Khi cha mẹ kỳ vọng quá cao, trẻ có thể không buồn cố gắng hoặc chúng cảm thấy như mình là người thất bại.
Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý, giảng viên Đại học Northeastern (Anh), tác giả của cuốn sách 13 Things Mentally Strong Parents Don’t Do (13 điều những cha mẹ có tinh thần thép không làm) nhận thấy nhiều phụ huynh thực hiện vài lược mà họ tin là sẽ xây dựng cho con sự tự tin. Tuy nhiên, một vài trong những chiến lược đó có thể gây tác dụng ngược, tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến đứa trẻ lại giảm tự tin và lòng tự trọng:
1. Để trẻ thoát khỏi các trách nhiệm
Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng các công việc nhà sẽ gây áp lực cho con, khiến chúng hết thời gian học hành, nhưng thực ra làm việc nhà sẽ giúp trẻ trở thành những công dân có trách nhiệm hơn.
Làm các việc phù hợp với lứa tuổi giúp trẻ có được cảm giác làm chủ và hoàn thành công việc. Dù bạn giao cho con phơi quần áo hay đi đổ rác thì trách nhiệm nào cũng là cơ hội để trẻ thấy mình có khả năng và năng lực.
2. Ngăn ngừa con phạm sai lầm
Thật khó khăn khi thấy con thất bại, bị từ chối hoặc làm hỏng thứ gì đó. Khi điều này sắp xảy ra, rất nhiều phụ huynh đã lao vào cứu trẻ trước. Việc ngăn cản con phạm sai lầm đã cướp đi cơ hội để trẻ học cách phục hồi - đứng dậy sau thất bại.
Dù trẻ quên những cú đánh trước một trận bóng lớn hoặc trẻ có một vài câu trả lời sai trong bài kiểm tra toán thì những sai lầm đều có thể là người thầy của trẻ. Mỗi sai lầm là một cơ hội để trẻ xây dựng sức mạnh tinh thần mà chúng cần có để làm tốt hơn vào lần tới.
Ảnh: smartparenting. |
3. Bảo vệ con trước cảm xúc tiêu cực
Không có gì sai nếu ta an ủi khi trẻ buồn hay giúp trẻ bình tĩnh lại khi giận dữ. Tuy nhiên, cách phản ứng của cha mẹ trước cảm xúc của trẻ có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí thông minh cảm xúc của trẻ và lòng tự trọng của chúng.
Không nên phủ nhận những cảm xúc tiêu cực, thay vào đó hãy giúp con xác định những gì kích hoạt cảm xúc của chúng và dạy chúng cách tự điều chỉnh, để phù hợp với xã hội trong tương lai.
4. Mong đợi sự hoàn hảo
Kỳ vọng cao là lành mạnh, nhưng kỳ vọng quá nhiều có thể gây hậu quả. Khi những đứa trẻ nhận thấy những kỳ vọng của cha mẹ quá cao, chúng thậm chí không buồn cố gắng hoặc chúng có thể cảm thấy như thể chúng sẽ không bao giờ đạt được.
Thay vào đó, hãy đưa ra những kỳ vọng rõ ràng cho dài hạn và đặt các mốc quan trọng trên quá trình thực hiện. Ví dụ: đi học đại học là một kỳ vọng dài hạn, vì vậy hãy giúp trẻ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn: đạt điểm cao, làm hết bài tập về nhà, đọc sách...
5. Khiến con mang tâm lý nạn nhân
Nói những câu kiểu: "Con không thể mua những đôi giày mới như bạn A vì nhà mình nghèo", khiến con bạn tin rằng hầu hết các tình huống trong cuộc sống đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng.
Thay vì để con cảm thấy được thương hại, hoặc phóng đại những bất hạnh của chúng, hãy khuyến khích chúng hành động tích cực (ví dụ: mở một quầy bán nước chanh, cho thuê sách để chúng có thể tiết kiệm tiền để mua những thứ chúng muốn hoặc cần).
Những đứa trẻ nhìn thấy những lựa chọn trong cuộc sống sẽ cảm thấy tự tin hơn vào khả năng của mình để tạo ra một tương lai tốt hơn cho bản thân.
6. Bảo vệ con quá mức
Việc bảo vệ con kỹ lưỡng giúp bạn giảm lo lắng, nhưng cách ly con hoàn toàn khỏi những thách thức sẽ cản trở sự phát triển của chúng.
Hãy coi mình như người hướng dẫn chứ không phải là người bảo vệ con. Cho phép con bạn trải nghiệm ngay cả khi trẻ sợ hãi chính là bạn đã cho trẻ cơ hội để có được sự tự tin về khả năng đối phó với bất cứ điều gì trong cuộc sống.
7. Trừng phạt, thay vì kỷ luật
Trẻ em cần được hiểu rằng một số hành động dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa kỷ luật và hình phạt. Những đứa trẻ bị kỷ luật nghĩ rằng mình đã đưa ra một lựa chọn tồi. Những đứa trẻ bị trừng phạt nghĩ rằng, mình là một người xấu.
Nói cách khác, kỷ luật giúp trẻ tự tin rằng chúng có thể đưa ra những lựa chọn thông minh hơn, lành mạnh hơn trong tương lai, trong khi hình phạt khiến chúng nghĩ rằng chúng không có khả năng làm tốt hơn.
Hoàng Anh (Theo CNBC)
Mẹ ung thư dạy con gái 3 tuổi sống tự lập khi mồ côi
Cô bé XiaoHua đeo chiếc tạp dề, kiễng chân lên, cầm con dao nhỏ bắt đầu nấu món súp, hương vị quen thuộc y như ... |
Cách xử lý khi trẻ chửi bậy
Trẻ chửi bậy nhằm thể hiện cảm xúc tiêu cực của bản thân, như đau đớn, bực bội, cũng có thể là để phù hợp ... |
5 tác hại không tưởng khi trẻ bị cha mẹ trừng phạt thân thể
La mắng và đánh đòn là một số phương pháp cha mẹ vẫn sử dụng để giáo dục con cái tuy nhiên, cách dạy con ... |