Tinh giảm biên chế cần đặt trong nguyên tắc xác định nhiệm vụ quản lý nhà nước và phân định rõ hơn ba bộ phận cấu thành của CB-CC-CV hiện nay...
LTS:- Sau khi Báo Đất Việt đăng tải bài viết "9 người dân/1 cán bộ: Tinh giản không chỉ là cơ học", TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp đã có phản hồi, nhằm phân tích, mở rộng hơn vấn đề này. Để rộng đường dư luận, Báo Đất Việt xin đăng tải chi tiết bài viết của ông.
TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp. Ảnh: Nguoiduatin
Tôi đã đọc ý kiến của PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD Hà Nội. Qua ý kiến của ông Cường, tôi thể hiện sự đồng tình rất cao về những phân tích và ý kiến đề xuất của PGS.TS Hoàng Văn Cường nhằm thực hiện một cách thực chất, hiệu quả, chủ trương tinh giảm biên chế.
Tôi đồng tình với các nội dung mà vị PGS. TS đã nêu như: quy mô số người hưởng lương từ ngân sách trong bộ máy nhà nước, từ đó dẫn tới bất hợp lý trong cơ cấu chi trả lương, trở thành gánh nặng của ngân sách nhà nước; phân tích những bất hợp lý trong việc tuyển dụng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-CV). Đặc biệt, là phân loại đánh giá làm cơ sở để phục vụ yêu cầu tinh giảm biên chế.
Tôi rất ấn tượng với đề xuất của PGS.TS Hoàng Văn Cường về nguyên tắc, cơ chế và tiêu chí đánh giá một CB-CC-CV trong bộ máy. Ông Cường đã đưa ra chỉ số đo lường hiệu suất công việc, kết quả đầu ra của mỗi CB-CC-CV (chỉ số KPI). Tôi được biết, hiện nay tại các doanh nghiệp và một số cơ quan, tổ chức đã áp dụng chỉ số KPI trong đánh giá, xếp loại người lao động. Có thể nói đây là một cơ chế rất tốt. Bộ Nội vụ nên tham khảo những ý kiến này để đề xuất cơ chế, chính sách cho phù hợp.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu những ý kiến của PGS.TS Hoàng Văn Cường, tôi thấy cần phải phân tích thêm một số ý theo hướng mở rộng hơn trong toàn bộ hệ thống bộ máy của hệ thống chính trị, trong nguyên tắc xác định nhiệm vụ quản lý nhà nước và phân định rõ hơn ba bộ phận cấu thành của CB-CC-CV hiện nay đó là: cán bộ, công chức và viên chức.
Đây là những ý nhằm bổ sung thêm phần nhận định, đánh giá, đề xuất của PGS.TS Hoàng Văn Cường.
Thứ nhất, từ cách đây khoảng vài chục năm, khi nêu vấn đề về tinh giảm biên chế, trước những ý kiến tập trung vào tinh giảm biên chế của công chức trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước, tôi đã nhiều lần nói rằng, trong tổng số CB-CC-CV nói chung thì công chức trực tiếp làm việc trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước chiếm một tỷ lệ nhỏ.
Số lượng công chức hiện có trong bộ máy để hưởng lương từ ngân sách không phải là cao. Vấn đề là phải xem xét trong tổng thể cả ba loại cán bộ, công chức, viên chức để có nhận định, đánh giá và đề ra hướng xử lý cho đúng.
Việc chỉ nhăm nhăm vào đặt ra yêu cầu tinh giảm biên chế công chức quản lý hành chính nhà nước, cá nhân tôi cho rằng chưa hoàn toàn phù hợp. Tôi đồng ý với ý kiến của PGS.TS Hoàng Văn Cường là, bên cạnh việc giảm số lượng, không nên quên và không được quên việc đi đôi với giảm số lượng là phải tăng chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức. Nói rộng ra là phải tăng cho được chất lượng, hiệu quả của toàn bộ các CB-CC-CV trong bộ máy nhà nước nói riêng và trong cả hệ thống chính trị nói chung.
Một vấn đề có tính nền tảng là, hiện nay chúng ta phải nghiêm túc đặt lại vấn đề về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, giữa yêu cầu nhà nước cần phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn gì để quản lý xã hội, đặc biệt là quản lý kinh tế và quản lý các mặt văn hóa, xã hội trong điều kiện hiện nay. Phải thấy rằng, suốt mấy chục năm nay, chúng ta chưa đặt lại một cách nghiêm túc về tính chất, chức năng và mối quan hệ giữa nhà nước là chủ thể quản lý với xã hội là đối tượng quản lý.
Đặc biệt, đã có thời kỳ mấy mươi năm, nhà nước quản lý xã hội theo chế độ tập trung, quan liêu, bao cấp, từ đó mà có nhận thức rằng nhà nước phải quản lý một cách quá cụ thể, chi tiết các hoạt động trong xã hội. Kể cả, quan niệm cho rằng, nhà nước tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, bao sân để cung cấp các mặt hàng, kể cả những mặt hàng thông dụng, phổ biến cho xã hội.
Hoặc cũng có quan niệm cho rằng, nhà nước phải quản lý, chi phối, điều tiết đến từng hoạt động của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Quan điểm này đã tạo nên một bộ máy nhà nước vừa quan liêu, bao cấp, vừa can thiệp quá sâu vào cơ chế vận hành của các cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Hậu quả tất yếu là một "Nhà nước lớn" và trong "Nhà nước lớn" này hình thành tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý rất đồ sộ, bao sân. Không gian cho tự quản, tự chủ trong xã hội bị giảm thiểu tới mức thấp nhất, thậm chí, không còn nhiều không gian để hoạt động, để phát huy vai trò.
Gần đây, chúng ta đã nói tới đổi mới, cải cách đặc biệt là đổi mới, cải cách về nhận thức, tính chất, vai trò của nhà nước trong quản lý xã hội, trong quản lý các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại. Tuy nhiên, việc đổi mới, cải cách vẫn chưa tiếp cận được đến bản chất của vấn đề.
Câu hỏi "Nhà nước lớn- xã hội nhỏ" và "Nhà nước nhỏ - xã hội lớn" cũng như vai trò của nhà nước với xã hội như thế nào vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Đặc biệt là trong điều kiện hiện nay.
Đây là vấn đề liên quan trực tiếp, chi phối đến nguyên tắc tổ chức, vận hành của bộ máy nhà nước, đến việc bố trí, sử dụng đội ngũ CB-CC-CV nhằm phục vụ cho những nhiệm vụ quản lý và những nhiệm vụ khác.
Đề án cải cách tiền lương: Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển
Đây là quan điểm của ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - khi trao đổi với PV Báo Lao động ... |
Lấn cấn việc hợp nhất sở, ngành
Việc hợp nhất một số sở, ngành tương đồng về chức năng, nhiệm vụ là cần thiết để tinh gọn bộ máy nhưng cần sáp ... |