5 mặt trận pháp lý bầu cử Trump khởi xướng

Trump đang thúc đẩy các thách thức pháp lý nhằm tìm kiếm cơ hội mong manh thay đổi kết quả bầu cử năm nay khi phần thắng hiện thuộc về đối thủ Biden.

Truyền thông Mỹ hôm 7/11 xướng tên ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden là tổng thống đắc cử khi ông giành được hơn 270 phiếu đại cử tri cần thiết để tuyên bố chiến thắng.

1533 ows 28d5fcb0 6bcb 4f13 8d50 9e 9178 4706 1605091302
Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 5/11. Ảnh: AP.

Nhưng chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã đệ hơn 10 đơn kiện tại 5 bang kể từ ngày bầu cử đến nay nhằm đảo ngược kết quả trên. Trong một tuyên bố đưa ra sau khi truyền thông Mỹ công bố kết quả, Trump cho hay chiến dịch của ông "sẽ bắt đầu khởi kiện tại tòa án để đảm bảo luật bầu cử được tuân thủ đầy đủ và người chiến thắng hợp pháp được xác định".

Trump liên tục cáo buộc rằng hành vi gian lận đã làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử và đội ngũ của ông đã đưa ra các thách thức pháp lý tại 5 bang chiến trường, gồm Pennsylvania, Michigan, Nevada, Georgia, và Arizona. Chiến dịch cũng cho biết họ sẽ yêu cầu kiểm lại phiếu ở Wisconsin với lý do "có bất thường" tại một số hạt.

Nhiều thành viên cấp cao đảng Cộng hòa đang tiếp tục công khai ủng hộ chiến dịch pháp lý của Tổng thống. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell ngày 9/11 khẳng định Trump "có 100% quyền điều tra các cáo buộc bất thường" mà không trích dẫn bất chứng nào.

Dưới đây là thực tế các vụ kiện được trình lên tại từng bang.

Tại Pennsylvania, chiến dịch tranh cử của Trump đã nộp nhiều đơn kiện kể từ ngày bầu cử 3/11. Philadelphia đã cho thấy nơi này là một thành phần quan trọng trong cuộc chiến của Trump nhằm chứng minh cuộc bầu cử đã "bị đánh cắp" khỏi ông.

Như dự kiến, nhiều cử tri Cộng hòa đã trực tiếp đi bỏ phiếu vào ngày 3/11 trong khi các cử tri Dân chủ đa phần chọn cách bỏ phiếu qua thư. Pennsylvania kiểm phiếu được bỏ trực tiếp vào ngày bầu cử trước và phiếu bầu qua thư chỉ được đếm bắt đầu từ ngày 4/11, thể theo quy định bầu cử của bang. Vậy nên, các cuộc kiểm phiếu sớm trong ngày bầu cử cho thấy Trump dẫn trước.

Đến khi các lá phiếu gửi qua thư được kiểm và cộng vào kết quả chung ở những ngày sau, khoảng cách dẫn trước của Trump ngày càng bị thu hẹp và tới 7/11, Biden cuối cùng cũng vươn lên dẫn trước với cách biệt đủ để tuyên bố ông là người chiến thắng.

Dù việc mất vài ngày mới hoàn thành kiểm phiếu là hoàn toàn bình thường, chiến dịch của Trump lại cho rằng kết quả thay đổi từ thế Trump thắng sang Biden dẫn trước là do gian lận.

Họ đã đệ đơn kiện yêu cầu giới chức bầu cử Philadelphia dừng việc kiểm phiếu, song yêu cầu này nhanh chóng bị một thẩm phán liên bang bác bỏ. Đội ngũ của Trump cũng đệ trình các tài liệu yêu cầu Tổng thư ký bang Kathy Boockvar cùng tất cả 67 hạt của bang đặt ra một ngày sớm hơn để các cử tri xuất trình bằng chứng nhận dạng nếu nó không có trong lá phiếu ban đầu của họ. Trong lúc các cuộc tranh tụng tiếp diễn, tòa án đã ra lệnh tất cả các hạt phải để riêng phiếu bầu nếu không nhận được giấy từ tùy thân của cử tri trước ngày 9/11.

Ngoài ra, đội ngũ của Trump còn nộp một đơn kiện lên tòa án bang Pennsylvania, nói rằng các quan sát viên của họ không được phép đến đủ gần để theo dõi quá trình kiểm phiếu ở Philadelphia. Họ khăng khăng rằng các quan sát viên cần quyền tiếp cận "có ý nghĩa" đến nhiều địa điểm khác nhau, cũng như quyền xem xét những lá phiếu đã được xử lý.

Tòa án ra phán quyết rằng các quan sát viên chiến dịch tranh cử của Trump có thể đến gần hơn để theo dõi quá trình xử lý lá phiếu, điều mà Trump ca ngợi là "chiến thắng pháp lý lớn" hôm 6/11.

Trump đạt được một chiến thắng pháp lý khác vào ngày 6/11 khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Samuel Alito chấp thuận yêu cầu từ đảng Cộng hòa để đảm bảo rằng giới chức bầu cử hạt ở Pennsylvania tách biệt những lá phiếu gửi qua thư nhận được sau ngày bầu cử. Tuy nhiên, Alito không ra lệnh cho các quan chức bầu cử dừng kiểm phiếu.

Chiến dịch của Trump trước đó tham gia vào một vụ kiện trước Tòa án Tối cao liên quan đến câu hỏi liệu có nên tính các lá phiếu được nhận sau ngày bầu cử. Tòa án tối cao Pennsylvania đã ra phán quyết rằng những phiếu qua thư đến ba ngày sau ngày bầu cử vẫn được tính.

