6 ngày Trung Quốc trì hoãn khiến Covid-19 vuột kiểm soát

Trong 6 ngày kể từ khi các lãnh đạo Trung Quốc xác định nguy cơ về một đại dịch, Vũ Hán vẫn tổ chức tiệc cho hàng chục nghìn người. 

Hàng triệu người bắt đầu di chuyển trong kỳ "xuân vận" lớn nhất thế giới để đón Tết. Tới ngày thứ 7, tức hôm 20/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra tuyên bố đầu tiên cảnh báo công chúng về chủng virus mới, yêu cầu "dốc toàn lực" chống dịch. Tuy nhiên, hơn 3.000 người đã nhiễm nCoV sau gần một tuần giới chức im lặng, theo tài liệu nội bộ AP thu thập được và ước tính của các chuyên gia.

Sự chần chừ của các lãnh đạo Trung Quốc từ ngày 14 đến 20/1 nằm trong khoảng thời gian gần hai tuần Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia (CDC) không nhận được báo cáo về bất cứ ca nhiễm nCoV nào từ giới chức địa phương.

Do không nhận được báo cáo nội bộ từ địa phương, phải đến khi xuất hiện ca nhiễm nCoV đầu tiên ngoài lãnh thổ Trung Quốc ở Thái Lan hôm 13/1, các lãnh đạo tại Bắc Kinh mới nhận ra nguy cơ về đại dịch.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trò chuyện thông qua video với các bệnh nhân và nhân viên y tế tại bệnh viện Hỏa Thần Sơn ở Vũ Hán hôm 10/3. Ảnh: Xinhua.

Các tài liệu nội bộ cho thấy Mã Hiểu Vĩ, giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, hôm 14/1 đưa ra đánh giá ảm đạm về tình hình dịch bệnh trong cuộc họp kín từ xa với các quan chức y tế cấp tỉnh. Theo một bản ghi nhớ do AP thu thập và xác minh nội dung, cuộc họp này được tổ chức nhằm truyền đạt hướng dẫn về nCoV từ Chủ tịch Tập, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan, nhưng không nêu cụ thể những chỉ dẫn đó là gì.

"Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng và phức tạp. Đây là thử thách lớn nhất kể từ sau dịch SARS năm 2003 và có khả năng phát triển thành một vấn đề y tế cộng đồng nghiêm trọng", bản ghi nhớ dẫn lời ông Mã phát biểu trong cuộc họp.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc từng cho biết họ tổ chức cuộc họp từ xa do lo ngại ca nhiễm nCoV tại Thái Lan và nguy cơ virus lây lan khi hàng triệu người dân di chuyển dịp Tết Nguyên đán. Cơ quan này nói thêm rằng Trung Quốc đã công khai thông tin dịch bệnh "một cách cởi mở, minh bạch, có trách nhiệm và kịp thời", theo "những hướng dẫn quan trọng" mà ông Tập liên tục ban hành.

Bản ghi nhớ về cuộc họp còn viết "những ca nhiễm theo cụm cho thấy virus có thể truyền từ người sang người". Trường hợp tại Thái Lan cũng được nêu ra để minh chứng cho việc tình hình "đã thay đổi đáng kể" do khả năng virus lây lan ra nước ngoài.

Trong cuộc họp, ông Mã kêu gọi giới chức đoàn kết dưới sự lãnh đạo của ông Tập, nhấn mạnh những cân nhắc về mặt chính trị và sự ổn định xã hội là ưu tiên hàng đầu trước thềm hai cuộc họp chính trị lớn nhất Trung Quốc dự kiến vào tháng 3. Các tài liệu không nêu lý do giới lãnh đạo Trung Quốc trì hoãn công bố dịch 6 ngày, nhưng giới chuyên gia cho rằng hai cuộc họp trên có thể là một nguyên nhân.

"Nhu cầu ổn định xã hội và không khuấy động tình hình trước các đại hội quan trọng vô cùng cấp thiết. Tôi đoán họ muốn chờ thêm một chút để xem điều gì sẽ xảy ra", Daniel Mattingly, học giả về chính trị Trung Quốc tại Đại học Yale, Mỹ, nhận định.

