“Chúng tôi đã quá khổ, mệt mỏi vì trại lợn này”, là những lời than thở của dân và cán bộ xã Hương Xuân, Hương Khê (Hà Tĩnh) về Dự án trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản và trồng cây ăn quả triển khai tại địa phương từ năm 2015.
Trại lợn của bà Phương. Ảnh: PV
Dân khổ vì mùi hôi thối, nước thải ô nhiễm, cán bộ cũng kêu trời vì đơn thư, khiếu kiện.
Đeo khẩu trang ăn cơm
Ngồi bó gối trên thềm nhà, khuôn mặt đầy nếp nhăn, vẻ mệt mỏi, ông Nguyễn Văn Vệ - Chi hội trưởng Người cao tuổi xóm Hòa Xuân (xã Hương Xuân) - thở hắt ra: “Nói về đơn thư phản ánh ô nhiễm do trại lợn gây ra, dân chúng tôi đã có hơn 100 đơn rồi, nhưng giải quyết chưa đến đâu”.
Thấy chúng tôi đến, nhiều người dân kéo về thi nhau “tố” trại lợn gây ô nhiễm. Ông Lê Hữu Tuấn (SN 1976), nói: “Tôi đi làm vào khoảng 3-4 giờ sáng, mùi thối kinh khủng không chịu nổi!”
Ông Nguyễn Kim Hiên (xóm Hòa Xuân) chán nản: “Bọn tôi kêu quá nhiều rồi, kêu huyện, kêu xã đều không được. Khi trại lợn họ xả nước, kêu thì cán bộ không vào, đến khi cán bộ vào thì khó xử lý”. Ông Hiên cho hay, nhiều hộ dân sống cạnh trại lợn rất khổ, đến bữa ăn gặp mùi thối, không thể vừa ăn vừa đeo khẩu trang. Người dân cho hay thỉnh thoảng trại lợn xả nước ra kênh, màu xanh biếc, bà con rất sợ ngấm vào nước giếng ảnh hưởng đến sức khỏe. “Gần đây, cơ quan chức năng về lấy mẫu nước, nói sau 1 tuần công bố kết quả xét nghiệm cho dân, nhưng nay quá thời hạn không thấy gì,”- một người dân xóm Hòa Xuân thông tin.
Quá bức xúc, người dân đã nhiều lần kéo nhau lên trại lợn phản đối, có đợt vài chục người kéo lên huyện kiến nghị. Gần đây, vào sáng 9.4, hàng chục người dân ở các xóm Hòa Xuân, Trường Sơn, Vĩnh Trường (Hương Xuân - Hương Khê) cầm theo cuốc, xẻng, dao rựa vào xẻ phát, đào đất đắp chặn mương thoát nước bên cạnh trang trại chăn nuôi lợn nái và trồng cây ăn quả của bà Nguyễn Thị Phương đóng tại xóm Hòa Xuân, xã Hương Xuân. Người dân cho rằng, trại lợn nói trên đã nhiều lần xả nước thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước tại Đập Phụ. Cũng trong sáng 9.4, người dân kéo nhau lên trụ sở UBND xã Hương Xuân yêu cầu chính quyền địa phương vào cuộc xử lý.
Dân đã khổ, chính quyền địa phương cũng chẳng sung sướng gì. Ông Trịnh Xuân Thắng - Chủ tịch UBND xã Hương Xuân - nói: “Cán bộ xã còn khổ hơn dân. Nhiều áp lực lắm. Bây giờ chúng tôi triển khai việc gì cũng khó khăn, vì dân không đồng thuận. Lại còn có dư luận này khác về cán bộ”. Ông Thắng cho hay, đã nhiều lần trực tiếp vào khu vực trại lợn để nắm bắt tình hình, có lần phải đi vào ban đêm. Tuy nhiên, xã không có thẩm quyền xử lý, mà chỉ báo cáo lên cấp trên, chờ sự giải quyết của các cấp có thẩm quyền. Từ khi trại lợn đi vào hoạt động đến nay, địa phương không thu được đồng thuế nào, chỉ giải quyết việc làm cho 5-6 lao động. “Tình hình này không biết kéo dài đến bao giờ,”- ông Thắng nói.