Ngày 9/11, đội ngũ pháp lý của Trump lại thông báo họ tiếp tục nộp một đơn kiện mới ở Pennsylvania chống lại Tổng thư ký bang Kathy Boockvar nhằm xin lệnh khẩn cấp ngăn các quan chức bang chứng nhận chiến thắng cho tổng thống đắc cử Joe Biden tại Pennsylvania.

Chiến dịch nói rằng một quá trình bầu cử không công bằng, ở đó hệ thống bỏ phiếu qua thư "thiếu tất cả những chỉ dấu về tính minh bạch và khả năng xác minh vốn có ở hệ thống bỏ phiếu trực tiếp", là mối lo chính của họ. Vụ kiện đang tiếp diễn.

Tại Michigan, đội ngũ của Trump đã cố gắng nhấn vào khác biệt trong cách thức lá phiếu được kiểm trên toàn bang.

Chiến dịch nộp một đơn kiện yêu cầu ngừng kiểm phiếu trên toàn bang với lý do rằng các quan chức của họ không được tiếp cận phù hợp để quan sát toàn bộ quy trình.

Trump và đội ngũ của ông một lần nữa lập luận rằng họ muốn quyền tiếp cận "có ý nghĩa" để có thể quan sát quy trình kiểm phiếu qua thư. Theo hãng thông tấn AP, đơn kiện tuyên bố "Tổng thư ký bang Jocelyn Benson, một đảng viên Dân chủ, đang cho phép đếm phiếu vắng mặt mà không có các nhóm quan sát viên lưỡng đảng cũng như những người thách thức".

Vụ kiện bị thẩm phán Cynthia Stephens bác bỏ hồi tuần trước. Đội ngũ pháp lý của Trump đã cố gắng kháng cáo nhưng không cung cấp được những tài liệu cần thiết trước tòa.

Chiến dịch hôm 10/11 cho biết họ sẽ nộp đơn kiện mới nhằm ngăn Michigan xác nhận chiến thắng của Biden cho đến khi bang này có thể xác minh mọi lá phiếu đều được bỏ một cách hợp pháp.

Tại Nevada, bang mà Biden dẫn trước với cách biệt sít sao, Trump và đội ngũ của ông đã nộp hai đơn kiện. Chiến dịch muốn thách thức cả quá trình giám sát kiểm đếm phiếu lẫn tính hợp pháp của các máy xác minh chữ ký được sử dụng ở hạt Clark.

Trước ngày bầu cử, chiến dịch của Trump, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa và nguyên đơn Fred Krause đã nộp đơn kiện tại hạt Clark nhằm tìm cách ngăn quá trình kiểm đếm phiếu cho đến khi họ có thể giám sát chặt chẽ quy trình. Họ tuyên bố rằng hạt Clark chưa có kế hoạch rõ ràng nhằm đảm bảo một quy trình giám sát có ý nghĩa.

Một thẩm phán quận bác bỏ đơn kiện, ra phát quyết rằng lập luận trên thiếu bằng chứng hỗ trợ. Các nguyên đơn đã kháng cáo phán quyết và vào ngày 5/11, Tòa án Tối cao Mỹ cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận.

Cuối tuần trước, chiến dịch của Trump cũng nộp đơn kiện yêu cầu áp lệnh cấm đối với những máy xác minh chữ ký được dùng tại hạt Clark, tuyên bố rằng hơn 3.000 cử tri không đủ điều kiện đã bỏ phiếu thành công. Một thẩm phán liên bang bác bỏ yêu cầu vào ngày 6/11 với phán quyết rằng không có bằng chứng cho thấy hạt Clark đang có những hành vi không đúng đắn.

Tại Georgia, đội ngũ pháp lý của Trump cũng nộp đơn kiện nhằm loại bỏ khoảng 53 lá phiếu. Yêu cầu này dựa trên các cáo buộc từ một người theo dõi hòm phiếu ở hạt Chatham, nói rằng họ đã thấy những lá phiếu đến muộn sau thời hạn trong ngày bầu cử được trộn lẫn với các lá phiếu đến đúng hạn.

Một thẩm phán Tòa Thượng thẩm bác bỏ đơn kiện vào ngày 5/11 sau khi xác định rằng không có bằng chứng cho thấy những lá phiếu được nhắc tới đã đến muộn.

Tại Arizona hôm 7/11, chiến dịch của Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã đệ đơn kiện tuyên bố rằng có những lá phiếu từ cử trị bị từ chối một cách sai trái, khiến Trump mất đi "hàng nghìn" phiếu bầu.

Sau phiên xử đầu tiên ngày 9/11, có vẻ như 180 phiếu bầu đã bị ảnh hưởng.

Vụ kiện đang tiếp tục diễn ra và phiên xử tiếp theo dự kiến vào ngày 12/11. Đội ngũ pháp lý của Trump sẽ đưa ra bằng chứng chứng minh cho tuyên bố.

Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera)

Những kịch bản có thể xảy ra khi Trump không nhận thua Những kịch bản có thể xảy ra khi Trump không nhận thua
Ông Trump lần đầu xuất hiện trước công chúng sau bầu cử Ông Trump lần đầu xuất hiện trước công chúng sau bầu cử
Phe Cộng hòa e dè khuyên Trump nhận thua Phe Cộng hòa e dè khuyên Trump nhận thua
Hậu bầu cử, ông Trump cài cắm hàng loạt nhân vật trung thành trong Bộ Quốc phòng Mỹ Hậu bầu cử, ông Trump cài cắm hàng loạt nhân vật trung thành trong Bộ Quốc phòng Mỹ
/ vnexpress.net