Ả Rập Saudi - Israel: Cựu thù xích lại

Cả Ả Rập Saudi và Israel đều lo ngại sự trỗi dậy của Iran tại khu vực và muốn chứng kiến những hành động cứng rắn hơn chống Tehran

Cho dù chuyện gì có thể đang xảy ra ở hậu trường, cả Ả Rập Saudi và Israel đều đang công khai phát đi những tín hiệu về thay đổi quan điểm trong mối quan hệ song phương.

Nội dung cuộc phỏng vấn với Tạp chí The Atlantic (Mỹ) gần đây của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman càng nêu bật điều này. Khi được hỏi liệu ông có tin rằng người Do Thái có quyền được có đất nước riêng, chí ít là tại một phần quê hương của tổ tiên họ hay không, Thái tử Mohammed khẳng định: "Tôi tin rằng mỗi người, dù ở đâu, đều có quyền được sống trong một quốc gia yên bình. Palestine và Israel có quyền được có đất nước riêng. Nhưng chúng ta phải có một thỏa thuận hòa bình để bảo đảm sự ổn định cho mọi người và các mối quan hệ hòa bình" - Thái tử Mohammed nói tiếp.

Một lãnh đạo cấp cao Ả Rập Saudi xưa nay hiếm khi công khai công nhận quyền tồn tại của Israel tại một khu vực có liên quan đến lịch sử Do Thái xa xưa. Tất nhiên, điều này không phải là chưa từng có. Ai Cập và Jordan đã phần nào đạt được hòa bình với Israel.

Nhiều người cũng lập luận rằng Sáng kiến Hòa bình Ả Rập - một kế hoạch hòa bình khu vực ra đời 16 năm trước - chính là một bước ngoặt trong quan điểm của Ả Rập Saudi. Sáng kiến này đề nghị mối quan hệ hòa bình toàn diện với Israel nếu một loạt vấn đề được giải quyết, như giải quyết công bằng vấn đề người tị nạn và một thủ đô của Palestine ở Đông Jerusalem.

a rap saudi israel cuu thu xich lai

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu Ảnh: REUTERS

Thực tế, Sáng kiến Hòa bình Ả Rập đã được xem xét và bàn bạc nhiều năm qua bởi nó có lẽ là nền tảng duy nhất cho một thỏa thuận lâu dài có khả năng được toàn bộ khu vực chấp nhận. Thái tử Mohammed không nói gì đến tình trạng bạo lực ở Dải Gaza thời gian gần đây.

Tuy nhiên, cha của ông là Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định "lập trường kiên định của Ả Rập Saudi về vấn đề Palestine và các quyền lợi hợp pháp của người Palestine đối với một nhà nước độc lập với Jerusalem là thủ đô".

Tất nhiên, lời khẳng định trên không đồng nghĩa với việc những phát biểu của Thái tử Mohammed trong cuộc phỏng vấn nêu trên bị xem nhẹ hoặc phủ nhận. Bởi ông Mohammed chính là nhân vật đang thúc đẩy nỗ lực cải cách toàn diện tại Ả Rập Saudi.

Quan hệ Israel - Ả Rập Saudi đã ấm dần lên thời gian qua. Cả 2 quốc gia này đều lo ngại về điều mà họ xem là sự yếu đuối của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đối mặt với sự trỗi dậy của Iran tại khu vực. Cả Riaydh và Tel Aviv đều phản đối thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc - gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Cả 2 quốc gia này đều muốn chứng kiến những hành động cứng rắn hơn chống lại nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Tehran, đặc biệt là ở Syria.

Trong khi Israel thường xuyên "bóng gió" về quá trình đối thoại với Ả Rập Saudi, Riyadh lại tỏ ra kín tiếng hơn. Tuy nhiên, những bình luận của Thái tử Mohammed cùng với quyết định mới đây về việc cho phép các chuyến bay của hãng Air India cất cánh và hạ cánh tại TP Tel Aviv - Israel đi qua không phận Ả Rập Saudi là những tín hiệu rõ ràng cho thấy Riyadh cũng có chuyển biến trong quan hệ với Israel.

Tính đến thời điểm hiện tại, mọi thứ đang diễn biến tích cực. Tuy nhiên, liệu mối quan hệ này có phải chỉ đơn thuần là trường hợp "kẻ thù của kẻ thù là bạn" hay không? Tương lai quan hệ Israel - Ả Rập Saudi sẽ đi đến đâu? Câu trả lời có thể nằm trong kế hoạch rộng lớn của Thái tử Mohammed, người đang muốn mang lại sự thay đổi mạnh mẽ ở Ả Rập Saudi.

Tham vọng của ông ta không hề nhỏ. Sẽ có người chỉ trích một số động thái của ông thời gian qua, như tiến hành cuộc chiến ở Yemen. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những tham vọng của mình, Thái tử Mohammed cần phải tồn tại trong một khu vực hòa bình. Những mâu thuẫn cũ cần phải được giải quyết và không có gì thách thức hơn xung đột Israel - Palestine, dường như đang trong tình trạng bế tắc hơn bao giờ hết.

Dù còn lâu mới rõ ràng, mối quan hệ hữu hảo Ả Rập Saudi - Israel nhiều khả năng không chỉ dừng lại ở mức bắt tay đối phó Iran hoặc tìm cách gây ảnh hưởng lên chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, việc mối quan hệ này có thể hoàn thành những mục tiêu lớn hơn hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thành công của kế hoạch cải tổ mà Thái tử Mohammed đang theo đuổi.

Câu hỏi đặt ra là liệu ông Mohammed có thành công bên trong quốc gia của mình hay không, trước khi nói đến việc mở rộng ảnh hưởng ngoại giao tại khu vực? Liệu Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang bị sao nhãng (vì những cáo buộc tham nhũng) có tận dụng được cơ hội ngoại giao này? Liệu ông có thể giữ được chiếc ghế của mình? Và ở khu vực Trung Đông, như thường lệ, rất nhiều yếu tố phải được cân nhắc cùng nhau nếu muốn đạt tiến triển thực sự trong nỗ lực có được một nền hòa bình toàn diện.

CAO LỰC (lược dịch từ đài BBC)

a rap saudi israel cuu thu xich lai Nga: Israel không kích tên lửa vào căn cứ quân sự Syria

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đồng minh của Mỹ là lực lượng đứng sau vụ tấn công tên lửa vào sân bay quân sự ...

a rap saudi israel cuu thu xich lai Iran cảnh báo Israel không thách thức sức mạnh tại Trung Đông

Tehran đưa ra tuyên bố cứng rắn trong bối cảnh quan hệ với Tel Aviv trở nên căng thẳng vì những xung đột ở Syria.

a rap saudi israel cuu thu xich lai Israel cảnh báo sẽ tấn công dải Gaza

Giới chức quân đội Israel cảnh báo có thể sẽ tấn công "các tổ chức khủng bố" tại dải Gaza sau các vụ bạo lực ...

/ http://nld.com.vn