Xung đột quân sự giữa Iran với Mỹ và đồng minh có thể gây thiệt hại lớn về sinh mạng và kinh tế, đẩy Vùng Vịnh khủng hoảng toàn diện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/9 cảnh báo rằng Mỹ có nhiều lựa chọn bên cạnh tấn công quân sự Iran và chiến tranh là phương án cuối cùng. Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Tehran không muốn chiến tranh, nhưng cuộc chiến toàn diện sẽ xảy ra nếu Washington hoặc Riyadh khơi mào tấn công. Iran cũng gửi công hàm cho Mỹ, khẳng định không liên quan tới vụ tập kích nhà máy lọc dầu của Arab Saudi hôm 14/9.
Bất chấp hàng loạt động thái và tuyên bố cứng rắn, các bên đều tỏ rõ mong muốn tránh nổ ra xung đột quân sự, do một cuộc chiến tại Vùng Vịnh sẽ để lại những hậu quả rất nghiêm trọng và có tác động tới toàn thế giới, theo các nhà phân tích.
"Arab Saudi là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng là thành viên chủ chốt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Chiến tranh giữa nước này với Iran sẽ khiến giá dầu tăng cao kỷ lục, có thể trở lại ngưỡng 100 USD/thùng, thậm chí vượt qua mức 130-140 USD", bình luận viên Mohammad Ayesh nhận xét.
Vụ tấn công nhà máy Aramco khiến Riyadh phải ngừng dây chuyền sản xuất 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương 50% tổng sản lượng sản xuất toàn quốc và 5% lượng cung dầu mỏ toàn cầu. Ngay sau khi thông tin về vụ tấn công lan ra, giá dầu Brent sáng 16/9 tăng hơn 19% lên 71,95 USD/thùng, giá dầu WTI cũng tăng 15% lên 63,34 USD/thùng.
Xung đột với Iran sẽ khiến tình hình nhanh chóng leo thang thành chiến tranh toàn diện khắp Trung Đông, bên cạnh các cuộc chiến ở Yemen và Syria hiện nay. Chiến tranh đẫm máu khiến an ninh khu vực bị xói mòn, hàng triệu người sẽ chịu thương vong hoặc mất nhà cửa và phải tị nạn. Nó cũng khiến đời sống của người dân trong khu vực xuống cấp trầm trọng.
Khói lửa bốc lên từ nhà máy của Aramco tại Abqaiq sau vụ tấn công hôm 14/9. Ảnh: Reuters.
Chi phí cuộc chiến giữa Mỹ và Iran được ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD, nhiều khả năng sẽ do các nước Vùng Vịnh chi trả. Chiến phí sẽ gia tăng khi có sự hỗ trợ của các nước ngoài khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia Arab dễ rơi vào khủng hoảng kinh tế.
Phản ứng của Iran cũng rất khó dự đoán. Nếu bị tấn công, họ có thể chủ động đẩy xung đột lan ra toàn Trung Đông, đồng thời lôi kéo Nga và Trung Quốc, cũng như các đồng minh của Mỹ vào cuộc chiến.
Tehran đã đầu tư mạnh tay cho năng lực chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực (A2/AD) với mục đích gây tổn thất nặng nề cho đối phương khi nổ ra xung đột. Cùng với đó là lực lượng ủy nhiệm như nhóm vũ trang như Hezbollah ở Lebanon và phiến quân Houthi ở Yemen. Các lực lượng này được trang bị rocket tầm xa, pháo và tên lửa dẫn đường hiện đại, có thể hỗ trợ Iran tấn công nhiều mục tiêu của Mỹ và đồng minh tại Trung Đông.
Tên lửa Ghadir và Qader, các vũ khí diệt hạm hiện đại nhất của Tehran, có tầm bắn 330 km cùng khả năng ẩn mình và cơ động cao để tránh bị tiêu diệt trong đòn phủ đầu của Washington. Dù không thể đánh chìm tàu sân bay, chúng vẫn thừa sức "khóa chết" eo biển Hormuz và hạn chế đáng kể khả năng tác chiến của Mỹ.
Tên lửa Soumar tại nhà máy chế tạo của Iran năm 2017. Ảnh: Tasnim.
Tên lửa hành trình đối đất Soumar và tên lửa đạn đạo Shahab-3 có tầm bắn tới 2.500 km, đủ bao trùm toàn bộ Trung Đông và một phần châu Âu. Chúng có thể giúp Iran tung đòn trả đũa, hủy diệt nhiều căn cứ chủ chốt của Mỹ và đồng minh, gây thương vong lớn và ảnh hưởng tới toan tính chiến lược của Washington.
"Xung đột với Iran không đơn thuần là sự tái diễn cuộc chiến với Iraq năm 2003. Hậu quả nặng nề của cuộc chiến khiến Mỹ nhiều khả năng sẽ tìm cách xử lý khủng hoảng thông qua biện pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế, thay vì sử dụng vũ lực", chuyên gia Ayesh nhận định.