Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 6/9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà làm đơn kháng cáo với nội dung đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho được hưởng án treo.
Sau phán quyết sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội, tính đến thời điểm hiện nay đã có 6 bị cáo làm đơn kháng cáo gồm: Bị cáo Hoàng Thế Trung, Trần Cao Bằng, Nguyễn Văn Khải, Vũ Thanh Hải, Trương Trần Hiển và Đỗ Đình Trì.
6 bị cáo trên đã làm đơn kháng cáo lên TAND Cấp cao tại Hà Nội, đề nghị xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm, với nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Các bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước Sông Đà.
Trước đó, các ngày từ 5-13/3, TAND TP.Hà Nội đã đưa vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng ra xét xử theo trình tự sơ thẩm và tuyên phạt 9 cựu quan chức tại Vinaconex.
Bị cáo Hoàng Thế Trung (SN 1960), nguyên GĐ ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội; Trần Cao Bằng (SN 1954), nguyên GĐ công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex cùng bị phạt 24 tháng tù giam.
Bị cáo Nguyễn Văn Khải (SN 1961), nguyên PGĐ ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội; Vũ Thanh Hải (SN 1960), nguyên Trưởng phòng Sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên PGĐ công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex và Đỗ Đình Trì (SN 1968), nguyên cán bộ công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, bộ Xây dựng, nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội cùng bị tuyên phạt 20 tháng tù giam.
Trương Trần Hiển (SN 1957), nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị thuộc ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội bị tuyên phạt 16 tháng tù giam.
Bị cáo Hoàng Quốc Thống (SN 1955), nguyên cán bộ công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, bộ Xây dựng, nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội và Nguyễn Biên Hùng (SN 1950), nguyên cán bộ công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, bộ Xây dựng, nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội cùng bị tuyên phạt 16 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Và bị cáo Bùi Minh Quân (SN 1972), PGĐ Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, bộ Xây dựng, nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà Hà Nội bị phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Cho rằng bản án sơ thẩm mà Tòa cấp sơ thẩm tuyên là quá nặng đối với hành vi mà bị cáo gây ra, bị cáo Hoàng Thế Trung nhanh chóng có đơn kháng cáo với nội dung: “Bản án sơ thẩm chưa đánh giá xem xét tới điều kiện, hoàn cảnh khi chúng tôi xây dựng Dự án đường ống nước sạch Sông Đà để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân và thực tế dự án đã mang lại lợi ích lớn cho nhân dân Hà Nội. Vụ án không có hậu quả xảy ra dù là vật chất hay phi vật chất. Chi phí sửa chữa, khắc phục đã nằm trong kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa của đơn vị quản lý, khai thác Dự án là công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex (nay là công ty CP nước sạch Sông Đà) và hầu hết các hộ dân đang sử dụng nước đều xác nhận ý kiến hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp”.
Theo bị cáo Trung, dự án đường ống nước sạch Sông Đà là dự án sử dụng ống cốt sợi thủy tinh đường kính lớn lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Tất cả các nhà thầu thiết kế, nhà thầu sản xuất, nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát đều chưa từng có kinh nghiệm thực hiện vật liệu ống nhựa composite cốt sợi thủy tinh. Dù bị cáo đã nỗ lực phòng tránh rủi ro, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được những sự cố đáng tiếc.
Trên cơ sở đó, bị cáo Trung cho rằng Tòa cấp sơ thẩm đã không xem xét áp dụng Điều 25 – BLHS năm 2015 quy định về “Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ” theo hướng có lợi cho bị cáo Trung và các bị cáo khác.
Tiếp đến, hai bị cáo Đỗ Đình Trì và Vũ Thanh Hải thừa nhận đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhưng cho rằng mức án 20 tháng tù đối với cả 2 bị cáo là quá nặng so với tính chất mức độ, vai trò của 2 bị cáo trong vụ án nên đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét cho 2 bị cáo được hưởng án treo để bị cáo được cải tạo ngoài xã hội, có cơ hội chữa bệnh và làm việc để trang trải kinh tế cho gia đình.
Với 3 bị cáo còn lại: Trần Cao Bằng, Trương Trần Hiển, Nguyễn Văn Khải kháng cáo đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét khách quan lại vụ án và triệu tập một số đương sự, người làm chứng, điều tra viên,… nhằm làm sáng tỏ nội dung có liên quan.
Liệu có cứu nổi các con sông "chết" ở Hà Nội?
Đã gần một năm kể từ khi Hà Nội có chủ trương làm “sống lại” 4 con sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và ... |
Bị cáo vụ vỡ ống cấp nước sông Đà: Không có căn cứ buộc tội chúng tôi
Nói lời sau cùng, các bị cáo mong muốn tìm ra nguyên nhân chính xác sự cố. Họ nói đường ống có thể tiếp tục ... |