Theo giới chuyên gia, luật sư, số lượng cuộc thanh tra không cần phải bàn kỹ, quan trọng là nội dung thanh tra, chất lượng thanh tra thế nào.
Theo kế hoạch, trong năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thực hiện 90 cuộc thanh tra, tập trung vào lĩnh vực thanh tra chuyên ngành xây dựng như công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, thực hiện quy định pháp luật về nhà ở; hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, hoạt động phòng chống tham nhũng, tiếp công dân và xử lý đơn thư.
Trước đó, trong năm 2018, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 93 đoàn thanh tra, đạt 108% so với kế hoạch năm. Đến nay đã ban hành 72 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 927,5 tỷ đồng. Trong đó, yêu cầu phê duyệt lại dự toán 707,9 tỷ đồng; yêu cầu giảm trừ thanh quyết toán 134,8 tỷ đồng; yêu cầu nộp về tài khoản của chủ đầu tư 15,2 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 6,3 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ 63,3 tỷ đồng. Ban hành 131 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bổ sung 24,6 tỷ đồng.
Thế nhưng, dù đã đưa ra danh sách các doanh nghiệp, đơn vị phải thanh tra năm 2018 nhưng đến hết năm, Thanh tra Bộ Xây dựng vẫn không công bố kết luận. Và sự việc Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản Đoàn thanh Tra Bộ Xây dựng có hành vi “vòi tiền” đã khiến dư luận đặt ra nhiều “dấu hỏi” về công tác thanh kiểm tra của Bộ Xây dựng trong thời gian qua.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh – Trưởng đoàn Thanh tra Bộ xây dựng liên quan đến nghi vấn "vòi tiền" ở Vĩnh Phúc.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, việc thanh tra các doanh nghiệp địa ốc hằng năm là đúng nhưng sau thanh tra phải công bố rộng rãi để dư luận biết được doanh nghiệp nào làm ăn tốt, doanh nghiệp nào làm ăn không tốt. Tuy nhiên, hiện, không hiểu lý do gì có những doanh nghiệp bị công khai, có doanh nghiệp không công khai khi có kết luận. Điều này là không sòng phẳng.
Theo ông Võ, hiện chưa có chế tài đối với việc cơ quan thanh tra hoàn thành quá trình thanh tra và có kết luận nhưng không thực hiện công bố kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, luật quy định công bố kết luận thanh tra cùng với thành phần của đoàn thanh tra tại cơ quan tiến hành thanh tra với ba phương thức lựa chọn: qua báo chí, bảng điện tử và thông báo tại nơi làm việc, mới chỉ được áp dụng qua hai phương thức sau, phương thức công bố báo chí hầu như chưa được áp dụng.
“Theo tôi cần phải sửa luật để viêc công bố thông tin kết luận thanh tra được minh bạch và người dân được biết để giám sát. Cần quy định chế tài xử lý cụ thể đối với người có trách nhiệm không thực hiện việc công khai hoặc công khai không đúng, không đủ nội dung của kết luận thanh tra theo đúng quy định pháp luật”, ông Võ nói.
Trên góc độ người làm luật, Luật sư Trần Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc Bộ Xây dựng lên kế hoạch thanh tra trước là hoàn toàn bình thường. Quan trọng là 90 cuộc thanh tra theo kế hoạch này là những dự án nào và có bị trùng lặp hay không.
Cũng theo luật sư Trần Tuấn Anh, lĩnh vực xây dựng đang phát triển nóng là xuất hiện nhiều vi phạm, việc lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm hơn kết quả cuộc thanh tra này là như thế nào? Có phát hiện được sai phạm hay không? “Tại sao hàng năm có nhiều cuộc thanh tra, nhưng các sai phạm vẫn xảy ra nhiều. Và đến lúc lại phải thanh tra lại, thậm chí là thanh tra chính phủ phải vào cuộc”, luật sư Tuấn Anh đặt nghi vấn.
Cũng theo luật sư Trần Tuấn Anh, thực tế, trên địa bàn Hà Nội, có hàng trăm dự án sai phạm liên quan tới trật tự xây dựng, quy hoạch nhưng các dự án đó lại không bị thanh tra, thậm chí có bị thanh tra nhưng không phát hiện sai phạm kịp thời, dẫn đến hậu quả phá dỡ quy hoạch, gây áp lực hạ tầng như hiện nay.
“Dư luận có quyền đặt vấn đề về nội dung kết luận thanh tra và hiệu quả của những đoàn Thanh tra. Có những doanh nghiệp hoạt động rất chỉnh chu nhưng liên tục bị thanh tra. Có những sai phạm mà cả xã hội biết nhưng thanh tra lại không biết”, luật sư Trần Tuấn Anh nói.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), trong bối cảnh về trật tự xây dựng tại các dự án, khu đô thị vi phạm nhiều, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, thậm trí trên diễn đàn Quốc hội vừa qua, các đại biểu còn chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các đại biểu than phiền về vi phạm trật tự xây dựng, quy hoạch đô thị.
“Tôi thấy, 90 đoàn hay bao nhiêu đoàn, tôi không đánh giá, tăng cường công tác thanh kiểm tra của Bộ Xây dựng là đúng đắn. Nhiều như thế mà hàng loạt sai phạm vẫn xảy ra. Có những vụ, chúng tôi kiến nghị thanh tra nhưng khi thanh tra xong cũng không thấy thanh tra công bố, thông báo, không cung cấp thông tin cho người kiến nghị. Thực tế việc quản lý trong lĩnh vực xây dựng, chấp hành tôi cho rằng đang có vấn đề”, luật sư Trương Anh Tú nói.
2 người đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đang bị giữ vì nghi vòi tiền là ai? Liên quan vụ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản vì “vòi tiền“ ngày 12/6, Công ... |
Vụ nghi Thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền: 90 cuộc thanh tra trong năm 2019 là những cuộc nào? Theo kế hoạch, năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ triển khai 90 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực: Quy hoạch và quản ... |