Mạnh dạn để trẻ làm việc nhà, không chiều chuộng bênh vực con quá mức... là những điều bố mẹ nên áp dụng để rèn tính tự lập cho con.
Giảng viên Lê Minh Huân, khoa Tâm lý, Đại học Sư phạm TP HCM chia sẻ những nguyên nhân khiến nhiều ông bố, bà mẹ buồn phiền vì con cái sống dựa dẫm, ỷ lại.
"Để đó mẹ làm", "Để bà làm", "Để bố giúp..." là điệp khúc gây ngạc nhiên cho nhiều người nước ngoài khi thấy cảnh chăm sóc con của phụ huynh Việt hiện nay. Chứng kiến cảnh một đứa trẻ ăn phải có người đẩy xe, người pha trò, người canh me đưa thức ăn vào miệng, một tiến sĩ giáo dục người Mỹ từng thảng thốt rằng: "Trời ơi! Sao Việt Nam nuôi con khổ quá vậy!".
Và đó cũng là hệ quả gây đau đầu cho những người làm công tác tư vấn tâm lý như tôi. Nào là: "Tại sao con tôi không chịu xin lỗi?", "Nó hư lắm, chẳng biết lo lắng gì cho ai!", "Đùn đẩy trách nhiệm, đổ thừa oan cho người khác", "Hai chục tuổi đầu đến quét cái nhà cũng không sạch"...
Cha mẹ có biết nguyên nhân của những phiền muộn đó là gì không? Có phải do nuôi con theo kiểu "cơm dâng tận răng, nước rót tận miệng" không? Có phải con vấp ngã là đánh chửi cái bàn cái ghế không? Có phải không cần biết ai sai, hễ thấy con khóc là bênh con và bắt người khác xin lỗi không?
Hoặc có phải "con chả làm gì nên hồn" hay "con nít biết gì mà làm" rồi dẫn đến chuyện "con chỉ việc ngồi đó, thế giới đã có ông bà bố mẹ lo". Cứ thế, những đứa trẻ được cung phụng như thể tay chân chúng sinh ra chỉ để trang trí. Đến khi chúng trưởng thành - làm gì cũng đổ vỡ, làm gì cũng sai trái, làm gì cũng không như ý người lớn, thậm chí thấy việc nhưng không biết làm gì, phải chờ cầm tay nhưng vẫn vụng về như một đứa trẻ - thì cha mẹ lại quay sang than thân, trách phận - mình vô phúc, con cái bây giờ khó dạy dỗ.
Không biết bao nhiêu phụ huynh đến cuối cùng có thể ngộ ra rằng những đứa trẻ thiếu trách nhiệm và thiếu khả năng trong nhiều việc chính là cái quả mà họ đã vun trồng suốt bao nhiêu năm qua. Chính cha mẹ chứ không phải ai khác đã "đánh cắp" sự trưởng thành nơi con trẻ.
Tự lập với trách nhiệm thường đi đôi với nhau. Một đứa trẻ biết sống tự lập sẽ có trách nhiệm với từng việc phải làm, có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân. Dưới đây là ba điều nhỏ nhưng cha mẹ cần làm để dạy trẻ sống tự lập - trách nhiệm:
1. Khi trẻ vấp ngã, đừng vội ôm lấy con và đổ lỗi cho những thứ vô tri, vô giác
Cũng đừng khuyến khích con đánh vài cái vào cái bàn, cái ghế cho hả giận. Thay vào đó, hãy trấn an trẻ. Nếu trẻ bị thương hãy giúp trẻ. Nếu trẻ không sao, hãy động viên trẻ tự đứng lên; cho trẻ biết: vì con chưa cẩn thận, quan sát không kĩ nên va vào bàn ghế đấy chứ! Chúng đâu có chạy nhảy khỏi vị trí để ngáng chân con đâu, đúng không? Chắc chúng cũng đau lắm đó. Con xin lỗi chúng nhé!
2. Hãy tập cho trẻ làm những việc nhỏ càng sớm càng tốt
Tôi từng gặp trong một chuyến du lịch nọ, cặp vợ chồng là hướng dẫn viên du lịch quốc tế đã để con gái chưa đầy tuổi rưỡi của mình tự ngồi ăn trưa với mọi người. Mọi người ngạc nhiên hỏi: "Sao chị không giúp nó?" Họ bảo: "Để nó tập ăn một mình", vì họ đã gọi thức ăn đủ mềm và an toàn với con. Và vì được tập sớm nên đứa trẻ vô cùng hứng thú, dùng tay lấy thức ăn và ăn no sau bữa ăn.
Hãy cho trẻ làm việc nhà càng sớm càng tốt - Ảnh: Good Housekeeping. |
Làm việc nhà tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Nhà tôi có mấy bạn sinh viên đại học ở chung, trong đó có hai bạn nam không biết rửa bát, quét nhà, nấu cơm điện. Mền gối của các bạn ấy cả năm không giặt... Đó cũng là lý do mà hai bạn đó hay bị mấy bạn khác trong phòng rầy la chuyện nhà cửa, ăn uống. Bởi vì ở nhà, hai bạn ấy luôn được cha mẹ làm thay.
3. Dạy trẻ biết chia sẻ, giúp đỡ
"Người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình". Khi cha mẹ nấu ăn, có thể cho con nhặt rau; cha mẹ nấu cơm, hãy để con xới ra bát; cha mẹ dọn nhà, hãy nhờ và hướng dẫn con lau bàn...
Tôi thấy 10 nhà thì có đến 8 nhà, người lớn "lao động toàn tập". Trẻ dù có ý muốn đụng tay vào cái gì cũng bị ngăn lại.
Ngoài ra, vì con không lao động kiếm ra tiền, cha mẹ hãy dạy con giúp đỡ, chia sẻ với người lớn bằng việc tiết kiệm tiền điện, tiền nước, tiền mua đồ chơi, giữ gìn đồ dùng học tập, áo quần, giầy dép...
Những việc nhỏ xíu vậy nhưng tích tiểu thành đại. Khi con trưởng thành, con sẽ khác hẳn những đứa trẻ được bao bọc đến độ chẳng làm gì đụng tới cái móng tay.
Lê Minh Huân
Cách người Hà Lan tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới
Bố mẹ Hà Lan không ngại để con vui đùa giữa trời mưa, không bắt con tập đọc từ sớm và để con dùng đồ ... |
Quy tắc ứng xử của trẻ tiểu học Nhật Bản làm khó cả người lớn
Từ việc xếp giày ngay ngắn đến chăm sóc các mối quan hệ cá nhân, trẻ đều được hướng dẫn cụ thể. |