Mới nhất là trong lúc dịch Covid-19 đang bùng phát, có nguy cơ trở thành “làn sóng thứ hai”, vậy mà một số người Việt vì ham tiền mà tiếp tay cho nhóm người Trung Quốc vượt biên trái phép
Khói đốt đồng là hình ảnh quen thuộc, thân thương ở vùng đồng bằng Nam bộ thời trước. Lơ thơ vài cụm khói nhỏ bay lên. Người nông dân nào đang vơ cỏ khô hun chuột, hoặc nướng cá, nướng khoai? Khói đốt đồng vào phim, vào tranh, vào thơ, vào nhạc. Đến nỗi ai xa quê lâu ngày thường nhớ ngọn khói đốt đồng, giống như nhớ về làn sương mai buổi sớm, tia nắng tía cuối ngày bên giậu cúc tần, hoa thiên lý kết chùm bên bậc cầu ao, chùm lá tre khô bay trên mái rạ…
Đấy là chuyện xưa. Nay khói đốt đồng không còn giữ được vẻ nên thơ ấy nữa. Mấy năm gần đây nói đến khói đốt rạ, rơm sau vụ gặt, người ta hình dung ngay những đám khói cuồn cuộn bốc lên trên những cánh đồng ven đô. Khói tràn qua quốc lộ. Khói đùn lên từ những vạt ruộng, chân đê. Nhiều nơi khói dầy đặc trộn vào sương sớm đến mức không còn nhìn rõ đường đi. Ô-tô, xe máy ùn ứ hàng dài trên đường. Mới rồi chúng tôi đi công tác miền Trung, trên đường từ Ninh Bình về Hà Nội đã tận mắt chứng kiến cảnh khói bụi này. Xe buộc phải dừng bánh vì bụi khói. Không khí trên đường như đặc quánh lại. Gặp mấy bà nông dân đang đốt rơm ven đường, anh lái xe hỏi: “Các bà có biết việc đốt rơm, khói bay mù mịt thế này là ảnh hưởng giao thông và gây độc hại không?”. Hỏi để mà hỏi thôi, chắc bác tài cũng biết sẽ không có câu trả lời. Bất ngờ một bà dừng tay cời lửa, đứng dậy: “Biết. Nhưng biết làm thế nào. Mang rơm về thì chất vào đâu? Bay thì kệ nó”(!).
Bay thì kệ nó! Một câu trả lời ráo hoảnh. Anh bạn chuyên gia bên Bộ Tài nguyên-Môi trường chép miệng: “Tình trạng đốt rơm xảy ra đã lâu mà vẫn chưa làm sao cấm được. Hại cho sức khỏe lắm đấy. Khói đùn lên đến đâu các chất ô nhiễm sinh ra đến đấy, nhất là bụi mịn PM2.5. Các ông tưởng tượng rằng, cái anh bụi mịn này đường kính chỉ bằng 1/30 sợi tóc. Nó sẽ luồn sâu vào phổi, vào máu của người hít phải. Bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính sinh ra từ đây. Dịch bệnh Covid-19 khủng khiếp đến như thế nhưng dùng khẩu trang là có thể ngăn chặn được. Còn với loại bụi mịn siêu nhỏ này thì khẩu trang cũng chả thể nào ngăn nổi.
Bay thì kệ nó! Câu này nghe trong một trường hợp cụ thể mà thấy quen đáo để. Quen ở thói vô trách nhiệm của con người – “kệ nó”. Chung quanh chúng ta thấy có nhiều chuyện người ta biết là làm liều, gây hại cho người khác, nhưng vì cái lợi nhỏ của bản thân mà quên đi lợi ích lớn, lợi ích của cộng đồng.
