Người giết nhiều vua nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam không ai khác chính là Trịnh Tùng, vị chúa đầu tiên của dòng họ Trịnh.
Người này đã từng giết ông vua của triều đại đối nghịch với triều đại mình và sau đó lại giết cả những vị vua của mình để thâu đoạt quyền bính vào tay. Người giết nhiều vua nhất không ai khác chính là Trịnh Tùng, vị chúa đầu tiên của dòng họ Trịnh.
Giết vua Mạc chấm dứt Bắc triều
Đến nửa sau thế kỉ XVI, cục diện Nam - Bắc triều phân tranh vẫn chưa chấm dứt. Thế lực Nam triều đứng đầu là những người muốn trung hưng nhà Lê và thế lực Bắc triều là tập đoàn họ Mạc đánh nhau không dứt, lúc thắng lúc thua.
Chân dung Trịnh Tùng. Tranh vẽ trong sách Trịnh gia chính phả.
Năm 1545, Nguyễn Kim – người đứng đầu thế lực phù Lê – bị một hàng tướng nhà Mạc đánh thuốc độc chết. Quyền lực được chuyển sang tay con rể, Lạng Quốc Công Trịnh Kiểm. Từ đây, họ Trịnh từng bước xây đắp cho quyền bính và địa vị của mình. Trịnh Kiểm tiếp tục chống nhau với nhà Mạc nhưng vẫn không mang lại kết quả gì. Năm 1569, Trịnh Kiểm chết. Hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng đánh giết lẫn nhau để giành quyền lực. Nhân cơ hội này, vua Mạc là Mạc Mậu Hợp (lên ngôi từ 1564) liên tiếp mở nhiều cuộc tiến công vào Thanh Hóa, Nghệ An là địa bàn của Nam triều. Suốt hơn 10 năm từ 1570-1583, nhà Mạc đem quân đánh vào 13 lần, biến vùng bờ biển từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa (Huế) thành chiến trường.
Cuối năm 1583, sau khi củng cố lực lượng, Trịnh Tùng (sau khi thắng Trịnh Cối được vua Lê Anh Tông phong làm Tiết Chế Trưởng Quốc Công) quyết định đem quân đánh ra Bắc, bắt quân nhà Mạc đổi thế công sang thế thủ. Năm 1591, Trịnh Tùng thống lĩnh 7 vạn quân kéo ra Bắc. Được tin, Mạc Mậu Hợp cũng tự dẫn 10 vạn quân đến đánh nhau với quân Trịnh. Quân Trịnh đánh rất hăng, quân nhà Mạc thua to, chết hàng vạn người. Mạc Mậu Hợp bỏ chạy về kinh thành Thăng Long (Hà Nội). Trịnh Tùng đuổi theo nhưng gặp tết Nguyên Đán nên dừng lại cho quân sĩ nghỉ ngơi dưỡng sức.
Năm ấy là năm Nhâm Thìn (1592). Ăn tết xong, Trịnh Tùng đốc thúc tướng sĩ đánh thành Thăng Long. Quân Mạc không giữ được thành, Mạc Mậu Hợp phải chạy trốn. Trịnh Tùng sai người san phẳng thành lũy rồi cho rút quân về vì “Đất căn bản của Mậu Hợp là phía đông bắc. Nay tuy y bại trận ở đây nhưng viện binh ở các nơi khác hãy còn nhiều” (Đại Việt thông sử).
Mạc Mậu Hợp do nỗi buồn thất trận nên chìm đắm trong ma men và vì vậy đã phạm phải sai lầm chết người. Mậu Hợp thấy vợ của tướng Bùi Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên xinh đẹp nên muốn chiếm làm vợ, tìm cách giết chết Văn Khuê. Nguyễn Thị Niên nói cho chồng biết. Bùi Văn Khuê lo sợ đưa vợ về giữ đất Gia Viễn (Ninh Bình), sai con trai trốn vào Thanh Hóa xin hàng vua Lê. Trịnh Tùng thuận cho và biết chắc chắn mình sẽ đại thắng, bởi Bùi Văn Khuê là tướng thủy quân giỏi nhất bên Mạc, nay đã quy thuận thì nhà Mạc không còn chỗ dựa về thủy quân nữa.
Trong năm 1592, Trịnh Tùng phát động nhiều cuộc tấn công vào thủy quân nhà Mạc và giành nhiều thắng lợi. Mạc Mậu Hợp liên tiếp thất bại nên bỏ chạy về Hải Dương. Thăng Long lại rơi vào tay quân Trịnh. Mậu Hợp trao ngôi vua cho con trai rồi tự mình dẫn quân đi đánh Trịnh Tùng, quyết một trận được mất. Trịnh Tùng sai tướng chặn đánh Mạc Mậu Hợp. Mậu Hợp thua to phải bỏ thuyền chạy lên bộ, ẩn trong một ngôi chùa tại Phượng Nhãn (Bắc Giang). Trịnh Tùng sai người tìm bắt được, giải Mạc Mậu Hợp về Thăng Long.