Sau cuộc họp của Ủy ban Y tế Quốc gia, CDC tại Bắc Kinh đã kích hoạt phản ứng khẩn cấp nội bộ ở mức cao nhất vào ngày 15/1, chỉ định lãnh đạo cho 14 nhóm làm việc, với các nhiệm vụ gây quỹ, đào tạo nhân viên y tế, thu thập dữ liệu, điều tra hiện trường và giám sát các phòng thí nghiệm, theo một thông báo nội bộ.

Ủy ban Y tế Quốc gia cũng ban hành bản hướng dẫn dài 63 trang, yêu cầu giới chức y tế trên toàn quốc xác định ca nghi nhiễm, bệnh viện mở các phòng khám sốt, bác sĩ và y tá mặc đồ bảo hộ. Bản hướng dẫn này được đánh dấu "nội bộ, không lan truyền trên mạng, không công khai", được AP thu thập.

Tuy nhiên, trước công chúng, giới chức tiếp tục hạ thấp mối đe dọa, chỉ ra rằng mới có 41 ca nhiễm. "Theo những hiểu biết gần đây nhất chúng tôi đạt được, nguy cơ lây nhiễm liên tục từ người sang người là thấp", Lý Quần, người đứng đầu trung tâm khẩn cấp của CDC, phát biểu trên truyền hình hôm 15/1. Theo một thông báo nội bộ, ông Lý đã chỉ định lãnh đạo nhóm chuẩn bị kế hoạch khẩn cấp vào cùng ngày.

Sau khi ông Tập lần đầu tiên công bố về nCoV hôm 20/1, Chung Nam Sơn, nhà dịch tễ học nổi tiếng, cố vấn y tế của chính phủ Trung Quốc, cũng lần đầu tuyên bố virus có thể truyền từ người sang người trên truyền hình quốc gia, đồng thời cho biết việc cảnh báo sớm có thể cứu nhiều mạng người.

"Thật khủng khiếp. Nếu họ hành động sớm hơn 6 ngày, số bệnh nhân có lẽ ít hơn nhiều, các cơ sở y tế cũng đủ sức xử lý. Chúng ta có thể cũng tránh được sự sụp đổ của hệ thống y tế Vũ Hán", Zuo-Feng Zhang, nhà dịch tễ học tại Đại học California ở Los Angeles, Mỹ, đánh giá.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế khác cho rằng chính phủ Trung Quốc đã âm thầm hành động quyết liệt. "Họ có thể không nói chính xác sự thật, nhưng vẫn thực hiện điều đúng đắn. Việc họ gióng lên hồi chuông cảnh báo toàn quốc vào ngày 20/1 không phải sự chậm trễ vô lý", Ray Yip, cựu giám đốc văn phòng CDC Mỹ tại Trung Quốc, nhận định.

Benjamin Cowling, nhà dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, giải thích thêm rằng việc giới chức Trung Quốc báo động quá sớm có nguy cơ tổn hại uy tín của họ, đồng thời làm tê liệt khả năng huy động công chúng.  

Các nhân viên y tế tại Vũ Hán tiết lộ những dấu hiệu cho thấy nCoV có thể lây truyền từ người sang người xuất hiện ngay từ cuối tháng 12. Nhiều bệnh nhân chưa từng đến chợ hải sản Hoa Nam, nơi bị nghi ngờ là nguồn phát tán virus, trong khi các nhân viên y tế bắt đầu đổ bệnh. Tuy nhiên, giới chức đã ngăn cản nhân viên y tế báo cáo những trường hợp như vậy và đặt ra các tiêu chí chặt chẽ để xác định ca nhiễm nCoV.

Hệ quả là không có ca nhiễm mới nào được báo cáo trong gần hai tuần kể từ ngày 5/1, ngay cả khi giới chức tập trung tại Vũ Hán để dự hai cuộc họp chính trị lớn nhất năm của tỉnh Hồ Bắc. Trong khoảng thời gian này, các nhóm chuyên gia do Bắc Kinh cử đến Vũ Hán cho biết họ không tìm thấy dấu hiệu rõ ràng nào chứng minh mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và việc virus truyền từ người sang người.