Mới nhất là trong lúc dịch Covid-19 đang bùng phát, có nguy cơ trở thành “làn sóng thứ hai”, vậy mà một số người Việt vì ham tiền mà tiếp tay cho nhóm người Trung Quốc vượt biên trái phép. Nhóm người Trung Quốc này chính là những “quả bom” virus, gây nguy cơ lây lan rất lớn ra cộng đồng. Rồi rất nhiều chuện làm liều khác. Xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường – kệ nó. Lò gạch, lò vôi thủ công ngay cạnh khu dân cư nhả khỏi nghi ngút – kệ nó. Sau buổi dạ hội, vỏ chai, túi ni-lon, thức ăn thừa bị ném bừa bãi ra vườn hoa, đường phố - kệ nó. Ở một khu chung cư nọ, ca-mê-ra ghi lại hình ảnh một thanh niên coi thang máy như nhà vệ sinh nhà mình, cũng là thái độ không thể chấp nhận của một lối sống bất chấp pháp luật, vô văn hóa.
Nói rộng thêm chút nữa là chuyện tình làng nghĩa xóm. Nghe bên hàng xóm vợ chồng xô xát, bát đĩa xoong nồi bay vèo vèo ra sân, lẽ ra phải xem xét, khuyên can, nhưng ông chồng kéo tay bà vợ: kệ nó. Nhà bên có vòi nước máy quên không vặn lại nước chảy xối xả, nhiều người nhìn thấy và cũng nhiều người đi qua – kệ nó. Tất nhiên rồi cũng có người bấm chuông nhắc hộ. Ở công sở, có anh gác cả hai chân lên bàn, nói chuyện điện thoại oang oang hồi lâu khiến ai cũng khó chịu, nhưng cũng chả thấy ai nhắc nhở, thôi cái việc nhắc là của… Trưởng phòng. Mình nhắc “nó” lại bảo nhúng mũi vào chuyện riêng tư.
Thế là căn bệnh “kệ nó” hiển hiện ngay trước mắt, ở khắp mọi nơi mọi chốn, từ nông thôn đến thành thị, từ người lao động bình thường đến anh áo trắng cổ cồn. Một nhà văn hóa bảo rằng: “Chúng ta phải lên án. Chúng ta phải sốt ruột lên chứ!”. Nhưng thưa ông, “chúng ta” là đại từ chỉ số nhiều, anh nọ tưởng anh kia. Có người bày bừa khắc có người thu dọn. Ai cũng ngại đụng vào tổ kiến lửa. Ai cũng nghĩ chẳng phải việc của mình. Ai cũng nghĩ chuyện đó rồi cũng qua đi thôi mà. Nhưng không phải thế. Chẳng thấy có chuyện nào tự “qua đi” cả. Khói đốt đồng ngạt thở vẫn phả vào phố phường, làng xóm. Khí thải độc hại vẫn tràn lan, làm “chết” cả những dòng sông trong lành. Bệnh vô cảm, “sống chết mặc bay” vẫn tràn lan như bệnh dịch trong công sở, ngoài đường phố.
Thế cho nên ngoài việc hô to “chúng ta phải vào cuộc” thì trước hết từng người phải soi xét chính mình. “Tôi” sẽ làm anh Lục Vân Tiên vào cuộc đầu tiên chống căn bệnh “kệ nó”. Rồi pháp luật, hương ước, quy định… phải chặt chẽ hơn, tỉ mỉ hơn, làm từ việc nhỏ nhất, không thể xem thường cái thói quen xấu tưởng như vô hại. Từ đấy hình thành những thói quen, những tập quán tốt lành của mỗi người, mỗi cộng đồng, nói rộng ra là toàn dân tộc./.
Trần Quang
Các địa phương công bố kết quả xét nghiệm người về từ Đà Nẵng
Tối 30/7, 2 sinh viên trở về Đà Nẵng có dấu hiệu đau họng được đưa đi cách ly y tế tại Bệnh viện Bệnh ... |
Bắt giữ tàu chở 6 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Móng Cái
Từ thông tin của người dân, các lực lượng chức năng TP.Móng Cái (Quảng Ninh) đã truy bắt một tàu chở 6 người Trung Quốc ... |
Đôi nam nữ cầm đầu đường dây “tuồn” người Trung Quốc vào Việt Nam
Từ tháng đầu tháng 4/2020 đến ngày 27/7/2020, Nhàn và Hưng đã tổ chức chở trót lọt 6 chuyến xe đưa người Trung Quốc vào ... |