháp thành cường quốc hàng đầu của châu Âu trên trường quốc tế. Kỹ năng của tổng thống Pháp đã được thể hiện qua việc sử dụng sự bất ổn ở Trung Đông làm bàn đạp chính trị cho mục tiêu đó.
Vượt qua \'kẻ nâng cầu\', Pháp trở thành \'đất nước của năm\'
Tạp chí kinh tế Economist chọn Pháp là đất nước của năm vì Tổng thống Emmanuel Macron đã đánh bại tư tưởng thủ cựu và ... |
Macron phản bác chỉ trích vì tổ chức sinh nhật xa hoa tại lâu đài
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đáp trả những lời chỉ trích rằng ông "xa rời dân chúng" khi dành cuối tuần trước sinh nhật ... |