Vợ chồng lão nông Trần Văn Hành (dân tộc Sán Dìu) trồng được vải thiều chất lượng cao, có giá bán đắt đỏ nhất Việt Nam.
Một thời chở vải ra chợ bán bị chê xấu, ép bán giá rẻ, vợ chồng lão nông Trần Văn Hành (dân tộc Sán Dìu) nay là người trồng ra quả vải thiều chất lượng cao, bán đắt nhất Việt Nam.
Những ngày đầu tháng 6 nắng như đổ lửa, sau vài lần hẹn gặp, nhờ người chỉ đường, chúng tôi tìm đến được nhà ông Trần Văn Hành tại thôn Chão (Giáp Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) - người sở hữu những khu vườn vải thiều chất lượng cao, bán với giá đắt đỏ nhất Việt Nam.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn vải đang độ chín đỏ, bà Trương Thị Bảy - vợ ông Hành nói: “Gia đình chuẩn bị có cỗ lớn, ông nhà tôi mấy hôm nay bận đi mời khách, tầm chiều chắc sẽ về”.
Dừng chân giữa khu vườn vải sai trĩu cành, bà Bảy kể: “Năm nay vải nhà tôi mất mùa vì mưa đá hồi Tết, nhưng riêng khu vườn này lại rất sai quả. Còn khoảng một tuần nữa mới thu hoạch, doanh nghiệp bao tiêu hết vải loại 1 trong vườn rồi”.
Vợ chồng bà trồng vải thiều từ năm 1991. Những ngày đầu ăn cơm độn sắn, cháo ngô để lấy sức cầm cuốc san đất đồi trồng vải. Khi ấy, người dân chỉ biết trồng và chăm sóc theo kinh nghiệm mình có, vải ra được quả nào hái bán quả đó, hoàn toàn không biết kỹ thuật trồng và chăm bón sao cho quả vải đạt tiêu chuẩn chất lượng cao như bây giờ.
Cay đắng vì phải bán vải với giá quá rẻ, vợ chồng ông Hành quyết làm liều, ép vải thiều ra quả từ thân |
Những năm đầu trồng vải thiều Lục Ngạn, sản lượng chưa có nhiều nên được giá. Về sau, diện tích tăng, dân lại có kinh nghiệm trồng, năng suất cũng tăng cao. Thế nhưng, hàng nhiều thì dễ mất giá. Đến mùa thu hoạch, vợ chồng bà chở những sọt vải thiều nặng hàng tạ ra chợ bán mà dân buôn thi nhau chê quả xấu, nhỏ rồi cố tình ép bán giá rẻ, chỉ vài ngàn đồng mỗi cân.
Thậm chí có đợt giá rẻ quá, người dân trồng vải nơi đây còn chở vải ra chợ bán theo sọt chứ không theo cân. Sọt vải nặng hơn 1 tạ mà chỉ bán được 100 ngàn đồng, đủ tiền đổ xăng đi về, coi như mất trắng công sức chăm bón.
Nhiều nhà khi ấy chán cảnh bán vải thiều giá rẻ còn chặt bỏ, phá cả vườn. Vợ chồng bà thì cố giữ lại bởi vải thiều là cây cho thu nhập chính, phá bỏ vườn cũng không biết trồng cây gì khác thay thế.
“Có lần ông nhà tôi thấy tán cây vải phát triển nhanh, cành lá nhiều tạo ra khoảng râm làm cho sâu bệnh phát triển mạnh. Ông lấy dao chặt bớt cành nhỏ đầu tán tạo ánh sáng cho khu vườn. Sau đó, ở thân cây đâm ra nhiều lộc mới rồi ra hoa, kết trái. Bất ngờ hơn là tỷ lệ đậu quả ở những nhánh cây mọc từ thân rất cao. Chất lượng quả vải thu được cũng cao hơn hẳn quả vải ra từ ngọn”, bà nói.
Túng thiếu, làm liều mong đổi đời
Thấy thế, chồng bà đề xuất cải tạo luôn cả mấy vườn vải của gia đình, song bà sợ thất bại. Hai vợ chồng khá đắn đo, nhưng nếu không thay đổi, vẫn làm cách cũ thì sao thoát được cảnh bán vải giá rẻ. Vậy nên ông bà quyết liều một phen.
Năm 2011, vợ chồng bà bắt đầu quá trình cải tiến quy trình kỹ thuật chăm sóc, “ép” cây vải ra quả từ thân. Nhìn vườn vải bị phạt gần như hết các ngọn, còn trơ trụi lại cành và gốc mà buốt ruột, lo lắng sẽ hỏng vườn vải, bà nhớ lại.
“Làm gì có quy trình gì, lúc đó gọi là làm liều. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm thôi. Mới đầu làm một vườn, sau tăng lên 2 vườn. Có kinh nghiệm rồi thì cải tạo huyển đổi hết cả mấy vườn vải thiều của gia đình”, bà nói.
Cuối cùng, với kỹ thuật cắt tỉa cành, hạn chế tán cây phát triển giúp ánh sáng tỏa xuống thân, lộc mọc ra từ thân cây sau khi thu hoạch quả phải cắt bỏ, lộc ra lần thứ hai giữ lại chăm sóc cho đơm hoa, kết trái rồi bón phân theo định kỳ,... chồng bà cũng “ép” được cây vải thiều ra quả từ thân cho đến ngọn.
