Sự cố vừa xảy ra với tiêm kích đa năng MiG-35 tại Triển lãm hàng không quốc tế Moskva - MAKS 2019 có lẽ sẽ khiến triển vọng xuất khẩu của nó thêm phần u ám.
Tại Triển lãm Hàng không quốc tế Moskva - MAKS 2019, Nga đang rất tích cực xúc tiến việc xuất khẩu tiêm kích đa năng thế hệ 4,5 tới các khách hàng nước ngoài tiềm năng.
Nga đẩy mạnh quảng bá cho MiG-35 sau khi họ tuyên bố quá trình thử nghiệm của nó sẽ kết thúc vào cuối năm nay và Bộ Quốc phòng Nga đã đặt hàng 6 chiếc.
Theo thông tin từ giới chức quân sự Nga thì đã có tới 30 quốc gia tỏ ý quan tâm tới MiG-35, tuy nhiên khoảng cách từ quan tâm tới đặt mua vẫn là rất lớn.
Trở ngại chủ yếu nằm ở nhận xét tiêm kích MiG-35 chưa tỏ rõ sự nổi trội so với dòng Su-30 hay Su-35, trong khi trọng lượng cùng như giá thành đã gần như tương đương.
Để củng cố thêm niềm tin của khách hàng, tại Triển lãm MAKS 2019 đang diễn ra, Nga đã cho chiếc chiến đấu cơ mang nhiều kỳ vọng của mình được nằm tại vị trí trưng bày đẹp nhất cũng như thực hiện các bài biểu diễn nhằm gây ấn tượng.
Tuy nhiên đáng tiếc là vận đen có vẻ như vẫn đeo đuổi nhà sản xuất MiG, khi sự cố lại xảy ra với chiếc chiến đấu cơ “con cưng của họ”.
Trong một buổi bay biểu diễn vào hôm 29/8, một phần vỏ ngoài của cánh phía trái chiếc MiG-35 đã bị rơi trong khi máy bay thực hiện động tác nhào lộn.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên được giải thích là do khi đó máy bay đang phải chịu lực quá tải lớn do thực hiện động tác quay ngoặt phức tạp.
Điều này đã dẫn đến áp lực lên khung thân máy bay gia tăng, làm cho một số mối nối của phần khung vỏ không chịu được và gây ra sự cố trên.
Điều vừa xảy ra chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của MiG-35, bởi khung thân của máy bay vẫn bị đánh giá là mang "đậm chất MiG-29" có chất lượng hoàn thiện không cao, tuổi khai thác tương đối ngắn và không hấp thụ được sóng radar.
Thực ra những lỗi kỹ thuật kiểu này không phải là điều quá hiếm gặp đối với máy bay chiến đấu thực hiện chức năng biểu diễn, trước đó tiêm kích F-16 của Mỹ cũng gặp phải một lỗi tương tự khi bị bung mất nắp che khẩu pháo trên thân.
Nhưng dù sao đi nữa F-16 hay bất cứ dòng chiến đấu cơ nào khác đã chứng tỏ được năng lực qua thời gian dài hoạt động và thu về rất nhiều đơn hàng có giá trị, trong khi tình cảnh của MiG-35 thì ngược lại hoàn toàn.
Để sớm xuất khẩu được MiG-35, có lẽ Nga cần đưa ra thêm nhiều biện pháp xúc tiến hơn nữa, ngoài giảm giá thành sản phẩm thì họ cũng nên suy nghĩ tới việc chuyển giao công nghệ sản xuất cho đối tác.
Còn vào thời điểm này, có lẽ Nga sẽ mất khá nhiều thời gian để thuyết phục các khách hàng quốc tế hãy cứ đặt niềm tin vào chiếc chiến đấu cơ có khá nhiều tai tiếng của họ.
[ẢNH] Tiêm kích bí ẩn MiG-144 tiếp tục 'tái xuất' tại triển lãm hàng không MAKS 2019
Triển lãm hàng không quốc tế Moskva - MAKS 2019 đón tiếp sự quay lại của khá nhiều chủng loại tiêm kích thử nghiệm đặc ... |
Israel từng đánh cắp hụt tiêm kích MiG-29
Israel hối lộ một tướng Ba Lan để đưa tiêm kích MiG-29 tới nước này năm 1985, nhưng chiến dịch bí mật bị Liên Xô ... |