Bạch Hạc Than và vũ khí giúp Trung Quốc xây dựng đập vòm lớn nhất thế giới

Khi nhà máy thủy điện mới nhất của Trung Quốc hoàn thành vào tháng 7, nó sẽ có sản lượng năng lượng gấp 16 lần đập Hoover ở Hoa Kỳ.

Cao gần 300 mét và được xây dựng từ hơn 8 triệu mét khối bê tông, đập Bạch Hạc Than nằm trên đoạn sông "Kim Sa" - hay phần thượng lưu của sông Dương Tử. Đập này dự kiến cung cấp năng lượng cho các khu vực nhà ở, cao ốc văn phòng và các nhà máy.

Tốc độ của dự án ở tỉnh Tứ Xuyên này đã khiến các chuyên gia phải kinh ngạc, dù Trung Quốc vốn có tiếng trong việc xây dựng các công trình nhanh. Bất chấp nhiều khó khăn về kỹ thuật dân dụng, bao gồm địa hình hiểm trở và vị trí xa xôi, Bạch Hạc Than chỉ mất bốn năm để xây dựng.

Bạch Hạc Than và vũ khí giúp Trung Quốc xây dựng đập vòm lớn nhất thế giới - 1
Đập Bạch Hạc Than. (Ảnh: Getty)

“Theo tôi, đây có thể là dự án thủy điện thách thức nhất từ ​​trước đến nay", Deng Jianhui, giáo sư Trường Tài nguyên nước và Thủy điện, Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô cho biết.

Đập Tam Hiệp, với chiều cao thấp hơn và vị trí thuận tiện hơn, cũng phải mất 8 năm hoàn thành từ 1998. Bạch Hạc Than lớn thứ hai thế giới sau đập Tam Hiệp, nhưng là đập có cấu trúc vòm lớn nhất, để thích ứng với hẻm núi sâu.

Con đập trị giá 170 tỷ nhân dân tệ (26,1 tỷ USD) sẽ bắt đầu phát điện vào ngày 1/7. Nó có thể sản xuất hơn 62 terawatt giờ điện mỗi năm và giảm lượng khí thải carbon dioxide xuống 52 triệu tấn, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon của Trung Quốc.

Sau khi khởi công năm 2017, có những lo ngại về việc liệu dự án có thể đáp ứng được thời hạn đầy tham vọng hay không. Sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 vào đầu năm ngoái cũng mang đến nhiều lo lắng rằng chất lượng công trình có thể bị hy sinh để đổi lấy tốc độ.

Nhóm dự án thì cho rằng điều làm nên sự khác biệt của mình là việc sử dụng rộng rãi công nghệ trí tuệ nhân tạo. Hầu hết tất cả mọi người liên quan, từ công nhân công trường đến kỹ sư, thanh tra chất lượng và quản lý cấp cao, đều được điều hành bởi một hệ thống AI và hệ thống này thông minh hơn mỗi ngày.

Nhóm dự án do kỹ sư cấp cao Tan Yaosheng đứng đầu cho biết AI đã giúp dự án “cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động, lập kỷ lục thế giới về xây dựng đập vòm”.

Trước đây, việc ra quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà quản lý, nhưng ngay cả người quản lý có kinh nghiệm và chăm chỉ nhất cũng không thể xử lý tất cả các luồng thông tin trong 24 giờ một ngày. Ví dụ, điều phối hàng nghìn xe tải trên toàn bộ địa điểm là một nhiệm vụ vượt quá tầm của cả những nhà quản lý giỏi nhất.

Dưới sự kiểm soát của con người, quá nhiều xe tải vào một điểm đổ xi măng có thể dẫn đến việc ùn tắc, làm chậm tiến độ xây dựng. Để khắc phục vấn đề này, AI sử dụng định vị vệ tinh và mạng 4G để cho mỗi người lái xe biết nên đi đâu và khi nào.

Hệ thống liên tục điều chỉnh lưu lượng bằng cách giám sát các trạm trộn xi măng, máy móc cáp, nhu cầu tại địa điểm đổ theo thời gian thực, và thiết lập lại các tuyến đường ngay lập tức nếu được yêu cầu. Tan và các đồng nghiệp cho biết rất hiếm khi xảy ra tai nạn, bởi vì AI sẽ “đưa ra cảnh báo sớm và chuyển thông tin đến nhân viên quản lý địa điểm để loại bỏ lỗi”.

Bên cạnh đó, các vết nứt là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với một con đập, có thể xảy ra trong quá trình xây dựng. Theo Tan, nhờ sự kiểm soát chính xác của AI về quá trình trộn, đổ và làm nguội xi măng, thanh tra chất lượng đã không tìm thấy vết nứt nào.

Một nhà khoa học thủy điện của Đại học Thanh Hoa cho biết việc sử dụng AI trong xây dựng đập là hợp xu thế, nhưng tầm quan trọng của công nghệ này không nên bị làm quá lên. “Yếu tố con người vẫn là số một. Một cỗ máy thông minh có thể nâng cao hiệu quả, nhưng không thể thay thế được sự cần cù và siêng năng của con người. Phụ thuộc vào AI quá nhiều có thể tạo ra cảm giác an toàn giả tạo”, nhà nghiên cứu giấu tên cho biết.

Dự án Bạch Hạc Than cũng gây tranh cãi. Hơn 100.000 cư dân đã phải di dời khỏi khu vực bị ngập lụt và một số nhà bảo vệ môi trường đã phản đối rằng môi trường sống của các loài động thực vật quý hiếm sẽ bị phá hủy khi nước bắt đầu dâng cao trong tháng này.

Một số nhà nghiên cứu cũng lo lắng con đập sẽ làm ảnh hưởng thêm đến các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng và các loài thủy sinh khác ở hạ lưu sông Dương Tử, con sông lớn nhất Trung Quốc.

Theo một số nghiên cứu mới, mực nước sông Dương Tử đã giảm trong thời gian gần đây. Con sông dài nhất Trung Quốc, đang chịu tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người, trong đó xây đập được cho là đóng vai trò “phức tạp”.

Việc phê duyệt các dự án xây dựng mới dọc theo sông Dương Tử đã được thắt chặt và trong thập kỷ tới, mọi hoạt động đánh bắt cá ở đây đã bị cấm.

Các dự án xây đập trên sông lớn của Trung Quốc cũng gây tranh cãi vì những tác động có thể có tới dòng chảy ở hạ nguồn. Bắc Kinh đã phủ nhận sự ảnh hưởng này.

Trung Quốc xây đập khổng lồ: Tham vọng năng lượng hay Trung Quốc xây đập khổng lồ: Tham vọng năng lượng hay "vũ khí hóa" nguồn nước?

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các dự án thủy điện để hướng tới tương lai năng lượng xanh, trước những cảnh báo về thách ...

/ vtc.vn