Ngày 24.6.2019, chủ đầu tư dự án BOT Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc hỗ trợ công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn quốc lộ 91. Trong đó, chủ đầu tư đã kiến nghị Nhà nước nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư.
Ngày 24.6.2019, chủ đầu tư dự án BOT Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc hỗ trợ công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn quốc lộ 91. Trong đó, chủ đầu tư đã kiến nghị Nhà nước nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư.
Hơn 2 năm lỗ gần 100 tỉ
Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang được thành lập bởi liên danh Tổng Công ty cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi) và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức BOT.
Dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư, với tổng mức đầu tư 1.720.337 triệu đồng. Qua kiểm toán, dự án được xác định giá trị đầu tư 1.651 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 277,4 tỉ đồng. Tính đến thời điểm 31.5.2019, dư nợ của dự án là khoảng 1.204 tỉ đồng.
Chủ đầu tư khẳng định công tác tổ chức thu phí hoàn vốn tại trạm thu phí T2 đúng quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính và Hợp đồng BOT. Quá trình thu phí sau hơn 3 năm, báo cáo tài chính cho thấy dự án đã “âm” 99,2 tỉ đồng.
Trong quá trình khai thác dự án nhiều chủ xe, chủ phương tiện gây rối tại Trạm thu phí T2. Từ tháng 2.2018, liên tục xảy ra tình trạng các phương tiện cố tình dừng lại giữa các làn thu phí gây ùn tắc, mất an toàn giao thông và an ninh trật tự. Đặc biệt từ sau khi cầu Vàm Cống khánh thành (ngày 19.5.2019), tình trạng trên càng trở nên nghiêm trọng và nằm ngoài tầm kiểm soát. Mặc dù vậy, theo thoả thuận tại Hợp đồng BOT cũng như pháp luật hiện hành lại chưa có chế tài, quy định xử lý đối với các trường hợp này.
Sau các dự cố, thực hiện chỉ đạo từ cơ quan chức năng, chủ đầu tư đã phải xả trạm T2 từ 25.5.2019.
Theo chủ đầu tư, dự án phải dừng thu phí tại Trạm T2 đã dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, nếu không có phương án xử lý sớm (trong tháng 6.2019) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền hoàn vốn và kế hoạch trả nợ ngân hàng dẫn đến nguy cơ chuyển nhóm nợ xấu là rất cao. Mặt khác, việc dừng thu phí tại Trạm T2 cũng đã tạo nên hiệu ứng dây chuyền đối với nhiều trạm thu phí BOT trên cả nước theo hướng tiêu cực: Cứ gây rồi thì sẽ dừng thu phí.
Xin trả lại cho Nhà nước
Với thực trạng trên, Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan có phương án nhận lại dự án, hoàn trả chi phí đầu tư để có nguồn trả nợ ngân hàng, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến người lao động.
Trong trường hợp Chính phủ không có phương án nhận lại dự án thì để đảm bảo duy trì thực hiện Hợp đồng BOT theo đúng thoả thuận đã được ký kết giữa Nhà đầu tư và Chính phủ (Bộ GTVT), đề nghị Chính phủ có phương án hỗ trợ dự án phần chi phí giải phóng mặt bằng (khoảng 400 tỉ đồng) và chỉ phí xây dựng QL91B (khoảng 480 tỉ đồng), dự án chỉ thu phí tại Trạm T1 để hoàn vốn chi phí đầu tư xây dựng QL9I.
Theo chủ đầu tư, dự án thu phí theo hình thức thu hở, do đó không thể đảm bảo sự công bằng tuyệt đối cho người sử dụng, một số phương tiện di chuyển trên phần lớn phạm vi dự án nhưng không qua Trạm thì không phải trả phí, trong khi có những phương tiện chỉ di chuyển trên một quãng đường ngắn lại phải trả phí. Bộ GTVT đã chỉ đạo giảm giá cho các phương tiện của các hộ dân có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận Trạm T1 và T2 và các phương tiện sử dụng quãng đường ngắn thuộc TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang; nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục cho giảm giá thêm đối với các phương tiện thuộc tỉnh Đồng Tháp tương tự trường hợp của tỉnh Kiên Giang.
Vì sao trạm T2 BOT QL91 phải xả trạm dài ngày? Sau khi cầu Vàm Cống chính thức khánh thành đưa vào hoạt động từ hôm 19.5, tại trạm thu phí T2 của dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 đoạn Cần Thơ - An Giang liên tục bị tài xế phản đối dẫn đến trạm T2 buộc phải đóng/mở liên tục. Theo đó, lý do tài xế phản đối trạm thu phí T2 vì đặt sai vị trí, mà cụ thể khi phương tiện từ tỉnh An Giang lưu thông về hướng Rạch Giá (Kiên Giang) hoặc qua cầu Vàm Cống về TPHCM đều phải qua trạm thu phí T2 và buộc phải trả phí cho dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91, dù quãng đường thực tế phương tiện đi qua dự án chỉ khoảng 300m. Ngày 23.5, Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã có cuộc họp với Sở GTVT TP Cần Thơ, tỉnh An Giang và Đồng Tháp, đặt ra vấn đề về việc di dời Trạm T2, nhưng các thành phần dự họp đều cho rằng phương án này không khả thi, tốn kém. Ngày 25.5.2019, Tổng cục đường bộ quyết định dừng thu phí trạm T2 cho tới nay vẫn chưa có phương án thay thế. |