Cơ thể bạn “nặng mùi” có thể do bữa ăn; 4 loại thực phẩm dưới đây có mặt thường xuyên trong thực đơn nhưng lại âm thầm làm thay đổi mùi cơ thể bạn.
Tại sao cơ thể chúng ta lại có mùi đặc trưng, thậm chí là khó chịu? Điều này không chỉ do yếu tố sinh học mà còn liên quan chặt chẽ đến thực phẩm bạn ăn hằng ngày. Không chỉ tỏi, nhiều loại thực phẩm phổ biến khác có thể ảnh hưởng đến mùi cơ thể.

Thực phẩm khi ăn có thể ảnh hưởng đến mùi cơ thể. (Ảnh: Adobe Stock)
4 loại thực phẩm có thể khiến bạn "nặng mùi" hơn
Chuyên gia dinh dưỡng Erin Palinski-Wade (New Jersey, Mỹ) chia sẻ với Fox News Digital rằng: "Một số loại thực phẩm ảnh hưởng đến mùi cơ thể nhiều hơn những loại khác".
Dưới đây là 4 loại thực phẩm quen thuộc có thể âm thầm làm thay đổi mùi cơ thể bạn, đôi khi không dễ chịu như bạn nghĩ.
Cá
Không ai xa lạ với mùi tanh đặc trưng của hải sản, nhưng ít ai biết rằng mùi này có thể theo bạn cả ngày. Cá không chỉ tanh bênngoài mà còn “ám” bên trong.
Theo Cleveland Clinic (Mỹ), một số người mắc chứng rối loạn hiếm gặp có tên Trimethylaminuria, còn gọi là hội chứng mùi cá. Cơ thể chuyển đổi choline trong cá thành hợp chất trimethylamine có mùi tanh rõ rệt. Hợp chất này sau đó lan tỏa qua mồ hôi, hơi thở và cả da.
Những người mắc chứng bệnh này cũng có thể phát ra mùi tanh sau khi ăn một số thực phẩm khác, bao gồm đậu, bông cải xanh, súp lơ, đậu phộng và các sản phẩm từ đậu nành.
Tuy nhiên, đây là hội chứng hiếm gặp, chỉ ảnh hưởng đến vài trăm người trên toàn thế giới. Với phần lớn mọi người, ăn cá không gây vấn đề gì nếu được chế biến đúng cách.

Những người mắc chứng trimethylaminuria có thể tỏa ra mùi tanh. (Ảnh: Adobe Stock)
Rau
Mặc dù rau là một trong những thực phẩm lành mạnh nhất nhưng vẫn có thể gây ra mùi khó chịu cho một số người. Theo Cleveland Clinic, các loại rau họ cải như bông cải xanh, bắp cải, súp lơ và cải Brussels có thể gây ra mùi cơ thể khi chúng giải phóng axit sulfuric. Chất này không chỉ ảnh hưởng đến hơi thở mà còn có thể thấm qua mồ hôi, tạo nên mùi khó chịu.

Theo Cleveland Clinic, bông cải xanh, bắp cải, súp lơ và cải Brussels có thể gây ra mùi cơ thể khi chúng giải phóng axit sulfuric. (Ảnh: Getty)
Gia vị
Theo chuyên gia dinh dưỡng Erin Palinski-Wade, các loại gia vị như cà ri, thì là hay tỏi tuy giúp món ăn hấp dẫn hơn nhưng cũng có thể gây mùi cơ thể do chứa các hợp chất lưu huỳnh. Khi những hợp chất này được chuyển hóa trong cơ thể, chúng tương tác với vi khuẩn trên da, tạo ra mùi hôi đặc trưng được tiết ra qua mồ hôi.
Ngoài ra, gia vị cay còn có thể khiến cơ thể tiết mồ hôi nhiều hơn, từ đó làm tăng sự khuếch tán của các hợp chất gây mùi ra bên ngoài.

Một số loại gia vị cay có thể làm tăng mùi cơ thể do chứa hợp chất lưu huỳnh và các chất chuyển hóa cụ thể. (Ảnh: Adobe Stock)
Thịt đỏ
Thịt đỏ như bò, lợn chứa nhiều protein. Theo chuyên gia Palinski-Wade, khi các protein này được bài tiết qua tuyến mồ hôi, chúng thường không có mùi. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với vi khuẩn trên da, chúng có thể biến đổi và tạo ra mùi khá nồng.
Một nghiên cứu trước đây cũng cho thấy, những người ăn nhiều thịt đỏ thường có mùi cơ thể kém hấp dẫn hơn so với người ăn chay, theo đánh giá của người đối diện.

Các protein không mùi trong thịt đỏ có thể kết hợp với vi khuẩn trên da, khiến mùi hôi trở nên nồng hơn. (Ảnh: Getty)
Làm sao để cải thiện mùi cơ thể do chế độ ăn?
Không phải ai cũng phản ứng giống nhau với những thực phẩm trên, vì gene và hệ vi sinh đường ruột có thể ảnh hưởng đến mức độ và loại mùi cơ thể phát ra. Chuyên gia Palinski-Wade gợi ý một số điều chỉnh đơn giản giúp cải thiện tình trạng này:
- Giảm thực phẩm giàu lưu huỳnh như tỏi, hành, bắp cải.
- Cắt giảm thịt đỏ và thực phẩm cay, tăng cường các loại thực phẩm làm mát và khử mùi.
- Tăng lượng nước nạp vào cơ thể giúp thải độc hiệu quả hơn.
- Thêm vào khẩu phần ăn các thực phẩm trung hòa mùi như táo, rau lá xanh, sữa chua và trà xanh. Chúng không chỉ giúp cải thiện mùi cơ thể mà còn hỗ trợ lợi khuẩn đường ruột – yếu tố then chốt ảnh hưởng đến “mùi hương tự nhiên” của mỗi người.
Bên cạnh chế độ ăn, các yếu tố như vệ sinh cá nhân, chất liệu quần áo, và thói quen sinh hoạt cũng đóng vai trò quan trọng.
Tắm rửa thường xuyên, sử dụng xà phòng kháng khuẩn, mặc quần áo từ vải cotton thoáng khí và tránh mặc đồ ẩm là những bước cơ bản nhưng hiệu quả. Ngoài ra, việc giữ cơ thể đủ nước, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng và duy trì hoạt động thể chất đều đặn cũng giúp điều hòa mùi cơ thể tốt hơn.
Chuyên gia khuyên: "Không ai hoàn hảo về mùi hương, đó là điều tự nhiên. Nhưng hiểu rõ cơ thể mình phản ứng thế nào với thực phẩm và biết cách điều chỉnh sẽ giúp bạn luôn tự tin trong mọi tình huống".
https://vtcnews.vn/4-loai-thuc-pham-pho-bien-khien-co-the-ban-de-boc-mui-ar954431.html