Bắt được Mạc Mậu Hợp rồi, Trịnh Tùng ra lệnh treo sống 3 ngày. Sau đó chém đầu tại bến Bồ Đề, cho đóng đinh vào hai mắt rồi bêu đầu ở chợ Thanh Hóa sau khi làm lễ hiến phù (dâng chiến công) vua Lê.
Nhà Mạc khởi từ Mạc Đăng Dung năm 1527, trải đến đời thứ năm là Mạc Mậu Hợp thì chấm dứt, trước sau tồn tại được 65 năm (1527-1592).
Vậy là cục diện Nam - Bắc phân tranh đã kết thúc. Vua Lê từ Tây Đô (Thanh Hóa) trở lại kinh thành rồng bay năm xưa. Nhà Lê Trung Hưng bắt đầu chính vị tại Thăng Long. Nhưng vua Lê cũng không thoát khỏi số phận như kẻ thù Mạc Mậu Hợp, đến lượt bị Trịnh Tùng bức hại.
Lộng quyền giết cả vua Lê
Như trên đã nói, sau khi Trịnh Kiểm chết, Trịnh Tùng cùng anh trai là Trịnh Cối đánh nhau để tranh quyền. Kết quả là Trịnh Tùng thắng, kế tục Trịnh Kiểm nắm giữ binh quyền. Trịnh Tùng càng ngày càng chuyên quyền, muốn chi phối mọi hoạt động trong triều nhiều hơn, lấn át cả nhà vua.
Quyền thần giết vua. Tranh minh họa.
Vua Lê Anh Tông (tên thật Lê Duy Bang, trị vì từ 1557) vì thế không ưa gì Trịnh Tùng, luôn muốn loại bỏ Trịnh Tùng. Trịnh Tùng biết điều đó và biết nhà vua thân với một đại thần là Lê Cập Đệ nên Trịnh Tùng quyết định giết Lê Cập Đệ trước để đe dọa Anh Tông. Bề ngoài, Trịnh Tùng vẫn cho người đem vàng bạc đến biếu Lê Cập Đệ nhưng lại sai đao phủ ngầm phục sau màn trướng, giết chết Cập Đệ rồi phao lên tên này làm phản, xin vua xử tội cả họ nhà hắn.
Sau khi Lê Cập Đệ chết, Lê Anh Tông sợ có chuyện chẳng lành nên đem 4 hoàng tử chạy vào Nghệ An. Trịnh Tùng cho người đón hoàng tử thứ 5 là Duy Đàm mới 7 tuổi lên ngôi, tức là vua Lê Thế Tông (1573-1599). Sau đó, Trịnh Tùng cho người vào Nghệ An truy bắt Lê Anh Tông, nói thác là đón vua về cung. Lê Anh Tông trốn vào ruộng mía. Quan quân đến, lấy lời năn nỉ, xin vua trở về để lòng dân được yên. Anh Tông tin lời bèn quay về. Trịnh Tùng tiếp đãi vua chu đáo. Nhưng chỉ được thời gian ngắn, đến ngày 22 tháng giêng năm 1573, Trịnh Tùng sai thủ hạ là Tống Đức Vi ngầm giết chết vua rồi nói rằng nhà vua thắt cổ chết. Năm ấy Lê Anh Tông 42 tuổi, ở ngôi được 16 năm. Quần thần truy tôn miếu hiệu là Anh Tông Tuấn Hoàng Đế, táng ở lăng Bố Vệ.
Tiếp sau Lê Anh Tông, triều Lê Trung Hưng còn một vị vua nữa bị Trịnh Tùng giết hại. Đó là Lê Kính Tông, cháu nội của Anh Tông.
Năm 1595, Trịnh Tùng bắt đầu lấy tước Bình An Vương và sau đó con cháu kế nhiệm đều tiếp tục xưng vương, hình thành giai đoạn vua Lê - chúa Trịnh trong lịch sử. Từ khi lập Duy Đàm lên thay Anh Tông, Trịnh Tùng càng lộng quyền hơn, mọi việc đều bắt vua phải hỏi ý kiến. Âm mưu sâu xa của tập đoàn họ Trịnh là muốn cướp lấy ngai vàng, thay nhà Lê lên làm ngôi “thiên tử”. Vua Lê Kính Tông cũng biết bụng dạ ấy nên tìm cách gạt bỏ ảnh hưởng rồi loại trừ Trịnh Tùng.
