Trả lời VTC News, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết, New Delhi dự kiến sẽ bàn giao 5 tàu tuần tra cho Việt Nam trong năm 2021.
Tại buổi gặp mặt báo chí hôm 14/1, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết, hai nước đang đẩy mạnh thực hiện Tầm nhìn chung về hòa bình, thịnh vượng và người dân, nhằm định hướng phát triển cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong tương lai.
Theo ông Pranay Verma, Tầm nhìn chung này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và người đồng cấp Narendra Modi thảo luận và cùng đề ra tại hội đàm cấp cao trực tuyến tháng 12/2020. Theo đó, Tầm nhìn chung Việt - Ấn là nền tảng cho kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, hai nước sẽ xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể theo từng giai đoạn, bắt đầu từ năm 2021-2023.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma chia sẻ tại cuộc họp báo hôm 14/1. (Ảnh: Minh Tuấn) |
Trả lời VTC News, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết, lãnh đạo hai nước đánh giá cao kết quả triển khai thành công dự án đóng 12 tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng biên phòng Việt Nam, bằng gói tín dụng quốc phòng 100 triệu USD của chính phủ Ấn Độ. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quân hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ.
“Trong 5 tàu cao tốc được đóng ở Ấn Độ, chúng tôi dự kiến sẽ bàn giao xong cho Việt Nam trong năm 2021. Hiện tại 1 tàu tuần tra đã được chuyển giao, 2 chiếc đang thử nghiệm trên biển và 2 chiếc còn lại đang hoàn thiện”, Đại sứ Pranay Verma cho biết. “Ngoài ra, 7 tàu tuần tra khác trong dự án đã bắt đầu đóng tại Việt Nam. Đến năm 2022, dự án đóng 12 tàu tuần tra cho Việt Nam sẽ hoàn thành”.
Theo Đại sứ Ấn Độ, trong năm 2020 hai nước đã kí kiết các thỏa thuận và bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng. Trong đó có dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tại Nha Trang giữa Đại học Thông tin liên lạc (Bộ Quốc phòng) và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam; Thỏa thuận triển khai hợp tác giữa Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam và Trung tâm gìn giữ hòa bình Ấn Độ. Ngoài ra còn có bản ghi nhớ về hợp tác an toàn hạt nhân và bảo vệ bức xạ giữa các cơ quan của hai nước.
Trong hội đàm cấp cao trước đó, hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông. Đồng thời nhấn mạnh giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Lãnh đạo Việt - Ấn tiếp tục kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán thực chất để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chiều 14/1, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, đề cập tới cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, truyền thông Ấn Độ sau cuộc trò chuyện này đưa tin về khả năng New Delhi sẽ bán tên lửa cho Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Trong cuộc điện đàm gần đây giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên trao đổi rất nhiều vấn đề liên quan tới các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng chỉ là một trong các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ".
Ấn Độ chuẩn bị đợt tiêm vaccine COVID-19 ‘lớn nhất thế giới"
Chính phủ Ấn Độ đang phân phối vaccine đến các địa phương trên cả nước để chuẩn bị cho đợt tiêm chủng được gọi là ... |
Trung Quốc rút 10.000 lính khỏi khu vực tranh chấp với Ấn Độ
Trung Quốc có thể đã rút 10.000 lính khỏi vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ, khi khả năng xảy ra xung đột sắp ... |