Ý tưởng phát triển hướng ra biển của TP HCM có từ 20 năm trước thông qua Cần Giờ, nhưng đến nay tiềm năng vùng đất này chưa được "đánh thức".
Ngày 29/12/1978, theo kiến nghị của TP HCM, huyện Duyên Hải (nay là Cần Giờ) tỉnh Đồng Nai sáp nhập vào thành phố theo Nghị định của Quốc hội khóa IV. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng với vùng đất này sau thời gian thăng trầm về địa giới hành chính từ năm 1872. Huyện là địa phương duy nhất TP HCM giáp biển (23 km), cách trung tâm thành phố chừng 50 km.
Từ khi thuộc về TP HCM, chính quyền thành phố chỉ đạo Ty Lâm nghiệp (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cùng Lực lượng Thanh niên xung phong trồng lại rừng ngập mặn ở Cần Giờ. Sau hơn 4 năm, màu xanh rừng đước bao phủ 38.000 ha đất của huyện. Ngày 21/1/2000, rừng ngập mặn tại đây được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Trước năm 1983, giao thông đường thủy là phương tiện chủ lực của Duyên Hải - Cần Giờ. Huyện lúc này chỉ có 13 km đường bộ. Năm 1984, thành phố bắt đầu làm đường Nhà Bè - Duyên Hải (nay là đường Rừng Sác - Cần Giờ). Ngày 29/4/1986, tuyến đường dài 36 km, rộng 8 m khánh thành. Được nâng cấp vào năm 2011 với tổng vốn hơn 1.500 tỷ đồng, đến nay đây là trục đường quan trọng nhất nối trung tâm thành phố với huyện ven biển.
Theo nguyên Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân, việc xây dựng tuyến đường nói trên góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông và phát triển TP HCM về phía nam. Cung đường rút ngắn thời gian đi lại, nối kết khu vực trung tâm với Cần Giờ hướng ra biển. Đây là công trình mang tính đòn bẩy, tạo đột phá phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Ý tưởng phát triển TP HCM hướng ra biển không phải mới mà có từ cách đây hai thập kỷ. Năm 2002, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người nhiều năm dành tâm huyết cho bảo vệ và phục hồi rừng Cần Giờ, đã có phân tích lợi ích khi phát triển vùng đất ven biển thành khu đô thị du lịch, giải trí.
Trong thư gửi lãnh đạo TP HCM thời điểm đó, ông khẳng định khu đô thị này không chỉ đẳng cấp trong nước mà mang "tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Có thể so sánh Langkawi của Malaysia, Pattaya của Thái Lan hay Bali của Indonesia". "Về mặt tiềm năng, Quảng Ninh, Kiên Giang không thể so sánh với thành phố, vấn đề là đánh thức, khơi dậy tiềm năng dồi dào này. Đây là bài toán cho các nhà quản lý", cố Thủ tướng viết.
Một góc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, tháng 4/2021. Ảnh: Hữu Khoa |
Tiến ra biển cũng là một trong hai hướng phát triển chính của TP HCM tại Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt năm 2010. Trên thực tế, hơn 20 năm qua TP HCM tổ chức quy hoạch, xây dựng hạ tầng, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư theo định hướng phát triển TP HCM tiến ra Biển Đông.
Có thể kể một số dự án quy mô lớn, như: khu chế xuất Tân Thuận (khởi công năm 1991, rộng 300 ha); khu đô thị Phú Mỹ Hưng (khởi công năm 1996, quy mô 750 ha); khu công nghiệp Hiệp Phước (thành lập năm 1996, rộng 1.700 ha), dự án nạo vét tuyến luồng sông Soài Rạp, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng đường thủy phía Nam TP HCM (kinh phí nạo vét là 2.800 tỷ đồng); dự án cảng container Tân Cảng - Hiệp Phước...
Ngày 12/6/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ diện tích gần 3.000 ha, tổng mức đầu tư 217.000 tỷ đồng. Siêu dự án này được kỳ vọng là đòn bẩy, đánh thức tiềm năng Cần Giờ mà TP HCM ấp ủ nhiều năm.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Cần Giờ đầu tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong tái khẳng định quyết tâm "đánh thức tiềm năng Cần Giờ và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng khu dự trữ sinh quyển". "Cần Giờ có biển, rừng, núi và cả đảo, diện tích xấp xỉ Singapore, tương lai là thành phố biển nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái", ông nói.
Phát triển kinh tế Cần Giờ chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nông dân ở huyện thu hoạch muối, tháng 4/2021. Ảnh: Hữu Khoa. |
GS.TSKH Hoàng Văn Huây, nguyên thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng phát triển kinh tế biển và cảng, chuỗi đô thị ở Cần Giờ là hướng đi đúng đắn, lâu dài, góp phần đảm bảo an ninh khu vực. Tuy nhiên, việc đầu tư ở đây cần áp dụng những công nghệ hiện đại nhất. "Ở huyện Cần Giờ nên phát triển đô thị zero carbon thấp để không tác động xấu khu dự trữ sinh quyển", ông Huây nói.
Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng thành phố có thể phát triển kinh tế biển ở Cần Giờ, nhưng không nên xem đây là hướng chủ đạo tăng trưởng đô thị. Bởi trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vùng ven biển Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long được coi là một trong 10 khu vực có nguy cơ thiệt hại do tập trung đông dân cư.
Ông Sơn cho hay TP HCM chỉ nên đẩy mạnh kinh tế biển ở Cần Giờ trong lĩnh vực không cần nhiều dân số như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch biển, ngư nghiệp... Nếu quyết định tăng dân số về Cần Giờ, khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thành phố sẽ tốn kém kinh phí rất lớn làm đê bao cả khu đô thị, nâng nền các tuyến giao thông.
Cũng theo chuyên gia quy hoạch này, tăng trưởng về phía biển của TP HCM còn có điểm khác với các tỉnh, thành lân cận vì giữa trung tâm thành phố và Cần Giờ tồn tại khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nếu mật độ dân số ở hai đầu tăng cao, trục ở giữa sẽ bị đô thị hóa, khó bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.
"TP HCM đang có lá phổi xanh rất quý ở Cần Giờ, phải tìm cách gìn giữ", ông Sơn nói và cho rằng thành phố cần cẩn trọng, nghiên cứu đa ngành khi xác định dựa vào biển phát triển kinh tế, xây dựng chuỗi đô thị quốc tế.
Hữu Công
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng sau 5 năm thi công
Công trình chống ngập 10.000 đồng đã đạt khoảng 96% khối lượng nhưng ngừng thi công gần nửa năm nay. |
TP HCM được tự quyết định thí điểm buýt điện
Thành phố có thể tham khảo đơn giá đang áp dụng cho buýt điện thí điểm tại Hà Nội, để triển khai các tuyến xe ... |