Trung Quốc đã có cuộc chuyển mình ấn tượng trong 40 năm qua, nhưng vào thời điểm đang băng băng tiến về phía trước kinh tế nước này bất ngờ vấp phải một hòn đá tảng, nhân tố mà họ không hề ngờ tới vài năm trước đó - Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khi Victor Gao lớn lên ở vùng nông thôn Trung Quốc vào những năm 1970, ô tô và xe tải hiếm tới nỗi mỗi khi chúng chạy qua con đường đất men theo ngôi làng nghèo nơi Gao sống, Gao và những đứa trẻ khác sẽ thích thú đuổi theo.
Nhưng thời thế đã thay đổi. Trung Quốc hiện là nước sản xuất ô tô lớn hàng đầu trên thế giới.
"Tôi không bao giờ nghĩ tới cảnh một gia đình tầm trung ở Trung Quốc sẽ sở hữu một chiếc ô tô. Tôi cũng không mường tượng được việc Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia sản xuất ô tô lớn. Việc Trung Quốc có thể sản xuất nhiều ô tô hơn Mỹ vượt quá những ước mơ điên rồ nhất của tôi", ông Gao nói.
Thành phố Thâm Quyến năm 1982 và ngày nay. (Ảnh: CNN)
Ngày 18/12 đánh dấu 4 thập niên kể từ khi Trung Quốc bắt đầu quá trình "Cải cách kinh tế" biến nước này từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu trở thành một siêu cường kinh tế.
Khi ông Đặng Tiểu Bình phát biểu vào tháng 12/1978, một trong những bài phát biểu được coi là khởi đầu của kỷ nguyên cải cách, GDP của Trung Quốc ở mức dưới 50 tỷ USD.
40 năm sau, con số này đã chạm tới mức 12.000 tỷ USD, đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Nhưng ở thời điểm này, Trung Quốc đang phải dàn sức đối phó với trận chiến có thể sẽ quyết định liệu phép màu họ tạo ra có còn duy trì nữa hay không.
Thời kỳ của Đặng Tiểu Bình
Quá trình cải cách và mở cửa đã thay đổi và tác động sâu rộng đến mức nhiều người Trung Quốc đã không thể tưởng tượng được rằng nó mới diễn ra chưa đầy nửa thế kỷ.
Năm 1978, Trung Quốc rơi vào tình trạng đói nghèo cùng cực sau nhiều biến động về chính trị và yếu kém về kinh tế. Ngày nay, Trung Quốc đang nắm giữ khoảng 10% tài sản toàn cầu.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc so với Mỹ, Anh, Nhật Bản trong giai đoạn 1960-2017. (Biểu đồ: CNN)
Ước tính chỉ trong 20 năm qua, mỗi người Trung Quốc trưởng thành đã giàu gấp 4 lần, số người rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo khó cũng chỉ chiếm ít hơn 1% dân số. Trung Quốc hiện có 600 tỷ phú USD, cao hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.
Những thành tích ấn tượng này mang dấu ấn đậm nét của Đặng Tiểu Bình, nhà cải cách táo bạo, dám nghĩ dám làm. Ông không ngại thử nghiệm các cách tiếp cận độc đáo, duy trì vai trò lãnh đạo của đảng trong khi nới lỏng sự kiểm soát của chính phủ với kinh tế và thúc đẩy quyền tự do cá nhân.
Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của ông lúc bấy giờ là "không quan trọng con mèo đó đen hay trắng, miễn là nó bắt được chuột".
Nhờ các quyết sách của ông Đặng, nông dân Trung Quốc đã có thể bán được các sản phẩm dư thừa kiếm lợi nhuận. Các doanh nhân cũng bắt đầu thành lập các doanh nghiệp riêng.
Ông Gao hiện là phó Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, từng có thời gian làm phiên dịch cho ông Đặng Tiểu Bình từ năm 1983 đến 1988 nhớ lại cách tiếp cận thực dụng của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc gặp của ông với Chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán New York John Phelan năm 1986.
Tại đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhờ Mỹ giúp Trung Quốc mở một sàn giao dịch chứng khoán, một ý tưởng cấm kỵ chỉ vài năm trước đó.
"Ông Đặng đã rất khiêm tốn trong cuộc gặp. Ông ấy nói với ông Phelan rằng người Mỹ biết cách kiếm tiền và bạn là những người rất giàu có trong khi Trung Quốc lại rất nghèo", Gao nhớ lại.
Đấu tranh cải cách
Trung Quốc đã không còn là một nước nghèo. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã thay da đổi thịt tới chóng mặt trong vài thập kỷ qua.
Tại một triển lãm khai mạc ở Bắc Kinh vào đầu năm 2018 kỷ niệm những thay đổi này, những tuyên bố, câu nỏi nổi tiếng của các nhà nhà lãnh đạo Trung Quốc được trích dẫn và được treo ở một phòng trưng bày. Nhưng một số du khách nhận ra rằng vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình, người được truyền thông Trung Quốc ca ngợi là kiến trúc sư trưởng của "Cải cách và mở cửa" của Trung Quốc lấn át rõ ràng so với ông Đặng.
