Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của trận chiến chống Covid-19, 10-15 ngày tới sẽ là giai đoạn sống còn, quyết định thất bại hay thành công.
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, 10-15 ngày tới có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của cuộc chiến phòng chống Covid-19 tại Việt Nam.
Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của trận chiến, là giai đoạn sống còn. Trong giai đoạn này, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao, đỉnh dịch sắp xảy ra nhưng một bộ phận người dân vẫn chủ quan.
Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, 2 tuần tới có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam, là giai đoạn vàng để Việt Nam có thể khống chế dịch Covid-19.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn
Trong giai đoạn trước, Việt Nam đã tổ chức tốt việc ngăn chặn từ xa, kiểm soát tốt việc nhập cảnh, tạm dừng miễn thị thực với các nước, cách ly tất cả công dân từ nước ngoài…
“15 ngày tới cũng là khoảng thời gian để những trường hợp đang ủ bệnh sẽ phát bệnh nên giai đoạn này phải tổ chức phân lọc thật tốt, kiểm soát được tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam, xét nghiệm nhanh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trong lãnh thổ nước ta”, Thứ trưởng Sơn nói.
Trong 2 tuần tới, có thể có thêm nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 được xuất viện, sẽ tạo tâm thế để cả nước bước vào giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh, để khống chế dịch thành công, việc quan trọng nhất là phải tổ chức cách ly thật tốt, cách ly đúng quy trình.
Trong khu cách ly và trong cộng đồng, phải phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm và nghi nhiễm để xét nghiệm sớm và dập dịch triệt để.
Theo Thứ trưởng Y tế, sau 2 tuần, nếu Việt Nam không triển khai các biện pháp cách ly quyết liệt, không kiểm soát tốt người nhập cảnh, khả năng lây nhiễm chéo, lây nhiễm trong cộng đồng rất cao.
Công dân Việt Nam từ nước ngoài làm thủ tục khai báo y tế tại sân bay Nội Bài
“Vừa rồi đã có một số trường hợp lọt ra cộng đồng, trở thành các bệnh nhân siêu lây nhiễm như bệnh nhân số 34, bệnh nhân số 100 vô cùng nguy hiểm cho xã hội”, Thứ trưởng Sơn dẫn chứng.
Do vậy, để đánh thắng trận chiến này, cả hệ thống chính trị phải cùng quyết tâm vào cuộc.
Trước mắt, đến trưa 25/3, các địa phương phải tổng hợp được danh sách tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam trong 2 tuần qua.
Cũng từ 25/3, tất cả các hãng hàng không dừng vận chuyển hành khách là công dân Việt Nam từ nước ngoài đến Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Quyết định này áp dụng đến hết ngày 31/3.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam thông báo đến tất cả các hãng hàng không về việc vận chuyển các hành khách là công dân Việt Nam về nước thì phải có ý kiến của Cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại.
Trong giai đoạn 2 vừa qua (6/3 – 24/3), Việt Nam đã ghi nhận 118 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có tới 80% đi từ nước ngoài về.
Những ngày qua, dù các hãng hàng không Việt Nam đã ngừng bay, nhưng mỗi ngày vẫn có 2.000 – 3.000 người từ nước ngoài nhập cảnh vào nước ta, trong khi đa phần trên các chuyến bay này đều có người nhiễm Covid-19.
Hiện cả nước có hơn 48.000 người đang được cách ly tập trung và cách ly tại nhà.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng đã đề nghị các cơ quan chức năng địa phương thực hiện ngay các biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Mỗi người dân phải đồng lòng, chung tay vào cuộc, nghiêm túc thực hiện các biện pháp đã được hướng dẫn.
Với những trường hợp không chấp hành, cần áp dụng các biện pháp hành chính mạnh mẽ hơn, không chỉ dừng lại ở vận động giáo dục.
Dịch Covid-19: Trung Quốc không có ca mới trong nước, số ca ngoại nhập giảm |
Bốn loại thuốc tiềm năng điều trị Covid-19 |
Bộ Y tế công bố thêm 7 chuyến bay có hành khách mắc bệnh COVID-19 |