Áp lực gọi vốn của doanh nghiệp

Thị trường gọi vốn, mua bán- sáp nhập doanh nghiệp (M&A) dự đoán tiếp tục sôi động trong năm 2024 bởi các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đang nhắm tới những doanh nghiệp (DN) trong nước có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định, lâu dài. Trong khi đó, DN trong nước phần lớn do nguồn vốn bị thắt chặt, do áp lực khó khăn về tài chính trong những năm gần đây nên buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi vốn...

“Sân chơi” của nhà đầu tư ngoại

Theo đánh giá của TS Nguyễn Tuấn Anh (Đại học RMIT Nam Sài Gòn), trong năm 2023 “top 5” thương vụ giá trị nhất thuộc về các NĐT ngoại gồm: Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Malaysia, Thái Lan. Theo số liệu từ KPMG, tổng giá trị giao dịch M&A trong 10 tháng đầu năm 2023 là 4,4 tỷ USD với hơn 260 thương vụ, trong đó 80% giá trị giao dịch từ các ngành y tế, tài chính, và bất động sản. Giá trị trung bình các thương vụ là 54,5 triệu USD.

thi truong.jpg -0
Thực phẩm, hàng tiêu dùng thuộc ngành hàng được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trên thị trường M&A.

Đặc biệt, xu hướng gần đây các DN Nhật Bản đầu tư mạnh vào ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Điển hình, Tập đoàn Nhật Bản Sojitz thông qua Sojitz Asia Pte.Ltd. và Công ty TNHH Sojitz Việt Nam mua lại toàn bộ công ty phân phối thực phẩm lớn nhất Việt Nam là Công ty cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy). Sojitz cũng đầu tư vào Vinamilk (500 triệu USD), chuỗi cửa hàng Ministop của Aeon Mall… Ngoài ra, các DN Nhật Bản cũng đang rất quan tâm đến lĩnh vực logistics, đặc biệt là chuỗi cung ứng lạnh.

Luật sư Đào Tiến Phong – Công ty tư vấn InvestPush cho biết, nhu cầu đầu tư của các NĐT nước ngoài vào Việt Nam rất lớn. Hiện nay công ty đang tư vấn cho nhiều NĐT, quỹ đầu tư của Singapore, Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Quỹ đầu tư của Mỹ có dòng tiền lớn muốn đưa vào Việt Nam theo dạng cho vay kèm điều kiện chuyển đổi cổ phần, lãi suất cho vay thấp 2-3% với các thương vụ vài chục triệu USD, họ sẵn sàng đầu tư lớn cho dự án về sản xuất, bất động sản. Quỹ đầu tư của Singapore tập trung vào mảng giáo dục, y tế. Còn với NĐT Trung Quốc, họ muốn mua lại toàn bộ hoặc mua một phần cổ phần của các DN đang sở hữu chuỗi nhà hàng ăn uống. Ngoài ra, họ muốn góp vốn vào các nhà máy sản xuất đã có sẵn đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu. Nếu DN trong nước có kế hoạch gọi vốn thì thời điểm này chính là cơ hội tốt.

Với DN Nhật Bản, do đồng yên Nhật mất giá nên các DN Nhật Bản mang tiền đi đầu tư nước ngoài và Việt Nam là một trong những lựa chọn an toàn của NĐT Nhật Bản. Các NĐT từ Trung Quốc đã chuyển dịch sang các nước Asean trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam đón nhận các NĐT nước ngoài.

Góp vốn hay bán đứt doanh nghiệp?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, việc DN trong nước tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài hiện đang là xu hướng lớn vì đi cùng với vốn còn có những nhân tố khác như công nghệ, kỹ năng, quản trị, lợi thế cạnh tranh... Nguồn vốn trong nước DN khó tiếp cận dẫn đến số lượng DN ngưng hoạt động từ năm ngoái đến những tháng đầu năm nay tiếp tục tăng cao. Nếu có nguồn lực bổ sung kịp thời, có thể nhiều DN không phải rút khỏi thị trường.

Thị trường M&A có 2 dạng: Thứ nhất, DN Việt tìm kiếm NĐT để góp vốn, cùng chung tay để phát triển DN lớn mạnh hơn nữa để nâng cao vị thế cạnh tranh cuả mình. Thứ 2, là những DN Việt bán đứt 100% DN mình cho NĐT và sau đó rút khỏi thị trường. Theo bà Chi Lan, việc DN bán đứt 100% DN mình cho NĐT dẫn đến hệ quả là làm cho nội lực của Việt Nam yếu đi. Một số ngành hàng Việt Nam đang có vị thế nhất định kể cả trong nước lẫn xuất khẩu có thể bị rơi vào tay các NĐT nước ngoài. Mặt khác, khi nội lực của Việt Nam yếu đi, thì các DN nước ngoài cũng mất hứng thú khi đầu tư vào thị trường trong nước.

Theo bà Chi Lan, chính sách M&A trong thời gian tới là hướng đến hỗ trợ, giúp những DN đang tính tới việc bán đứt chỉ phải bán một phần DN để tìm kiếm NĐT mới để vực dậy, vượt qua khỏi giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì môi trường chính sách ở Việt Nam phải thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thoái vốn và cần phải rút ngắn thời gian hoàn tất thương vụ. Đặc biệt, xu thế lớn về ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) sẽ ngày càng tăng cao hơn, sẽ là yếu tố chính để thúc đẩy các thương vụ M&A trong tương lai.

 https://cand.com.vn/Kinh-te/ap-luc-goi-von-cua-doanh-nghiep-i725904/

Thúy Hà / CAND