Tuy nhiên, các nhóm này chỉ tìm kiếm những bệnh nhân bị viêm phổi nặng, bỏ sót những người có triệu chứng nhẹ. Họ cũng thu hẹp phạm vi nghiên cứu và tập trung vào những người từng đến chợ Hoa Nam. Nhà dịch tễ học Cowling, người từng bay đến Bắc Kinh để xem xét tình hình dịch bệnh hồi cuối tháng một, cho rằng đây là một sai lầm khi nhìn lại.

Sau khi mối đe dọa của Covid-19 trở nên rõ ràng, một số chuyên gia cáo buộc giới chức Vũ Hán cố tình che giấu các ca nhiễm. "Tôi luôn nghi ngờ virus truyền từ người sang người", Wang Guangfa, trưởng nhóm nghiên cứu thứ hai do Bắc Kinh điều đến Vũ Hán, viết trên Weibo hôm 15/3. Wang nhiễm nCoV và đổ bệnh ngay sau khi trở về Bắc Kinh hôm 16/1.

Chu Tiên Vượng, thị trưởng Vũ Hán khi đó, đã đổ lỗi cho các quy tắc bảo mật thông tin quốc gia. "Là một quan chức chính quyền địa phương, tôi chỉ có thể tiết lộ thông tin sau khi được cho phép. Nhiều người không hiểu điều đó", ông Chu trả lời báo chí hồi cuối tháng một. Do vậy, các quan chức hàng đầu Trung Quốc dường như không nắm được tình hình.

"CDC hành động chậm chạp và tưởng rằng tất cả đều ổn. Nếu chúng tôi bắt tay vào làm điều gì đó sớm hơn một hoặc hai tuẩn, mọi thứ có thể đã khác đi rất nhiều", một chuyên gia y tế Trung Quốc giấu tên cho hay.

Sau khi ghi nhận ca nhiễm nCoV tại Thái Lan, giới chức y tế Trung Quốc mới vạch ra kế hoạch nội bộ nhằm xác định, cách ly, xét nghiệm và điều trị tất cả người nhiễm nCoV trên toàn quốc một cách có hệ thống. Họ cũng yêu cầu giới chức tỉnh Hồ Bắc đo thân nhiệt người dân tại các trung tâm giao thông, đồng thời hạn chế tụ tập đông người nơi công cộng. Tất cả đều không được tiết lộ với công chúng.

Số ca nhiễm nCoV tại Vũ Hán ngay lập tức gia tăng nhanh chóng sau những động thái trên. Ngày 18/1, Bệnh viện Hiệp hòa Vũ Hán tổ chức cuộc họp khẩn để hướng dẫn nhân viên áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, trước cả khi ông Tập thông báo cho toàn quốc.

Một chuyên gia y tế giấu tên cho biết cô đã thăm một bệnh viện xây dựng sau dịch SARS vào ngày 19/1, chứng kiến đội ngũ nhân viên y tế khẩn trương chuẩn bị hàng trăm giường cho bệnh nhân viêm phổi.

"Những người làm việc trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm tại Trung Quốc đều biết điều gì đó đang diễn ra. Họ đã lường trước chuyện này", cô nói.

Ánh Ngọc (Theo AP)

Trung Quốc có mục đích gì sau những chuyến hàng viện trợ chống Covid-19?

Trung Quốc dường như đang muốn tận dụng cơ hội gia tăng ảnh hưởng của nước này để che đi hình ảnh là nơi khởi ...

Mỹ chưa xác nhận virus SARS-CoV-2 đến từ phóng thí nghiệm Trung Quốc

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ vừa cho biết, quân đội nước này đang điều tra thông tin virus SARS-CoV-2 bắt ...

Chuyên gia y tế hàng đầu Trung Quốc cảnh báo dịch bệnh có thể quay trở lại

Trung Quốc xác nhận số ca mắc  COVID-19 mới trong ngày 11.4 tăng gấp đôi so với ngày trước đó.

/ vnexpress.net