Áp đặt dự án
Trại lợn, là cách nói tắt, còn tên gọi đầy đủ theo giấy tờ là Dự án trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản và trồng cây ăn quả, được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 7.10.2014, bằng Quyết định số 2944/QĐ-UBND.
Ngay từ khi nắm được thông tin quy hoạch dự án, đông đảo người dân xã Hòa Xuân đã phản đối quyết liệt. Họ cho rằng, khu vực này là nơi tập trung nguồn nước, gần khu dân cư, lại sát con đập phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hecta lúa, hoa màu của 3 thôn Hòa Xuân, Vĩnh Trường, Trường Sơn, nên không thể tránh khỏi ảnh hưởng tới môi trường, cuộc sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, UBND huyện Hương Khê và UBND xã Hương Xuân quyết tâm thực hiện dự án đến cùng. Ban đầu là các “cuộc vận động” liên tục, làm người dân mệt mỏi. Sau đó là tổ chức đối thoại, rồi tuyên bố cưỡng chế. Tại các cuộc đối thoại, người dân nêu băn khoăn về việc dự án nuôi lợn đầu nguồn nước sẽ làm ô nhiễm môi trường, nhưng cán bộ một mực cam đoan sẽ không vấn đề gì. Họ nêu ra nào là báo cáo tác động môi trường, rồi còn tổ chức cho dân đi tham quan mô hình trại lợn ở nơi khác...
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn kiên quyết không đồng thuận. Đến ngày 8.9.2015, chính quyền địa phương đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 8 hộ dân tại xóm Hòa Xuân. Lực lượng công an, cảnh sát được huy động, chặn các ngả đường. Tuy nhiên, hàng trăm người dân xã Hương Xuân đã kéo đến hiện trường để cản trở. Nguyễn Văn Cường (SN 1992) trú xóm Phú Yên đã bị bắt giữ về hành vi “Chống người thi hành công vụ”, sau đó bị kết án tù. Bị cưỡng chế, người dân không còn lựa chọn nào khác phải giao đất. Chủ dự án là bà Lê Thị Phương đã tiến hành xây dựng cơ sở vật chất, đưa vào hoạt động tháng 7.2016.
Chúng tôi chất vấn vì sao dân liên tục phản đối với lý do dự án gây ô nhiễm mà chính quyền vẫn kiên quyết thực hiện, ông Trịnh Xuân Thắng - Chủ tịch UBND xã Hương Xuân - phân trần, xã chỉ là đơn vị thực hiện, chứ không có quyền quyết định. “Thời điểm đó, cấp trên chỉ đạo quyết liệt, chúng tôi phải triển khai”- ông Thắng nói. Theo vị chủ tịch xã này, thời điểm đó cũng tin tưởng vào các phương án bảo vệ môi trường đã được cơ quan chức năng phê duyệt, nếu chủ cơ sở tuân thủ nghiêm túc thì không vấn đề gì, nhưng thực tế khi đi vào hoạt động lại gây ô nhiễm. Ông Thắng cũng lưu ý, có 1 trại lợn quy mô lớn ở địa bàn xã Hương Vĩnh, nhưng nước thải lại chảy về xã Hương Xuân, có thể là nguyên nhân gây ô nhiễm.
Chưa hoàn thiện phương án bảo vệ môi trường
Chiều 23.4, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở TNMT Hà Tĩnh chủ trì đã kiểm tra tại trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản và trồng cây ăn quả tại xã Hương Xuân. Đoàn kiểm tra phát hiện, số lợn nuôi trong trang trại lên tới hơn 2.700 con, vượt quy mô thiết kế khoảng 500 con. Chủ trang trại đã đầu tư bể biogas và lót bạt chống thấm 2/3 hồ sinh học. Nhưng bạt chống thấm tại hồ thứ nhất đã bị rách, bạt chống thấm hồ thứ 2 nằm dưới mực nước của hồ. Có 1 đường ống từ hồ thực vật (chứa nước thải) thông với mương thoát nước bên ngoài dự án mới được lấp.
