Donald Trump luôn nói chuyện thẳng thắn, đơn giản, nhắm mục tiêu rất cao và liên tục thúc đẩy để có cái mình đang theo đuổi.
30 năm trước, Donald J. Trump công khai cạnh tranh với Merv Griffin để giành quyền kiểm soát một casino. Các lãnh đạo trong công ty khi đó cảnh báo casino này sẽ hút hết doanh thu của các công ty khác trong tập đoàn. Giới phân tích cũng dự báo khối nợ đi kèm sẽ nhấn chìm Trump.
Họ đã đúng. Năm 1991, công ty của Trump nộp đơn xin phá sản vì khoản nợ khổng lồ. Tuy vậy, trong suốt quá trình đàm phán, Trump chỉ tập trung vào một kết quả - ông thắng, và Griffin thua.
Năm 1987, Trump muốn mua một chiếc máy bay Boeing 727. Ông cảm nhận được bên bán - một công ty đang gặp rắc rối tài chính - khi ấy rất tuyệt vọng. Vì thế, ông ra giá chỉ 5 triệu USD. Trong cuốn "Nghệ thuật đàm phán", Trump cho biết đây là mức giá "thấp không thể chấp nhận được", vì giá trên thị trường của chiếc máy bay đó là 30 triệu USD. Cuối cùng, ông đã mua được với giá 8 triệu USD.
Donald Trump tại casino Trump Taj Mahal năm 1990. Ảnh: NYT
Những câu chuyện này đặc trưng cho phong cách giao tiếp của Trump, vốn không thay đổi từ khi ông còn là doanh nhân, đến khi nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ. "Phong cách đàm phán của tôi là đơn giản và thẳng thắn. Tôi nhắm mục tiêu rất cao, liên tục thúc đẩy để có cái mình đang theo đuổi. Thi thoảng, tôi chấp nhận có được ít hơn. Nhưng trong phần lớn trường hợp, tôi vẫn có được cái mình muốn", ông cho biết trong cuốn "Nghệ thuật đàm phán".
Theo giới phân tích, các doanh nhân có thể học được rất nhiều từ nghệ thuật đàm phán của Donald Trump để phát triển việc kinh doanh.
1. Sử dụng từ ngữ đơn giản
Trump không dùng từ hoa mỹ. Ông dùng những từ ngữ mà đứa trẻ 10 tuổi cũng có thể hiểu được. Quan điểm của ông luôn rõ ràng: "Điều này là tốt. Điều này là xấu. Tôi sẽ làm cái này, và không làm cái này". Người nghe có thể hiểu gần như ngay lập tức.
2. Tin vào điều bạn nói
Các ý tưởng của Trump không phải lúc nào cũng được ủng hộ. Dù vậy, khi trình bày, ông luôn thể hiện sự tin tưởng đó là ý kiến tuyệt vời nhất thế giới. Để thuyết phục người khác tin vào mình, bạn cần tin vào điều bạn nói trước đã.
3. Thành thật
Trump là người đủ dũng cảm để gọi các lãnh đạo khác là "kẻ ngốc" hay "đồ trẻ con". Điều đó giúp ông tạo cảm giác mình là người thành thật và dễ gây ấn tượng với người khác.
4. Nghĩ lớn
Nếu bạn hài lòng khi mình có thể đàm phán xong một thương vụ mà chẳng tốn mấy công sức, tức là bạn chưa nghĩ đủ lớn. "Phần lớn mọi người nghĩ nhỏ, vì sợ thành công, sợ phải quyết định, sợ chiến thắng. Và đó là điều giúp những người như tôi có lợi thế lớn", Trump viết.
5. Luôn chuẩn bị cho điều tệ nhất
Trump luôn nhập cuộc đàm phán với sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Vì nếu bạn có thể tồn tại qua thời điểm tệ nhất, những điều tốt đẹp sẽ đến. Hãy chọn các thương vụ mà bạn có đủ khả năng gượng dậy nếu mọi chuyện đi sai kế hoạch.
6. Tối đa hóa các lựa chọn
Trump cho rằng linh hoạt là điều cần thiết. Ông không bao giờ chỉ gắn chặt với một thỏa thuận hoặc một cách thức. Khi đã đạt thỏa thuận, "tôi luôn nghĩ ra ít nhất nửa tá cách thức để hiện thực hóa nó, vì bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả với kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng nhất", ông cho biết.
7. Biết rõ thị trường
Trump cho biết ông tin vào nghiên cứu của chính mình hơn là các tư vấn viên hoặc chuyên gia thống kê. Khi kinh doanh bất động sản, ông có thói quen tự thu thập nhiều ý kiến nhất có thể về tiềm năng của bất động sản đó để tự đánh giá.
8. Tìm ra thứ phù hợp với bản thân
Trump lấy ví dụ trong bất động sản, quan niệm "vị trí là tất cả" là không đúng. Bạn có thể chọn một địa điểm bình thường và biến chúng thành tuyệt vời, bằng cách thu hút đúng người. Bài học ở đây là thay vì trả quá nhiều tiền cho thứ gì đó đã có sẵn, hãy cân nhắc phương án rẻ hơn, nhưng có tiềm năng cải thiện theo hướng phù hợp với mục đích của bạn.
9. Đấu tranh
Trump cho biết ông coi trọng hợp tác và sự tích cực hơn. Nhưng trong một số trường hợp, đối đầu là việc cần thiết nếu đối phương cư xử bất công hoặc cố lợi dụng ông. "Rủi ro là bạn có thể khiến tình hình tệ hơn. Tôi không khuyến nghị cách này với tất cả mọi người. Nhưng kinh nghiệm của tôi là nếu bạn chiến đấu cho điều mình tin tưởng, mọi thứ cuối cùng cũng sẽ tốt đẹp", ông viết.
10. Tiết kiệm đúng lúc
Trump cho biết cha ông đã dạy rằng không bao giờ trả hơn một xu cho thứ chỉ đáng giá từng đó. Vì một xu cũng có thể biến thành một đôla rất dễ dàng. Khi quan sát các đối thủ, ông cũng nhận ra ném tiền vào một dự án chưa bao giờ đảm bảo thành công, nếu nó không được lên kế hoạch kỹ càng.
Hà Thu (theo NYT/BI)
Những lá bài ông Trump và ông Kim sẽ mang vào bàn đàm phán
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sắp diễn ra, nhưng liệu ông Trump và ông Kim có đạt được thỏa thuận không ... |
Đàm phán Mỹ - Triều ở HN tiến sâu hơn so với hội nghị ở Singapore
Yonhap dẫn nguồn thạo tin cho biết đặc phái viên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, ông Kim Hyok Chol, dường như đạt ... |
Quan chức Mỹ kể tiến trình đàm phán dẫn tới thượng đỉnh Trump - Kim lần hai
Các cuộc đàm phán tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai được khởi động chỉ một tháng sau cuộc gặp đầu tiên giữa ... |
Nhìn lại quá trình đàm phán Mỹ - Triều từ hội nghị tại Singapore
Trong cuộc họp báo hôm 22/2, quan chức cấp cao Mỹ khái quát quá trình đàm phán Mỹ - Triều từ cuộc gặp thượng đỉnh ... |