Khâm liệm xong một bệnh nhân Covid-19, nam điều dưỡng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chạy ra sân thét to.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thường, 36 tuổi, khoa Hồi sức tích cực (ICU), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, kể câu chuyện này, hôm 9/6, nói rằng tất cả đồng nghiệp chị đều cảm thấy xót xa. Anh là người tình nguyện khâm liệm cho những bệnh nhân Covid tử vong khi người thân của họ không thể ở cạnh phút lâm chung. Người đàn ông phải gào thét trong sân bệnh viện để giải tỏa căng thẳng khi có thêm người bệnh qua đời.
"Mắt tôi nhòa đi, muốn ôm anh ấy mà khóc. Đại dịch quá khốc liệt", chị nói. "Chưa bao giờ chúng tôi phải làm nhiều như thế. Áp lực khủng khiếp. Bác sĩ thức trắng nhiều đêm liên tục".
Có những ngày đến 25 ca thở máy, 15 ca lọc máu, 5 người điều trị ECMO (hệ thống oxy hóa màng ngoài cơ thể). Các bệnh nhân ICU đều nặng, cần được điều dưỡng chăm sóc toàn diện từ vệ sinh cơ thể, răng miệng, ăn, thay bỉm, lấy thuốc, tiêm truyền...
So sánh với các đợt dịch vào năm 2020, chị Thường nhận định cường độ công việc đã tăng lên gấp 5-6 lần. Cùng thời gian này năm ngoái, khoa ICU chỉ có tối đa 6 bệnh nhân, trong đó có một ca ECMO.
"Đây có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong đời tôi", Thường nói.
Chị chia sẻ: "Ai có thể cầm lòng khi nghĩ về đứa con thơ đang gào khóc suốt đêm vì khát bầu sữa mẹ. Ai có thể không xót ruột khi cả bố và mẹ xông pha nơi tiền tuyến, bỏ lại con nhỏ ngơ ngác. Ai có thể an lòng khi cả nhà đi chống dịch, để mẹ già bệnh tật một mình trong nhà trọ 12 m2?".
Chị Thường kể, những đồng nghiệp của chị chỉ nặng trung bình dưới 50 kg, cao không đến 1,60 m, cảm thấy mệt mỏi vì áp lực đè nặng. Nhưng họ vẫn chiến đấu bằng tình yêu nghề nghiệp, nghĩa vụ và trách nhiệm, niềm tin, bất chấp môi trường đầy nguy cơ nhiễm virus.
"Tôi yêu những cô gái ấy", Thường bày tỏ.
Điều dưỡng khoa ICU, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tranh thủ ngủ mệt trong một ca trực đêm cuối tháng 5. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Song ở tuyến đầu chống dịch cũng có niềm vui. Thường kể, nhóm hai bác sĩ, hai điều dưỡng của khoa ICU tự thực hiện nội soi phế quản cho hai người bệnh Covid-19 nguy kịch, trong đó có một bệnh nhân ECMO, vào ngày 9/6.
Đây là kỹ thuật điều trị Covid-19 từng được thực hiện tại khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện thời gian trước. Nay, khoa ICU có thể tự thực hiện mà không cần chuyển bệnh nhân ra khỏi cơ sở. Kỹ thuật này giúp hút đờm dãi ứ đọng trong phế quản của bệnh nhân viêm phổi nặng, chạy ECMO, giải phóng phế quản tránh viêm nhiễm và giúp phổi thông khí.
"Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt bác sĩ khi anh ấy nhìn thấy rõ hình ảnh từng nhánh phế quản, phế nang của bệnh nhân, nơi nCoV đang tập trung như bãi chiến trường. Không ít 'chú nCoV' hôm nay sẽ phải khóc ròng vì bị cuốn theo dòng hút của máy nội soi", chị nói.
Theo chị Thường,những vất vả của y bác sĩ ICU chỉ là một góc nhỏ trong sự gian khổ chung để chống Covid-19.
"Ở đây, chúng tôi chỉ biết làm hết sức, dốc lòng cứu những ca bệnh nguy kịch và đã thực hiện được. Với chúng tôi, đó là điều ý nghĩa nhất cho cuộc đời này".
Bác sĩ khoa ICU can thiệp nội soi phế quản cho bệnh nhân ECMO, ngày 9/6. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều quốc gia đã nghiên cứu về tác động của Covid-19 lên sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế tuyến đầu. Theo đó, các nghiên cứu về đội ngũ y tế ở Trung Quốc, Canada và Italy đã điều trị bệnh nhân Covid-19, cho thấy tỷ lệ lo lắng, trầm cảm và mất ngủ tăng vọt.
WHO cho biết Covid-19 tác động tới cuộc sống và chấn thương tâm lý lớn hơn cả Thế chiến thứ II, nhấn mạnh nhân viên chăm sóc sức khỏe là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất.
Chi Lê
52 ca COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương diễn tiến nặng |
nCoV liên quan viện Nhiệt đới là biến chủng Ấn Độ |
Tiếp tục chuyển người bệnh từ viện Nhiệt đới tới Bạch Mai Hà Nam |