Đầu năm 2018, UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành vào cuộc, tìm cách xử lý việc các bãi biển Sao Biển, Non Nước đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Bãi biển “vàng” của Đà Nẵng là điểm tựa cho sự phát triển du lịch thành phố. Các công trình phục vụ du lịch bị biển đánh sập. Ảnh: LÊ TUẤN
Ghi nhận tại những khu vực này, hình ảnh hàng dừa bị nước biển “liếm” sát gốc, bãi biển từ cả trăm mét nay còn vài chục mét, những nền móng các công trình phục vụ du lịch bị sóng đập méo mó. Đà Nẵng có thể bị mất bờ biển.
Biển Đà Nẵng có còn bình yên!
Giữa tháng 1 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã có chuyến kiểm tra thực tế tình hình sạt lở tại bãi tắm Sao Biển thuộc khu vực bãi biển Mỹ Khê (quận Ngũ Hành Sơn). Ghi nhận tại hiện trường cho thấy sóng biển xâm thực mạnh làm cho nhiều khu vực bờ kè bằng bêtông và bậc thang xuống biển bị xói lở, lộ cả cốt thép. Nhiều hạng mục khác của bãi tắm như chòi canh, vỉa hè, đường nội bộ cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Đáng nói, bãi biển cát trắng dài thoai thoải được bao người yêu mến của Mỹ Khê, Đà Nẵng nay không còn có thể đón khách đến ghé thăm.
Ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - cho biết, sau một đợt khảo sát, Sở Du lịch phát hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng diễn ra hơn một tháng nay, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng. Ngay sau chuyến kiểm tra, các khu vực này được cắm biển báo nguy hiểm, các công trình bị hư hỏng tạm thời dừng hoạt động để sửa sang. Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị lên kế hoạch tìm cách làm kè, che chắn bảo vệ các công trình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc sạt lở bờ biển Đà Nẵng nếu không được nghiên cứu đánh giá cẩn thận sẽ không giải quyết đúng vấn đề.
Đáng nói, thực trạng bờ biển Đà Nẵng bị xâm thực đã diễn ra từ 2016 đến nay chứ chẳng phải chuyện mới. Cụ thể, tháng 3.2017, tại Đà Nẵng đã ghi nhận tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra khá mạnh, kéo dài hàng kilômét dọc theo tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa (qua hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn). Lúc này, nhiều người dân thành phố lo sợ câu chuyện sạt lở bãi biển Cửa Đại Hội An sẽ “chạy” ra đến Đà Nẵng.
“Thời điểm đó, có nơi triều cường xâm thực sâu vào chân bờ kè khiến bãi biển bị thu hẹp, không còn chỗ để tắm (tương tự như hiện nay). Các dãy hàng quán dọc bãi biển buộc phải tháo dỡ. Trong khoảng hai tháng đầu năm 2017, sóng biển đã khoét sâu vào bờ, cuốn sập nhiều hàng quán” - chị Trần Thị Hoa - một người dân ở quận Ngũ Hành Sơn - cho hay.
Sóng cuốn khiến bãi cát tạo nên những chỗ trồi sụt nhưng điều lo ngại hơn nhất là: “Nhìn bãi biển toan hoang mà xót, chúng tôi chưa bao giờ thấy hiện tượng này trước đây. Nếu kéo dài, khả năng không chỉ mùa đông hay mưa bão mà ngay cả mùa hè đến, bãi biển không được bồi đắp kịp sẽ ảnh hưởng đến du lịch của thành phố” - anh Nguyễn Hoàng - một chủ khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp - cho hay. Đó cũng là lo ngại chung của các nhà đầu tư du lịch ven biển. Bãi biển Mỹ Khê từng được tôn vinh là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Và dù chỉ vang danh một lần nhưng tiếng vang của nó đến nay vẫn là nền tảng giúp du lịch Đà Nẵng phát triển. Vậy nhưng nay, hình ảnh khắp các bãi tắm là những tấm bảng “cấm tắm”, “nguy hiểm” mới thấy, biển Đà Nẵng không còn yên bình.
Bài học từ Hội An và nguy cơ mất bờ biển
Sức hấp dẫn của các khu vực bờ biển đã và đang thu hút lượng lớn dân cư tới làm ăn và sinh sống. Tuy nhiên, các khu vực ven biển trên toàn thế giới đang gặp khủng hoảng. Các mối đe dọa đối với bờ biển và các cộng đồng ven biển đã và đang xuất hiện khi hoạt động phát triển kinh tế, đô thị, giải trí và xử lý chất thải gia tăng, tác động tiêu cực tới các quá trình tự nhiên kéo dài là nhận định của TS Quách Thị Xuân - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển Bền vững - Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng- cho biết.
Trong khi đó, câu chuyện về biển Cửa Đại Hội An vẫn đang là bài học ngay trước mắt. Bởi hiện tượng xói lở bờ biển Cửa Đại đã xảy ra từ năm 2004. Chín năm sau đó, hàng trăm khách sạn, nhà hàng, các hộ dân tại đây phải đóng cửa vì bờ biển bị nuốt chửng. Từ việc chỉ xói lở ban đầu từ khu vực cửa sông Thu Bồn, biển Hội An bị “ăn dần” lên phía Bắc giáp với bãi biển An Bàng. Một số nơi, bờ biển bị khoét sâu vào đất liền tới 200m, nhiều công trình du lịch, cơ sở hạ tầng bị cuốn trôi xuống biển.
