Khi Phó tổng thống Mike Pence lên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/10, không nhiều người ở Nhà Trắng tin chuyến đi sẽ thành công.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phái Pence cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Ankara để tìm mọi cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn với dân quân người Kurd (YPG) ở Syria, dù chỉ trước đó vài giờ ông tuyên bố đây không phải trách nhiệm của Washington.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien cùng đặc phái viên Mỹ về Syria Jim Jeffrey tới Ankara một ngày trước đó. O'Brien và Jeffrey đã dành nhiều giờ để soạn thảo thỏa thuận với phía Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó cùng trao đổi với Pence và Pompeo trong cuộc điện đàm 4 bên sáng hôm sau. Các điều khoản được hoàn thành vào ngày 17/10.
Những biện pháp trừng phạt bổ sung cũng được tính tới. Trump hôm 7/10 đe dọa "xóa sổ hoàn toàn" nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này đưa ra bất kỳ hành động sai lầm nào. Trong lá thư hôm 9/10, ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan "đừng trở thành kẻ ngốc". Tuy nhiên, bức thư của Trump không được đề cập trong suốt 9 giờ đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, một quan chức cấp cao giấu tên cho biết.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong cuộc họp báo tại đại sứ quán Mỹ ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 17/10. Ảnh: Reuters. |
Cuộc gặp đầu tiên giữa Pence và Erdogan về những vấn đề tổng quát dự kiến chỉ kéo dài 10 phút. Phó tổng thống Mỹ giữ vẻ nghiêm nghị trước cuộc gặp này. "Ông ấy hiểu tầm quan trọng của khoảng thời gian đó", một trợ lý giấu tên cho hay.
Mỗi bên có một phiên dịch viên. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn ai đó trong số những phiên dịch viên đã vượt hơn 11.000 km từ Mỹ tới Thổ Nhĩ Kỳ, Pence đưa đặc phái viên Jeffrey, người từng giữ chức đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, vào phòng họp. Một nguồn tin cho biết Pence chọn Jeffrey bởi Erdogan đi cùng cố vấn an ninh quốc gia của ông, một người thông thạo tiếng Anh.
Thay vì diễn ra 10 phút như dự kiến, cuộc họp này kéo dài 80 phút khi Pence cố gắng thuyết phục giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ngừng bắn. Theo một quan chức cấp cao giấu tên, Phó tổng thống Mỹ nhìn ra bước ngoặt then chốt trong quá trình đàm phán khi Erdogan hỏi cần bao lâu để đẩy lùi người Kurd. Đối với Pence, đây là dấu hiệu cho thấy "cánh cửa" dẫn tới lệnh ngừng bắn.
Giới báo chí không được phép tiếp cận cuộc họp. Các phóng viên đi theo Pence và Pompeo được đưa tới một phòng khiêu vũ để dùng trà và cà phê trong lúc hai phái đoàn đàm phán suốt nhiều giờ. Sau đó, họ đột ngột bị thúc giục nhanh chóng di chuyển vào một căn phòng lớn, nơi hai phái đoàn ngồi quanh chiếc bàn gỗ, được phép đặt câu hỏi trong vòng 30 giây, nhưng không lãnh đạo nào trả lời.
Cánh cửa phòng họp một lần nữa khép lại. Giữa lúc phiên họp thứ hai diễn ra, Pence đã đề nghị tạm dừng cuộc thảo luận khi một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đề cập tới số dân thường nước này thiệt mạng do xung đột.
Phó Tổng thống Mỹ dường như muốn thể hiện sự đồng cảm khi cho biết phái đoàn Mỹ cũng có những cựu chiến binh, nói thêm rằng con trai Michael Pence của ông đang phục vụ trong lực lượng vũ trang, sau đó gửi lời chia buồn với phía Thổ Nhĩ Kỳ vì những người đã mất cũng như gia đình họ.
Pence nêu điều kiện là nếu Ankara đồng ý ngừng bắn, Trump sẽ không áp đặt thêm bất cứ biện pháp trừng phạt nào với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời chấp nhận rút lệnh cấm vận ký hôm 14/10 nếu Ankara ngừng bắn vĩnh viễn.
