Ấn Độ trả giá vì niềm tin miễn dịch cộng đồng

Nhiều người Ấn Độ từng tin rằng họ đã thoát bão Covid-19 nhờ đạt miễn dịch cộng đồng, cho tới khi làn sóng thứ hai nhấn chìm quốc gia này.

Khi Ấn Độ áp lệnh phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3 năm ngoái, nỗi sợ về nguy cơ Covid-19 càn quét khắp đất nước hơn 1,3 tỷ dân thực sự hiện hữu. Đợt phong tỏa được đánh giá nghiêm ngặt nhất thế giới đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia này, đẩy hàng triệu lao động nhập cư phải đi bộ trở về quê hương. Nhưng chính phủ Ấn Độ lúc đó coi mối đe dọa của Covid-19 lớn hơn tất cả.

Trong những ngày đầu dịch bùng phát, các mô hình dự đoán Covid-19 ước tính Ấn Độ có thể ghi nhận tới 4 triệu ca tử vong. Nhưng gần 11 tháng sau đó, số ca tử vong ở Ấn Độ chỉ là 155.913. Đến tháng 2, số ca nhiễm mới hàng ngày cũng giảm mạnh còn hơn 11.000 trường hợp, từ mức đỉnh điểm gần 100.000 ca hồi tháng 9/2020.

"Tỷ lệ dương tính ở hầu hết các bang ngoài Kerala và Maharashtra hiện ở mức thấp, dưới mức 5% mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là dấu hiệu đại dịch được kiểm soát tốt. Điều này cho thấy số ca nhiễm và tử vong giảm nhiều khả năng là một hiệu ứng thực sự", Gautam Menon, giáo sư khoa vật lý và sinh học tại Đại học Ashoka, nói khi đó.

Ngoài phong tỏa nghiêm ngặt, đeo khẩu trang và dân số trẻ, không ít người tin rằng số ca Covid-19 của Ấn Độ giảm là nhờ khả năng đề kháng của người dân với nCoV.

Ấn Độ trả giá vì niềm tin miễn dịch cộng đồng

Một bệnh nhân Covid-19 thở oxy được đưa khỏi xe cấp cứu ở thành phố Ahmedabad, bang Gujarat hôm 26/4. Ảnh: Reuters.

Jayaprakash Muliyil, nhà dịch tễ học hàng đầu Ấn Độ và chủ tịch ủy ban cố vấn khoa học của Viện Dịch tễ học Quốc gia, hồi tháng 2 cho rằng các nước vùng nhiệt đới báo cáo ít ca tử vong hơn Mỹ hay châu Âu, nhiều khả năng nhờ hấp thụ nhiều ánh nắng mặt trời.

Ông chỉ ra nghiên cứu của các nhà dịch tễ học tại Đại học Heidelberg ở Đức, trong đó có ý "87% trường hợp tử vong do Covid-19 có thể là do thiếu vitamin D". Muliyil cho rằng hầu hết người Ấn Độ, trừ người giàu có thành thị và tầng lớp trung lưu, đều làm việc ngoài trời và hấp thụ nhiều vitamin D, do đó có khả năng đề kháng tốt với nCoV.

"Hầu hết mức vitamin D của người Ấn Độ rất ấn tượng và nó cũng hiệu quả để chống lại nhiều loại virus khác. Do đó, tôi tin rằng vitamin D đóng vai trò trong việc ghi nhận số ca tử vong thấp", ông nói.

Chuyên gia Muliyil khi đó cũng không loại trừ khả năng Ấn Độ phát triển khả năng miễn dịch cộng đồng. Tại các thành phố đông dân cư như Mumbai và New Delhi, xét nghiệm huyết thanh cho thấy kháng thể nCoV xuất hiện ở hơn 50% dân số. Cuộc khảo sát hồi đầu tháng 2 chỉ ra 56% người dân New Delhi xuất hiện kháng thể.

Giới chuyên gia nhận định đây là xu hướng đầy hứa hẹn dẫn tới kịch bản 70% dân số có kháng thể để đạt miễn dịch cộng đồng. "Tất cả những lo lắng ban đầu rằng kháng thể không thể cung cấp sự bảo vệ lâu dài hiện tại không hợp lý. Chúng tôi biết rằng khả năng miễn dịch đối với virus sau khi nhiễm là rất tốt và mạnh mẽ", ông Muliyil giải thích trong bài viết cách đây hai tháng.

Đại dịch có khả năng kết thúc nhờ khả năng miễn dịch cộng đồng, đạt được thông qua nhiễm virus một cách tự nhiên hoặc được tiêm chủng. "Đường cong của dịch đi xuống ở Ấn Độ có thể là nhờ khả năng miễn dịch cộng đồng cục bộ ở hầu hết khu vực thành thị và dân số trẻ", Giridhara R Babu, giáo sư dịch tễ học tại Tổ chức Y tế Cộng đồng Ấn Độ, nói.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia từ lâu không tin vào khả năng Ấn Độ hình thành miễn dịch cộng đồng và bác bỏ khả năng nước này vượt qua được Covid-19 một cách êm thấm.

