5 điều bạn có thể làm để ngăn ngừa đột quỵ

Dưới đây là 5 biện pháp phòng ngừa đột quỵ mà chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện.

Tiến sĩ Jeyaraj Pandian, Chủ tịch Hiệp hội Đột quỵ Ấn Độ (ISA), Phó Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ Thế giới cho biết: “Trong vài thập kỷ qua, tỷ lệ đột quỵ gia tăng trở thành một mối quan tâm lớn. Đột quỵ là tình trạng ảnh hưởng đến não và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật và tử vong. Đột quỵ thường bắt đầu với cảm giác yếu hoặc tê liệt đột ngột ở một bên của cơ thể, sau đó là khó nhìn, khó nói hoặc mất khả năng phối hợp trong cơ thể.

Đột quỵ có thể xảy ra do lượng máu cung cấp cho não bị hạn chế hoặc mạch máu bị vỡ dẫn đến các tế bào não bị chết. Khi nói đến việc ngăn ngừa đột quỵ, các lựa chọn lối sống lành mạnh có thể sẽ là phương pháp hữu hiệu”.

5 điều bạn có thể làm để ngăn ngừa đột quỵ - 1

Sau đây là 5 biện pháp bạn có thể áp dụng để giảm nguy cơ đột quỵ, theo gợi ý của chuyên gia.

Điều trị tăng huyết áp

Yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ là tăng huyết áp. Huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch máu, khiến nó bị thu hẹp, rò rỉ hoặc vỡ. Thường xuyên theo dõi và quản lý huyết áp cao là điều rất cần thiết để ngăn ngừa đột quỵ.

Quản lý bệnh tiểu đường

Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương các mạch máu trong thời gian dài. Điều này sẽ dẫn đến sự hình thành các cục máu đông, từ đó làm tăng khả năng bị đột quỵ. Do đó, đảm bảo lượng đường trong máu tối ưu là rất quan trọng để ngăn ngừa đột quỵ cho những người bị bệnh tiểu đường.

Ăn uống lành mạnh

Đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh với trái cây tươi và rau củ là một phương pháp có hiệu quả cao để ngăn ngừa đột quỵ. Chế độ ăn uống cân bằng với thực phẩm ít natri, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, và nhiều chất xơ có thể giúp giảm mức cholesterol và huyết áp cao – hai yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Tập thể dục thường xuyên

Duy trì hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên mang lại điều kỳ diệu cho cả sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của bạn. Ngoài ra, thói quen này cũng giúp giảm cân, kiểm soát huyết áp và giảm mức cholesterol, theo đó giảm nguy cơ bị đột quỵ.

Nói không với hút thuốc

Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ vì nó làm đặc máu và dẫn đến nguy cơ đông máu cao hơn. Do đó, bỏ thuốc lá sẽ giúp bạn giảm nguy cơ đột quỵ đáng kể.

Xác định dấu hiệu của đột quỵ

Hãy ghi nhớ quy tắc “FAST” để nhận biết một người có bị đột quỵ hay không nhằm cứu chữa kịp thời.

F: Hóp mặt (Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt)

A: Yếu cánh tay (Cử động khó khăn hoặc không thể cử động)

S: Khó nói

T: Thời gian (Khi một người có những triệu chứng trên thì rất có thể họ bị đột quy, vì vậy hãy gọi hỗ trợ y tế )

“Thời gian là rất quan trọng. Một người cần được đưa đến trung tâm điều trị đột quỵ với chụp CT kịp thời trong 4,5 giờ đầu tiên kể từ khi bệnh nhân khởi phát đột quỵ. Đây được xem là “thời gian vàng” để cứu người bệnh tránh mất mạng và tàn tật”, tiến sĩ Jeyaraj Pandian chia sẻ.

CTV LƯƠNG TRÂM

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn hồi phục sau cơn đột quỵ Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn hồi phục sau cơn đột quỵ
Đột quỵ vì lan đột biến Đột quỵ vì lan đột biến
Cầu thủ Ligue 1 đột quỵ trong lúc thi đấu Cầu thủ Ligue 1 đột quỵ trong lúc thi đấu

/ vtc.vn