Lệnh ngừng bắn tạm thời kéo dài bao lâu cũng là nội dung quan trọng trong cuộc đàm phán, một nguồn tin tiết lộ. Pence và Erdogan đã dành khá nhiều thời gian để thương lượng về điều khoản này. Quyết định cuối cùng được đưa ra là 120 giờ, khoảng thời gian mà phía Mỹ cho là đủ để dân quân người Kurd rút khỏi vùng đệm mà không bị tấn công.
Giới chức Mỹ cũng giữ liên lạc với các thành viên YPG trong suốt cuộc đàm phán để hỏi ý kiến họ về vấn đề hậu cần, như những nơi YPG có thể rút lui, đồng thời đề nghị họ ngừng nã pháo vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau 9 giờ đàm phán, Pence tuyên bố đạt được lệnh ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd trong cuộc họp báo muộn hôm 17/10 tại khu nhà đại sứ Mỹ ở Ankara.
Phó tổng thống Mỹ cho biết các hoạt động quân sự tại đông bắc Syria sẽ ngừng trong 5 ngày. Trong khoảng thời gian đó, Mỹ sẽ hỗ trợ dân quân người Kurd rút khỏi những khu vực bị ảnh hưởng trong "vùng đệm an toàn" do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Pence nói thêm rằng ông được phái tới để "ngăn chặn bạo lực" và đã đạt được mục tiêu của mình.
Khu vực kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd ở đông bắc Syria. Bấm vào ảnh để xem chi tiết. Đồ họa: CBS. |
Nỗ lực thương thuyết của Pence được tiến hành sau khi Nhà Trắng bị chỉ trích dữ dội vì quyết định rút quân khỏi vùng đông bắc Syria của Trump, động thái bị coi là bỏ rơi người Kurd, đồng minh của Washington trong cuộc chiến chống khủng bố. Một số quan chức giấu tên thừa nhận họ không kỳ vọng nhiều vào chuyến đi của Pence và Pompeo. Vì vậy, kết quả đạt được làm dấy lên nhiều hoài nghi.
Ngay sau bài phát biểu của Pence, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết hai phái đoàn không nhất trí ngừng bắn, mà là đình chỉ hoạt động quân sự. Theo một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên, người Thổ Nhĩ Kỳ không muốn dùng từ "ngừng bắn", nhưng không có nghĩa là họ không chấp thuận điều này.
Vài người khác cho rằng Ankara chưa đưa ra cam kết thực sự nào. "Về cơ bản, Mỹ đang đồng ý với hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép họ sáp nhập một phần lãnh thổ Syria và thay thế người Kurd", một quan chức cấp cao Mỹ am hiểu hoạt động tại Syria cho biết.
"Đây là điều Thổ Nhĩ Kỳ muốn. Tôi nghĩ một trong những lý do thúc đẩy Ankara đồng ý với thỏa thuận là bởi người Kurd đã phản kháng mạnh mẽ hơn, khiến họ không thể tiến quân xa hơn về phía nam. Nếu Mỹ không áp đặt các lệnh trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thắng lớn", quan chức nói thêm.
Thậm chí nhiều quan chức thân cận với Trump, trong đó có thượng nghị sĩ Lindsey Graham, cũng kịch liệt chỉ trích quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống. Ông cáo buộc Trump gây ra nguy cơ nghiêm trọng với an ninh quốc gia và phải chịu trách nhiệm nếu phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy. Trump bác bỏ chỉ trích và cho rằng Graham nên "tập trung vào tư pháp" thay vì lo lắng cho Trung Đông.
Graham bày tỏ hy vọng vào kết quả đàm phán của Pence, nhưng cho biết ông chưa nắm được thông tin chi tiết của thỏa thuận. Thượng nghị sĩ này dự định vẫn tiếp tục thúc đẩy dự luật trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm hy vọng duy trì áp lực với Ankara tới khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết.
Trong chuyến bay trở về Washington, Pence đã gọi điện cho một số nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ để đảm bảo về tình hình đàm phán. Một quan chức giấu tên cho biết Phó tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ trao đổi với chủ tịch của các ủy ban quốc hội liên quan tới vấn đề này.
Ánh Ngọc (Theo CNN)