Theo đó, trong gần chục năm qua, năm nào vải thiều nhà bà cũng được mùa. Quả vải thiều đạt chất lượng cao hơn hẳn, mẫu mã cũng đều đẹp hơn. Mỗi cây cho sản lượng quả vải từ thân đạt khoảng 40-50kg, ngoài ra vải trên ngọn đạt sản lượng 70-80kg, thậm chí có cây cho tới 1,8 tạ quả.
Điều quan trọng, vải thiều của gia đình bà luôn bán được giá cao gấp rưỡi giá vải thiều ngoài chợ. Thương lái tìm tới tận nhà thu mua, bà khoe.
Năm 2019, ông Hành thành công với mô hình trồng vải thiều hữu cơ |
Làm hàng chất lượng cao, đếm tiền sướng tay
Sau khi thăm vườn, bà Bảy dẫn chúng tôi vào căn biệt thự thì cũng là lúc ông Hành về. Thấy chúng tôi, ông cười hỏi mọi người đã nếm vải thiều hữu cơ xem chất lượng ra sao chưa. Rồi ông nói: "Tầm này vải chín ăn ngon rồi”.
Ông Hành cho biết, mùa vải năm 2019 là năm đầu tiên ông bắt tay với doanh nghiệp làm quả vải thiều hữu cơ. Quy trình canh tác hữu cơ nghiêm ngặt hơn rất nhiều canh tác theo quy trình VietGAP. Phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật đều phải trong danh mục được phép sử dụng.
Quy trình bón phân chia làm 3 đợt. Đợt 1 bón trước khi cây ra hoa hoặc đậu quả non. Đợt 2 bón khi quả bằng đầu ngón tay và đợt 3 bón khi quả vào cùi bao hết hạt, bà Bảy nói thêm.
Ngoài nhật ký ghi chép chi tiết, trong vườn nhà ông còn lắp camera để giám sát toàn bộ quy trình từ chăm sóc cho tới thu hái quả. Sản phẩm được cấp tem nhãn, có mã QR code để khi khách hàng cần kiểm tra có thể dùng điện thoại thông minh để kiểm chứng.
Kết quả, mùa vải thiều năm ngoái, ông bán cho doanh nghiệp 3 tấn vải thiều hữu cơ chất lượng cao. Họ về đóng hộp 12 quả bán với giá 200.000 đồng/hộp, (tương đương 17.000 đồng/quả và 600.000 đồng/kg). Đây cũng là loại vải thiều có giá đắt nhất Việt Nam.
“Vải thiều hữu cơ loại 1 họ mua của gia đình tôi giá 90.000 đồng/kg để đóng hộp, loại đóng túi giá 60.000 đồng/kg. Giá này cũng gấp đôi giá ngoài thị trường rồi”, bà Bảy nói.
Những chùm vải thiều sai trĩu tại vườn nhà ông Hành được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao |
Theo bà, làm vải thiều hữu cơ năng suất không cao được như trồng vải theo phương thức VietGAP, song đổi lại quả vải hữu cơ dễ bán. Khách ở Bắc Giang, ở Hà Nội còn đi xe ô tô lên tận vườn nhà bà hỏi mua vải thiều.
“Năm ngoái vải bán được giá cao. Hái sọt vải bán đủ tiền đong gạo ăn nửa năm. Lượng vải có thể không bằng năm những năm trước, nhưng tiền thì thu nhiều hơn, đếm sướng tay”, bà Bảy khoe.
Dịp Tết vừa rồi có mưa đá ảnh hưởng đến tỷ lệ ra hoa đậu quả của cây vải. Song, vợ chồng ông Hành vẫn tin với 2ha diện tích trồng vải thiều thì sản lượng vụ này ước khoảng 20 tấn. Doanh nghiệp cũng lên đặt cọc bao tiêu toàn bộ vải thiều loại 1.
Về thu nhập từ cây vải thiều, theo ông Hành, tùy vào giá cả mỗi vụ. Nhưng với diện tích cùng cách canh tác như gia đình ông đang làm mỗi năm cũng thu được khoảng 800-900 triệu đồng từ loại quả đặc sản này.
Mấy năm gần đây, ngoài chăm sóc vườn vải của gia đình, ông Hành còn dạy kỹ thuật cắt tỉa cành cũng như kỹ thuật chăm sóc để quả vải thiều có thể ra từ thân cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Nhiều người thành công, trồng và thu được những quả vải chất lượng không kém vải thiều trong vườn nhà ông.
T.An-D.Anh
Clip: Anh Đức
Ba mươi ngày "chiến dịch", nông dân chia nhau 900 tỷ đồng
Được mùa, giá bán cao ngất ngưởng nên chỉ trong vòng 30 ngày thu hoạch vải thiều sớm mà nông dân gọi đùa là vào ... |
Chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam "mở đường" xuất khẩu vải
Vào hồi 15h30 ngày 3.6.2020, chuyên gia của Nhật Bản đã đến Việt Nam trên chuyến bay VN311, phối hợp để việc xuất khẩu vải ... |
Xuất khẩu lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên sang Singapore
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các chuyên gia Nhật Bản chưa sang để giám sát công việc chiếu xạ để xuất khẩu, vải thiều ... |