Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển nhanh nhất tại khu vực châu Á và thế giới trong giai đoạn 2016-2020
Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân.
Năng động và chủ động
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit - VBS) ngày 7-11. Với chủ đề "Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy", hội nghị này là sự kiện quan trọng tiếp theo trong ngày thứ hai của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Theo Thủ tướng, Việt Nam đã cho thấy sự năng động thông qua việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu; ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới, trong đó có 18 đối tác thuộc các nền kinh tế APEC. Sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của Việt Nam đã tăng 4 lần, đạt trên 400 tỉ USD, tương đương 170% GDP.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước, trong đó quy mô thị trường xếp thứ 31/137 nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng dẫn công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 31-10 cho thấy xếp hạng 2018 về môi trường kinh doanh (DB) của Việt Nam là 68/190 quốc gia, tăng 14 bậc so với năm trước (thuộc ASEAN-5).
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Thu nhập tăng làm cho Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là các nhãn hàng nổi tiếng nước ngoài… Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực về số người sử dụng điện thoại di động. Đây vừa là một nền tảng quan trọng vừa là cơ hội lớn để giúp các nhà đầu tư tiềm năng dễ dàng kết nối các sản phẩm, dịch vụ của mình đến lượng khách hàng tiềm năng lớn của Việt Nam" - Thủ tướng chỉ rõ.
Chia sẻ tại hội nghị về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, Giám đốc điều hành WEF, cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler, khẳng định giới đầu tư có thể nhận thấy sự tích cực của môi trường kinh doanh cũng như cơ hội kinh doanh khi nhìn vào những cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Nhấn mạnh đây hoàn toàn không phải một lời khen khách sáo, vị diễn giả gốc Việt chỉ rõ tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải dầu khí, công nghệ, cơ sở hạ tầng mà chính là người dân, đặc biệt là giới trẻ. Ông cho rằng khu vực tư nhân cần phối hợp với khu vực công để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đầu tư vào con người
Đứng ở góc độ từ tổ chức đa quốc gia với nhiều kinh nghiệm địa phương, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân cho biết nước ta được đánh giá có tiềm năng phát triển nhanh nhất tại châu Á và thế giới trong giai đoạn 2016-2020, với mức GDP thực tế dự đoán tăng 5,1%.
Bên cạnh các chính sách và hỗ trợ của Chính phủ, nữ tổng giám đốc còn đề cao một trong những yếu tố cơ bản nữa làm nên động lực tăng trưởng của Việt Nam mà không phải quốc gia nào cũng có được, đó là nhân lực trẻ dồi dào, với 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động hằng năm. Theo bà, Việt Nam đang đầu tư khá cao vào lĩnh vực đào tạo và cần tiếp tục hướng đi này bởi đây là yếu tố cơ bản để chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Cũng nhấn mạnh vào đầu tư con người, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Victoria Kwakwa đi sâu vào sự cần thiết phải thay đổi về giáo dục đối với Việt Nam. "Việt Nam phải có nền giáo dục tốt hơn trong nền công nghiệp 4.0 và đẩy mạnh giáo dục đại học chất lượng hơn, các trường đại học có tính tự quản cao hơn và cạnh tranh với nhau. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của nền kinh tế, từ đó mang lại cơ hội bình đẳng trong cuộc sống" - bà nhìn nhận.
TPP được quan tâm nhiều Trao đổi bên lề hội nghị VBS, cũng như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đang rất chào đón những tiến triển của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), chia sẻ sự lạc quan về triển vọng đạt được một thỏa thuận đột phá cho TPP-11 ở Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Ông dự đoán Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ đổi ý về quyết định rút khỏi TPP và nước Mỹ sẽ quay lại với hiệp định vốn cũng mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế số 1 thế giới này. Cũng trong ngày 7-11, tại cuộc họp báo Hội nghị tổng kết quan chức cấp cao (CSOM), Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017 Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong bối cảnh mới, Việt Nam tiếp tục phối hợp tích cực với các nền kinh tế khác để tạo ra cân bằng lợi ích giữa các bên. Trước câu hỏi liệu Mỹ có quay lại TPP, Thứ trưởng Sơn bỏ ngỏ câu trả lời vì TPP là một hiệp định mở cho các nước. Tối cùng ngày, trong cuộc họp báo tổ chức tại Trung tâm Báo chí quốc tế ở Đà Nẵng, phó phát ngôn viên của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Toshihide Ando, cho hay Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Taro Kono và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã hội đàm trong ngày 7-11. Theo ông Ando, trong cuộc gặp của hai bộ trưởng có nội dung "TPP sẽ tiếp tục được đàm phán trong tuần này" và "có thỏa thuận tổng thể". Tuy nhiên, ông Ando từ chối nói cụ thể hơn... |
APEC 2017: Định hình tương lai kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
APEC 2017 là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam thúc đẩy phát triển tự do thương mại. |
Vai trò APEC, vị thế Việt Nam
Hôm nay (6/11), tại Đà Nẵng sẽ bắt đầu ngày làm việc chính thức đầu tiên trong khuôn khổ của Tuần lễ Cấp cao APEC ... |
http://nld.com.vn/thoi-su/viet-nam-ngay-cang-hap-dan-20171107222647408.htm