Hai đoàn tàu 3 toa thuộc Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến đưa về thành phố đầu tháng 5, hai tháng sau đó thêm bốn tàu loại 6 toa được nhập về.
Thông tin được Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết ngày 22/4, sau khi nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) cập nhật cụ thể kế hoạch đưa thêm 6 đoàn tàu thuộc dự án Metro Số 1 về thành phố.
Đoàn tàu đầu tiên tuyến Metro Số 1 đưa về cảng Sài Gòn hồi tháng 10/2020. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Hai đoàn tàu 3 toa dự kiến xuất phát từ nhà máy Kasado Works (Nhật Bản) ngày 1/5 và đến TP HCM sau 9 ngày. Sau khi hạ tải và thông quan tại cảng ở thành phố, trong 3-4 ngày tiếp theo hai tàu sẽ được đưa về depot Long Bình ở TP Thủ Đức. Mỗi tàu sẽ được hạ tải và vận chuyển riêng về depot.
Bốn đoàn tàu tiếp theo về thành phố sẽ là loại 6 toa, trong đó hai tàu dự kiến chuyển về vào tháng 6, hai tàu còn lại đưa về tháng 7. Đây là kế hoạch được nhà thầu dự kiến và cho biết có thể thay đổi nếu chịu tác động từ những điều kiện bất lợi như thời tiết, tắc nghẽn tại cảng...
Sáu tàu sau khi đưa về depot Long Bình, nhà thầu Hitachi dự định cho hạ tải 5 tàu xuống đường ray T1, tương tự đoàn tàu 3 toa đầu tiên đưa về hồi tháng 10 năm ngoái. Riêng tàu còn lại sẽ cho hạ tải xuống một đường ray khác.
Metro Số 1 có 17 đoàn tàu, trong đó giai đoạn đầu là tàu loại 3 toa và sau này loại 6 toa, đều sản xuất tại Nhật Bản. Mỗi tàu 3 toa dài 61,5 m, chở được 930 khách (đứng, ngồi). Tàu thiết kế tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Với khoảng cách trung bình giữa các ga chỉ hơn một km nên khi khai thác, các tàu dự kiến chạy khoảng 40 km/h.
Nội thất tàu Metro Số 1. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Kế hoạch trước đó chủ đầu tư đưa ra, việc thử nghiệm tàu dự kiến thực hiện từ quý 4 năm nay. Đầu tiên tàu chạy ở đoạn trên cao từ ngã tư Bình Thái về depot Long Bình, trước khi cho chạy thử toàn tuyến. Cùng thời gian này, các đầu việc khác phục vụ công tác vận hành, đào tạo, chuyển giao công nghệ, nghiệm thu, bàn giao... được thực hiện.
Ông Hoàng Mai Tùng, Kỹ sư điều phối dự án Metro Số 1, việc điều khiển tàu trên tuyến sau này sẽ dựa trên hệ thống viễn thông (CBTC), giúp điều phối tự động. Hệ thống này giúp xác định chính xác vị trí đoàn tàu, không phụ thuộc các đường truyền khác do sóng vô tuyến được cấp riêng. Dựa trên CBTC, việc cho tàu tăng giảm tốc độ, đóng mở cửa, dừng tại nhà ga trong thời gian bao nhiêu... hoàn toàn có thể điều khiển tự động từ trung tâm điều độ.
"Công nghệ này giúp quản lý và điều hành tuyến metro hiệu quả, an toàn hơn nhiều hình thức khác. Tuy nhiên, những năm đầu khai thác vẫn có lái tàu để chủ động xử lý sự cố phát sinh, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất", ông Tùng nói.
Metro Số 1 tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án hiện đạt hơn 83%, dự kiến đưa vào khai thác năm 2022.
Gia Minh
Thêm bốn gối cầu Metro Số 1 bị sự cố
Bốn gối cầu trên tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vừa bị phát hiện lệch khỏi vị trí, khiến chủ đầu tư ... |
Đề xuất dùng vật liệu trong nước làm Metro Số 1
Để giảm tác động Covid-19 đến Metro Số 1, chủ đầu tư đề xuất dùng vật tư, thiết bị trong nước đáp ứng yêu cầu ... |