3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018

Theo Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt 6,71%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp khoảng 3,8%.

3 kich ban tang truong kinh te viet nam nam 2018
Tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,71% - Ảnh: Internet

Nhiều thách thức

NCIF dự báo rằng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực do có nhiều yếu tố thuận lợi như tiếp tục thực hiện cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư; nguồn vốn FDI giải ngân kỷ lục, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ấn tượng năm 2017 sẽ tăng nhu cầu lao động trong năm 2018.

“Đầu tư trực tiếp nước ngoài được hưởng lợi khi có nhiều yếu tố tích cực sẽ hỗ trợ hơn trong năm 2018 về triển vọng kinh tế cũng như cơ hội trong quá trình hội nhập quốc tế, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc”, NCIF nêu.

Tuy nhiên, NCIF cũng cho rằng kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng, hoạt động thương mại và đầu tư.

Nhìn từ bên ngoài, Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do những bất ổn địa chính trị từ các năm trước. Xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch có thể làm tình hình xuất khẩu và thu hút vốn FDI của Việt Nam chậm lại, gián tiếp tác động tới sự tăng trưởng việc làm mới.

Bên cạnh đó, giá dầu và giá các mặt hàng phi nhiên liệu thế giới được dự báo tăng nhẹ trong năm 2018. Chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể xảy ra sẽ tạo sức ép tỷ giá, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu.

Xét các yếu tố nội tại nền kinh tế, tăng trưởng gặp khó khăn khi các động lực tăng trưởng chính của những năm trước không còn mạnh mẽ như sự tiếp tục suy giảm của ngành khai khoáng; chỉ số giá tiêu dùng ngay từ tháng đầu năm đã tăng cao, dự báo CPI năm 2018 sẽ cao hơn năm 2017 có thể tác động đến tâm lý tiêu dùng, làm giảm tiêu dùng tư nhân, củng cố xu hướng tiết kiệm của hộ gia đình.

NCIF cũng cho hay một số chính sách quan trọng về thuế bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018 như Nghị định 125/2017/NĐ-CP của chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hoá và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo đó từ năm 2018 linh kiện ô tô nhập khẩu sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 0%. Để áp dụng thuế suất ưu đãi, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải từ mức 4 và đạt đủ sản lượng theo quy định, linh kiện nhập khẩu phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được. Đây vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Cùng với đó, nhiều rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được gỡ bỏ như “chi phí không chính thức”, “tính năng động của chính quyền”, “tiếp cận đất đai” và “cạnh tranh bình đẳng”. Trong khi đó, tái cơ cấu kinh tế còn chậm, nền tảng kinh tế vĩ mô và một số cân đối lớn chưa vững chắc, nợ công cao, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn.

Ba kịch bản

Từ đó NCIF dự báo năm 2018, bối cảnh kinh tế thế giới tại các quốc gia và khu vực không có quá nhiều biến động, dự kiến tăng trưởng GDP thế giới ở mức 3,65%. Giá cả và thương mại thế giới được dự báo duy trì ở mức ổn định.

Trong nước, quá trình cải cách pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Dự báo kinh tế Việt Nam có thể diễn ra theo những kịch bản sau:

1. Kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất là giả thiết tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức 3,65%; đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ và hiệu quả; điều hành chính sách có cải thiện, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi theo chiều sâu nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và là nền kinh tế nhập siêu; hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành tài chính và tiền tệ tương đối linh hoạt… Khi đó, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,71%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 3,8%.

2. Kịch bản ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được là nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản thứ nhất. Ngoài ra, những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách và điều hành kinh tế, tháo gỡ được những nút thắt của nền kinh tế (như chính sách đất đai, tín dụng, bộ máy hành chính); qua đó đem lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt khoảng 7%, và lạm phát trung bình có thể ở mức 4,8%.

3. Kịch bản thứ 3 tuy không có nhiều khả năng nhưng vẫn có thể xảy ra nếu nền kinh tế Việt Nam gặp những khó khăn, bất lợi như tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn do tác động của biến đổi khí hậu, khu vực khai khoáng tiếp tục giảm sút, tăng trưởng khu vực dịch vụ gặp khó khăn, đặc biệt là dịch vụ du lịch không đạt được tăng trưởng như năm 2017.

Trong khi đó, những giải pháp kích thích tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2017 không đạt hiệu quả ngay mà lại gây áp lực lạm phát gây bất ổn vĩ mô (cùng với việc tiếp tục điều chỉnh các loại giá dịch vụ công như y tế, giáo dục và giá điện).

Khi đó, nếu cộng hưởng thêm những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ thấp hơn năm 2017, khoảng 6,31% trong khi lạm phát có thể tăng trở lại ở mức 4,2% và có thể còn cao hơn tùy thuộc vào hiệu lực điều hành của các chính sách.

3 kich ban tang truong kinh te viet nam nam 2018 Hành động đập nát hoa chiều 30 Tết là sự hằn học \'không ăn thì đạp đổ\'

Kinh tế thị trường là sự lựa chọn, không ai có quyền bắt buộc hay mong muốn người tiêu dùng phải mua sắm Tết, và ...

3 kich ban tang truong kinh te viet nam nam 2018 “Nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng nếu có chiến tranh thương mại”

Với động thái tăng thuế pin năng lượng mặt trời của Mỹ gần đây, nhiều người cho rằng, có khả năng sẽ xảy ra cuộc ...

/ Theo Một thế giới