Vua Lê Kính Tông tên thật là Duy Tân, con thứ của Lê Thế Tông, lên ngôi năm 1600. Vua là người “tướng mạo hùng vĩ, nối ngôi giữ nghiệp mà trong nước bình yên, nhưng lại riêng nghe mưu gian, đến nỗi có việc chẳng lành, thực rất đáng thương” (Đại Việt sử kí toàn thư). Đoạn chép trên của chính sử nhà Lê đã nói về số phận của ông vua đáng thương này. Lê Kính Tông thấy Trịnh Tùng lấn lướt vua ngày một quá đáng nên không chịu nổi. Vua biết Trịnh Xuân, con thứ Trịnh Tùng, muốn cướp ngôi của cha nên bàn với Trịnh Xuân mưu giết cha, xong rồi vua sẽ trao quyền cho Trịnh Xuân.
Thực chất, hành động này của Lê Kính Tông quá dại dột và quá ngây thơ. Trịnh Xuân với thế lực của mình không thể lật đổ được Trịnh Tùng. Cho dù có làm được thì sau này Trịnh Xuân sẽ lại lộng quyền, thậm chí còn hơn cả cha, sẽ bất lợi hơn rất nhiều cho Lê Kính Tông và cả cơ nghiệp nhà Lê. Nhưng sự bồng phát trong ý nghĩ đã biến thành sự thật khiến nhà vua quyết định mượn tay con để giết cha.
Trịnh Xuân nghe theo sự sắp xếp của Lê Kính Tông, cho quân mai phục sẵn hai bên đường chờ Trịnh Tùng đi xem bơi thuyền về qua sẽ nổ súng tiêu diệt. Khi Trịnh Tùng đi qua, súng nổ nhưng chỉ trúng con voi Trịnh Tùng đang cưỡi. Thoát chết, Trịnh Tùng tra hỏi mới biết đó là ý định của nhà vua. Không còn cách nào khác, Trịnh Tùng buộc phải loại ông vua này. Ngày 12 tháng 5 năm 1619, Trịnh Tùng cho người bức vua thắt cổ chết rồi truy tôn miếu hiệu là Kính Tông Huệ Hoàng Đế, táng ở lăng Hoa Loan. Lê Kính Tông chẳng ngờ rằng mình lại có kết cục bi thảm giống như ông nội trước đó hơn 40 năm.
Trịnh Tùng, từ Tiết Chế Quốc Công đến Bình An Vương rồi chúa Trịnh, đã giành thắng lợi quyết định trong cuộc chiến giành quyền uy của mình và đẩy hai vị vua nhà Lê vào một số phận chung: cái chết. Nhìn lại lịch sử, trước Trịnh Tùng đã có nhiều vụ sát hại vua – ông “con trời” xảy ra. Như việc Lê Ngọa Triều giết vua anh là Lê Trung Tông để lên thay thế làm vua nhà Tiền Lê; việc Trần Thủ Độ, Thái Sư triều Trần giết hại ông vua Huệ Tông nhà Lý ở chùa Chân Giáo; việc Hồ Qúy Ly giết vua Trần Thuận Tông năm 1399; hay các vụ giết vua thời Lê sơ: Lê Nghi Dân giết em là Lê Nhân Tông để cướp ngôi báu, Trịnh Duy Sản đảo chính giết chết vua Lê Tương Dực, Mạc Đăng Dung giết Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng để cướp ngôi. Đến đây, vào cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII, sự việc lại tiếp diễn nhưng về số lượng các vua bị giết và phạm vi triều đại của các vua ấy đã vượt xa những kẻ trước, đã đưa Trịnh Tùng trở thành người giết nhiều vua nhất trong lịch sử Việt Nam.
10 ông vua tai tiếng nhất lịch sử Việt Nam (Phần 2): Vua hèn
Bên cạnh những vị vua trụy lạc, một số ông vua được nhớ tới như những người u mê, nhu nhược hoặc tàn bạo. |
10 ông vua tai tiếng nhất lịch sử Việt Nam (Phần 1)
Vì thói đam mê hưởng lạc, chỉ trong ít năm, nhiều vị vua đã phá tan nát cơ đồ mà các bậc tiền bối dày ... |
Những cặp vợ chồng nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam
Lịch sử nước ta từng xuất hiện những cặp vợ chồng tài sắc vẹn toàn, tình yêu son sắt với thời gian. |
Hổ tướng nào giáo đâm thủng đùi không đau?
Ông là một trong những tướng hàng đầu trong sử Việt. Vì mải nghĩ kế đánh giặc, ông bị quân lính đâm thủng đùi vẫn ... |