"Đại dịch này không thể vượt qua bằng cách tin rằng ngày mai chúng ta sẽ có miễn dịch cộng đồng. Quan niệm miễn dịch cộng đồng đã thất bại ở Anh. Không có lý do gì để nói Ấn Độ đã phát triển khả năng này. Chúng tôi đã cố gắng ngăn chặn Covid-19 bằng phong tỏa", Prasun Chatterjee, phó giáo sư tại khoa lão khoa, Viện Khoa học Y khoa Ấn Độ (AIIMS), nói.

Hoài nghi về khả năng miễn dịch cộng đồng của Ấn Độ càng tăng lên vào tháng 3, khi quốc gia này chứng kiến làn sóng Covid-19 thứ hai trỗi dậy. Trước sự ngạc nhiên của cả thế giới, Ấn Độ bỗng nhiên lâm vào cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng, với bệnh viện quá tải, nguồn cung oxy cạn kiệt và nhiều bệnh nhân tuyệt vọng nằm chờ chết. Mỗi ngày, chính phủ báo cáo hơn 300.000 ca nhiễm mới, mức kỷ lục so với thế giới và chiếm gần một nửa số ca nhiễm mới của toàn cầu.

Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO, nói rằng những tuyên bố về khả năng miễn dịch cộng đồng có lẽ đã bị phóng đại. "Ấn Độ chưa bao giờ đạt miễn dịch cộng đồng ở quy mô dân số", bà nói. "Virus này một khi ở trong cộng đồng sẽ liên tục tìm kiếm vật chủ mới. Các biến chủng mới xuất hiện với các đột biến có thể khiến nó trở nên dễ lây truyền hơn, do đó cần có các biện pháp y tế cộng đồng chặt chẽ hơn".

Những tháng đầu năm 2021, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi hành động như thể Ấn Độ đã chiến thắng đại dịch, tổ chức các cuộc mít tinh quy mô lớn và cho phép hàng triệu người tham gia các lễ hội tôn giáo của người Hindu.

Hàng triệu người Ấn đã tập trung bên bờ sông Hằng ở thành phố Haridwar để dự lễ hội Kumbh Mela, một trong những lễ hành hương thiêng liêng nhất của người theo đạo Hindu.

Ấn Độ trả giá vì niềm tin miễn dịch cộng đồng

Người Ấn Độ xuống tắm ở sông Hằng trong ngày đầu tiên của lễ Kumbh Mela hôm 14/1. Ảnh: Reuters

Bất chấp lo ngại về nguy cơ lễ hội Kumbh Mela trở thành sự kiện siêu lây nhiễm, Thủ hiến bang Uttarakhand Tirath Singh Rawat vẫn tuyên bố "niềm tin vào Thượng đế sẽ chiến thắng nỗi sợ virus" và "mời tất cả tín đồ trên thế giới đến Haridwar".

"Ấn Độ không giống châu Âu. Chúng tôi có khả năng miễn dịch tốt hơn", Sanjay Sharma, một người hành hương 50 tuổi, nói hồi tháng 1. "Thật buồn khi không nhìn thấy người ta tụ tập đông đúc ở Kumbh như trước. Ai rồi cũng phải chết. Sống mà sợ hãi thì có ích gì?"

Giờ đây, Ấn Độ phải đối mặt với "cuồng phong" Covid-19 đang làm rung chuyển cả đất nước, như lời Thủ tướng Modi phát biểu hôm 25/4.

Người Ấn đã bắt đầu sợ hãi, khi vô số người lên mạng xã hội cầu cứu, mong tìm được giường bệnh, thuốc men hoặc oxy. Trên khắp cả nước, những lễ hỏa táng hàng loạt đang diễn ra. Đôi khi hàng chục ngọn lửa bùng lên cùng lúc để thiêu xác người chết vì Covid-19.

"Tôi thực sự lo lắng về tình hình nhiều nơi ở Ấn Độ", Reuben Abraham, giám đốc điều hành viện nghiên cứu IDFC, chỉ ra số ca nhiễm Covid-19 tăng trên khắp cả nước. "Tại sao điều này lại xảy ra, chúng tôi thực sự không biết".

Thanh Tâm (Theo FT, Quartz, ANI)

Ấn Độ hết vaccine Covid-19 Ấn Độ hết vaccine Covid-19
Bất chấp khủng hoảng COVID-19, Ấn Độ cho phép 600.000 người hành hương Bất chấp khủng hoảng COVID-19, Ấn Độ cho phép 600.000 người hành hương
/ vnexpress.net