Hình ảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và các trích dẫn của ông được treo tại triển lãm ở Bắc Kinh. (Ảnh: CNN)
Chuyên gia Frank Ching tới từ trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hồng Kông cho rằng ông Tập vào thời điểm hiện tại đã đi rất xa khỏi ý tưởng của người tiền nhiệm.
Các biện pháp kinh tế và thông điệp chính trị được coi là một phần trong nỗ lực tạo ra một kỷ nguyên "Tập Cận Bình" mới, đánh dấu bằng sự quyết đoán trong ngoại giao được cho là sẽ tiếp tục củng cố đường lối của Trung Quốc trong những năm "Cải cách và mở cửa".
Hòn đá tảng mang tên Donald Trump
Vào thời điểm đang băng băng tiến về phía trước kinh tế Trung Quốc bất ngờ vấp phải một hòn đá tảng, nhân tố mà họ không hề ngờ tới vài năm trước đó - Tổng thống Mỹ Donald Trump, người mà ít nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nào tin sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump tại cuộc hội đàm cấp cao ở Argentina hôm 1/12. (Ảnh: CNN)
Ông Trump sau khi lên nắm quyền đã không ngại thách thức, đối đầu với Trung Quốc mà đỉnh điểm là cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia buộc Trung Quốc phải xem xét lại hệ thống kinh tế của mình. Nhà lãnh đạo Mỹ áp đặt thuế qua với một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận với thị trường Trung Quốc, kêu gọi chính phủ Trung Quốc không can thiệp vào các ngành công nghiệp trọng điểm.
Cuộc chiến này, theo các nhà quan sát là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong toàn bộ sự nghiệp của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung không chỉ làm lu mờ các thành tựu của Trung Quốc sau 40 năm "Cải cách và mở cửa", làm lộ ra lỗ hổng chính trị cần được vá lấp, mà còn làm gián đoạn nhiều kế hoạch kinh tế của Chủ tịch Tập và khiến ông bị mất điểm khi đã không thể xử lý được các thách thức mà Tổng thống Trump đặt ra, CNN kết luận.
Zhang Lin, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Unirule, Bắc Kinh cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã đánh giá sai Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cho rằng ông chỉ là một doanh nhân và những đe dọa chiến tranh thương mại của ông chỉ là nói quá trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Thực tế, Washington đã làm rõ trong báo cáo Chiến lược Quốc phòng được tiết lộ trước khi căng thẳng thương mại leo thang rằng Mỹ không thể chấp nhận hiện trạng các hoạt động thương mại và kinh tế của Trung Quốc.
Chuyên gia này cho rằng Mỹ đang khiến Trung Quốc mắc vào cái bẫy thu nhập trung bình – khái niệm lần đầu tiên được Ngân hàng thế giới đưa ra năm 2006 để chỉ nền kinh tế thu nhập trung bình trì trệ và không thể lấy lại đà phát triển cao hơn. Dù các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc và dòng chảy thương mại không dễ dàng khô cạn chỉ sau một đêm nhưng "kỷ nguyên xuất khẩu vàng" kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 được cho là đang trên đà kết thúc.
Theo Zhang Lin, “điều kỳ diệu kinh tế” của Trung Quốc trong vòng 4 thập niên qua dựa vào hai yếu tố: khi khối kinh tế nhà nước hoạt động không hiệu quả mở đường cho kinh tế tư nhân nở rộ, bên cạnh đó là sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, trong mô hình phát triển kinh tế do nhà nước dẫn đầu, các doanh nghiệp nhà nước có lợi thế trong khi khối tư nhân rút lui khiến một trong hai trụ cột tăng trưởng bị phá hủy. Cuộc chiến thương mại với Mỹ và chương trình đánh thuế qua lại bắt đầu làm lung lay nốt trụ cột còn lại, đe dọa đến nguồn phát triển của nền kinh tế Trung Quốc.
Thực tế kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu phát triển chậm lại từ năm 2013, nhưng nếu Mỹ, EU và thậm chí Nhật Bản hình thành một khối tự do thương mại mới trong thời điểm kinh tế Trung Quốc đang chững lại, sẽ càng khó khăn hơn cho nước này phục hồi tăng trưởng.
Căng thẳng Mỹ - Trung: Tập Cận Bình tuyên bố không ai có thể ra lệnh cho Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc cam kết thúc đẩy chính sách "cải cách và mở cửa" của đất nước nhưng cảnh báo không ai có thể ... |
40 năm phép màu kinh tế Trung Quốc và bóng ma chiến tranh thương mại
40 năm sau từ lúc Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách, tương lai của phép màu kinh tế Trung Quốc trở nên bấp bênh ... |
Hàng triệu người Trung Quốc rời phố về quê làm nông nghiệp
Ngày càng nhiều trí thức Trung Quốc muốn rời bỏ phố thị về nông thôn lập trang trại sinh thái và làm du lịch. |
Giám đốc Huawei bị bắt: Những ái nữ Trung Quốc thừa hưởng đế chế kinh doanh của bố
Các cô con gái của chủ doanh nghiệp Trung Quốc từng đi học ở nước ngoài và sở hữu khối tài sản hàng tỷ USD ... |