Ngoài ra, còn các vi phạm khác như: Chưa lắp đặt hệ thống hấp phụ bằng than hoạt tính để khử mùi và hệ thống lò đốt xác lợn chết theo báo cáo ĐTM (báo cáo đánh giá tác động môi trường) đã được phê duyệt; chưa lập hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án; chưa có báo cáo kết quả quan trắc môi trường định kỳ theo ĐTM. Hồ sơ xin cấp phép xả thải ra môi trường chưa được phê duyệt.
Dự án đã đi vào vận hành, hoạt động gần 2 năm, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót, có thể gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trao đổi với PV qua điện thoại, bà Lê Thị Phương- chủ trang trại nói trên - vẫn khẳng định, trang trại chưa bao giờ xả thải, không gây ô nhiễm (?).
“Có vấn đề” về pháp lý
Ngày 25.5, làm việc với PV, ông Phan Quốc Lập - Trưởng Phòng TNMT huyện Hương Khê - cho biết, dự án nói trên thuộc diện kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh, nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, với mục đích xây dựng mô hình nuôi lợn thương phẩm và cung cấp lợn giống cho người dân trên địa bàn huyện. Quá trình thực hiện dự án, cơ quan chức năng đã kiểm tra nhiều lần, có nhắc nhở chủ đầu tư về các nội dung chưa đạt theo ĐTM. Vào năm 2017, lợn giảm giá nghiêm trọng, con giống không xuất được. Người dân phản ánh trang trại gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, Sở TNMT và huyện đã kiểm tra, thấy một số hạng mục chưa đảm bảo theo ĐTM: Chưa có giấy phép xả thải, các công trình bảo vệ môi trường chưa đảm bảo... và yêu cầu khắc phục. Về mẫu nước, hiện đã lấy mẫu phân tích, đang chờ kết quả.
Ông Phan Quốc Lập cho rằng, chủ trương thu hồi đất, giải phóng mặt bằng... đều bảo đảm đúng quy định của pháp luật. PV trao đổi, dự án nói trên không thuộc danh mục nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, đề nghị cung cấp cơ sở pháp lý cụ thể. Ông Phan Quốc Lập gọi 1 cán bộ khác sang, đề nghị cung cấp cơ sở pháp lý cho PV. Vị cán bộ này khẳng định, dự án này được phép thu hồi đất theo quy định vì đây là “dự án phát triển kinh tế - xã hội theo hình thức xã hội hóa”. PV đề nghị cung cấp dự án nói trên căn cứ theo điều khoản nào, danh mục nào của luật Đất đai 2013, vị bộ nói trên cầm cuốn sách luật tra cứu một hồi lâu, nhưng cũng không chỉ ra được. Sau đó vị này khất, hẹn sẽ trả lời bằng văn bản vì hiện tại đã hết giờ làm việc.
Theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Nghệ An): Theo quy định của Luật Đất đai 2013, các dự án thuộc diện nhà nước thu hồi đất bao gồm dự án quốc phòng, an ninh, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo danh mục quy định tại Điều 62, Luật Đất đai 2013, không có dự án trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả để tư nhân kinh doanh. |
Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé ở Kiên Giang: Đừng làm mất đi lợi thế tài nguyên
Theo các nhà khoa học, dự án này sẽ phá vỡ đi dòng chảy tự nhiên vốn có, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, ... |
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị tiếp tục thu giá nhiều dự án BOT “đặt nhầm chỗ”
Tại văn bản báo cáo Quốc hội về các nhóm vấn đề sẽ được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể ... |