"Thanh xuân của tôi may mắn được điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19", BS Phạm Trường An - người 2 lần viết đơn tình nguyện xin ở lại bệnh viện dã chiến số 3 nói.
Dịp nghỉ lễ 2/9 những năm trước, bác sĩ Phạm Trường An, Phó trưởng Khoa khám bệnh lâm sàng, Bệnh viện dã chiến số 3, TP.HCM thường có những chuyến du lịch để nghỉ ngơi sau những ngày làm việc căng thẳng hoặc ở nhà với người thân.
Nhưng dịp lễ năm nay, bác sĩ An phải tạm xa người thân, không còn những chuyến du lịch như thường lệ mà thay vào đó là những chuỗi ngày điều trị và chăm sóc cho những bệnh nhân COVID-19.
"Tôi cũng có một chút buồn và nỗi nhớ nhà da diết nhưng nhìn những bệnh nhân của mình đang xa gia đình, xa người thân, ngày đêm chống chọi với căn bệnh COVID-19 thì một chút buồn của tôi chợt tan biến. Thay vào đó là tình thương của tôi dành cho bệnh nhân, là niềm tự hào và sự cố gắng để giúp bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh, đoàn viên bên những người thân thương của mình", bác sĩ An chia sẻ.
Bác sĩ Phạm Trường An. |
Ngay sau khi Bệnh viện dã chiến số 3 đi vào hoạt động 1 ngày thì ngày 8/7, nữ bác sĩ sinh năm 1992 có dáng hình nhỏ nhắn Phạm Trường An mang hành lý đến bệnh viện nhận nhiệm vụ.
Sau hơn 2 tháng vất vả, tận tình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ An được lãnh đạo xem xét cho chị quay trở về Bệnh viện Bưu Điện - nơi bác sĩ công tác trước đó nhưng chị đã viết đơn tình nguyện xin ở lại Bệnh viện dã chiến số 3 để tiếp tục cùng đồng nghiệp chăm sóc cho bệnh nhân.
Bác sĩ An cho biết, lúc đầu chị được Ban lãnh đạo Bệnh viện Bưu Điện điều động ra Bệnh viện dã chiến số 3 công tác trong 5 tuần. Sau khi hết 5 tuần, bác sỹ An cùng đồng nghiệp tình nguyện ở lại thêm 2 tuần nữa.
"Thời gian 2 tuần sắp kết thúc, chúng tôi thấy các bệnh nhân ở đây vất vả và lực lượng nhân viên y tế cũng thiếu nên 1 lần nữa tôi cũng đồng nghiệp viết đơn ở lại đến khi nào dịch được kiểm soát thì mới về", bác sĩ An nói.
Sau khi hay tin bác sĩ An cùng đồng nghiệp viết đơn xin tình nguyên ở lại, Ban lãnh đạo của Bệnh viện dã chiến số 3 và Bệnh viện Bưu Điện đã viết thư cảm ơn, động viên tinh thần y bác sĩ.
Bác sĩ An cùng đồng nghiệp trao đổi trong ca trực. |
Bác sĩ An cho rằng, khi vào làm việc tại bệnh viện dã chiến phải đối mặt với căn bệnh nguy hiểm, nhưng với nữ bác sĩ trẻ tuổi, những lúc dịch bệnh như này, bác sĩ phải luôn là những người ở tuyến đầu.
"Đã bước chân vào bệnh viện dã chiến thì tất bật không có ngày nghỉ, quên luôn khái niệm cuối tuần. Có hôm phải lùa vội cơm chan canh để kịp đến bên giường cấp cứu chăm sóc bệnh nhân. Mỗi người vượt qua được hiểm nguy lại như một liều thuốc tinh thần dành cho anh em y bác sĩ chúng tôi", bác sĩ An tâm sự.
Theo bác sĩ An, những đồng nghiệp lớn tuổi có gia đình, họ còn bỏ lại gia đình sau lưng để tình nguyện chống dịch, là bác sĩ trẻ chưa có gia đình nhỏ thì việc đi chống dịch trong thời gian dài không khó khăn gì với bác sĩ.
"Tôi không hề hối hận khi đi ra bệnh viện dã chiến, tôi dùng tuổi trẻ của mình để cống hiến cho cộng đồng, cống hiến cho những bệnh nhân F0 nên không hối hận gì cả, ngược lại tôi thấy đây là điều tự hào vì đã đánh đổi cả thanh xuân để làm nhiệm vụ chống dịch cao cả, thanh xuân của tôi may mắn được điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19", bác sĩ An nói.
HOÀNG THỌ
Ổ dịch huyện Bố Trạch, Quảng Bình có thêm 45 ca F0 |
Nhiều F0 từng thập tử nhất sinh đã xuất viện |
F0 khỏi bệnh ở lại cứu F0: "Tôi mang ơn y bác sĩ đã cứu mình khỏi cửa tử" |