Trước tình trạng đó, tỉnh Quảng Nam và chính quyền TP.Hội An đã triển khai ứng cứu khẩn cấp bằng phương án kè theo công nghệ của Hà Lan, rồi kè mỏ hàn dài 200m ra ngoài biển với kinh phí 6 tỉ đồng. Mất 4 năm sau, năm 2017, bãi cát tại địa điểm sạt lở đã bồi ra khoảng gần 40m, một số đoạn sạt lở có dấu hiệu bồi đắp lại. Người dân cả nước đều “mừng rớt nước mắt” vì cát nay đã tìm đường về lại Cửa Đại. Tuy nhiên, với các nhà nghiên cứu, hiện tượng xói lở lại có chiều hướng dịch chuyển nhanh về phía bắc. Vào mùa mưa bão, bãi biển Cửa Đại vẫn bị xói lở và mức độ phục hồi đến hiện nay vẫn chưa ai nói trước được điều gì.
Quay lại câu chuyện tại Đà Nẵng, sau mùa mưa lũ năm 2016, bãi biển Đà Nẵng xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nghiêm trọng nhất là đoạn gần ngã ba đường Nguyễn Văn Thoại và Đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn. Theo đánh giá của TS Quách Thị Xuân, nếu như các năm trước, ở thời điểm mùa khô, bãi cát kéo dài khoảng 100m từ đường Võ Nguyên Giáp tới mép nước biển thì năm nay nước biển đã xâm thực vào chỉ cách đường Võ Nguyên Giáp độ 40m.
“Sạt lở bờ biển không hoàn toàn là hiện tượng tự nhiên. Bởi, nếu là hiện tượng tự nhiên thì tại sao xói lở bờ biển ở các nước lại xuất hiện vào các thời đoạn khác nhau?” - TS Quách Thị Xuân lấy ví dụ, ở Mỹ và ở Nhật đã xuất hiện hiện tượng này từ những năm 1970-1980, còn xói lở ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện vào những năm 2000. Ở Hội An xuất hiện từ năm 2004 và trở nên nghiêm trọng từ năm 2013, còn ở Đà Nẵng xuất hiện từ năm 2016 và cái kết vẫn còn đang là dấu hỏi lớn.
Nguyên nhân được đặt ra có thể là do nhiều yếu tố tự nhiên như mưa nhiều, hiện tượng nước biển dâng,… và cả những tác động của con người. Qua các nghiên cứu tại những nơi từng xảy ra sạt lở, có thể thấy rằng xói, sạt lở bờ biển thường xuất hiện ở giai đoạn phát triển của các nước như sau khi xây dựng các cơ sở hạ tầng. Tại Đà Nẵng, vài năm trở lại đây mức độ phát triển hạ tầng, dân cư tại khu vực ven biển trở nên bùng nổ. Tầng chứa nước ngầm tại đây đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bằng chứng là 2 năm qua, Đà Nẵng đối diện với việc thiếu nước sạch, điều chưa bao giờ xảy ra trước đó. Không chỉ vậy, nguy cơ nhiễm mặn mà tạo nên việc sụt lún và xói mòn đường bờ cũng gia tăng.
Dân cư phát triển, lượng xả thải ngày càng nhiểu đổ dồn ra 50 cửa thoát (cả nước mưa) đổ trực tiếp thải ra bãi biển. Hậu quả, sau mỗi trận mưa, hàng nghìn mét khối cát dọc bãi biển bị cuốn trôi, bãi biển bị xé toạc biến dạng. Bãi biển du lịch bốc mùi hôi lại lồi lõm khiến chẳng du khách nào dám đến.
“Trên đây là một số những nguyên nhân mà chúng ta có thể nghĩ đến. Nhưng để xác định chính xác yếu tố gây xói bãi biển Đà Nẵng thì cần phải thực hiện nghiên cứu khoa học bài bản với nguồn lực đủ lớn cả về thời gian, tài chính và nhân lực. Chúng ta phải khảo sát cả mức độ phục hồi của các bãi tắm chứ không thể cứ thấy nó bồi lại là được. Tránh tình trạng để lâu, kéo dài và chủ quan, Đà Nẵng có thể bị mất bờ biển như câu chuyện bờ biển Cửa Đại Hội An là một điều rất đáng tiếc” - TS Quách Thị Xuân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Xuân cũng lưu ý, hiện Đà Nẵng đang khẩn trương tìm cách bảo vệ các công trình du lịch, tuy nhiên các giải pháp kè cứng này có ảnh hưởng tiêu cực đến các bãi biển vì khi đó sóng tác dụng vào chúng tạo ra phản lực lớn hơn, kéo cát ra xa bờ, làm cho bãi biển bị xói nhiều hơn. Vì vậy, trường hợp triển khai các giải pháp phòng, chống sạt lở thì các giải pháp liên quan đến “kỹ thuật mềm” nên được chú trọng thay cho các kỹ thuật bảo vệ truyền thống.
Bãi biển với Đà Nẵng là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển du lịch thành phố. Đó là điều không cần phải bàn cãi. Năm 2018, Đà Nẵng chọn là năm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong đó lấy du lịch - dịch vụ làm mũi nhọn. Vậy một tác động, một thay đổi xảy ra với bờ biển, Đà Nẵng cần xem xét cẩn trọng để giữ lại những bãi biển vàng biển bạc. Cho tới thời điểm này, chưa ai có thể nói chắc được rằng biển Đà Nẵng sạt lở là do đâu, từ đâu nhưng mỗi năm, vài mét bờ biển có thể đã bị sóng cuốn, đi kèm với đó là cả một nền kinh tế du lịch biển cũng chênh vênh theo.
Biển Đà Nẵng trước nguy cơ bị “xóa sổ” vì sạt lở
Biển Đà Nẵng đang có nguy cơ bị “xóa sổ” do bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng.Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực ... |
Ngư dân bỏ biển lên bờ
Hàng trăm trai tráng ở các làng biển Đà Nẵng bỏ nghề ngư phủ, lên bờ làm dịch vụ taxi. Hàng chục làng quê có ... |