Theo chuyên gia, giá vàng trong nước sẽ hạ nhiệt, giảm khoảng cách với giá vàng thế giới sau khi một lượng vàng lớn được Ngân hàng Nhà nước đấu thầu sáng nay 22/4.
Trả lời PV VTC News, chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Ngô Trí Long nhận định: “Giá vàng trong nước chắc chắn vẫn biến động theo giá thế giới nhưng ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán đấu thầu, khoảng cách giữa hai thị trường sẽ được co lại. Đây cũng chính là mục tiêu của việc đấu thầu vàng".
Ông Long phân tích thêm, trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng rất cao, giá vàng trong nước bắt buộc phải biến động theo. Trong nền kinh tế hội nhập, giá vàng trong nước phải liên thông với giá thế giới. Dù vậy, hiện nay giá vàng trong nước đang chênh lệch quá xa so với giá vàng thế giới, có lúc cao hơn đến 20 triệu đồng/lượng.
NHNN đấu thầu vàng sẽ giúp chênh lệch giá trong nước và thế giới co lại. (Ảnh minh họa).
Một trong những nguyên nhân cơ bản là do cung - cầu mất cân đối, cung không đáp ứng được cầu. Theo Nghị định 24 thì Việt Nam hầu như không nhập vàng, không tung vàng ra thị trường. Trong nước lại chỉ có 1 thương hiệu vàng SJC.
Để giải quyết tình trạng mất cân đối cung cầu, làm dịu giá vàng trong nước thì trước mắt phải tăng cung. Lượng vàng hôm nay đấu thầu là 16.800 lượng, tương đương khoảng hơn 600kg vàng, sẽ giải quyết nhanh chóng nhu cầu thị trường. Từ đó kéo giá trong nước về gần giá thế giới.
"Chúng ta đã từng có kinh nghiệm về tổ chức, đấu thầu. Năm 2013, NHNN cũng tung vàng ra đấu thầu trong 76 phiên với tổng lượng vàng hơn 1,9 triệu lượng và thực tế hấp thụ được trên 1,8 triệu lượng", ông Long dẫn chứng.
Tuy nhiên, ông Long khẳng định, qua hoạt động đấu thầu, giá vàng trong nước sẽ giảm dần, chứ không thể giảm sâu cùng một lúc. "Quan trọng là NHNN tung ra bao nhiêu vàng, tổ chức đấu giá bao nhiêu phiên. Bởi thực chất chúng ta cũng chưa tìm hiểu rõ được nhu cầu về vàng ở thị trường Việt Nam cần bao nhiêu”, ông nói.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam cũng đánh giá, đấu thầu vàng là một trong những giải pháp để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC.
Theo ông Khánh, để hạ "cơn sốt” giá vàng hiện nay, đấu thầu vàng miếng là biện pháp cần thiết, chắc chắn sẽ giúp giảm được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, việc NHNN đấu thầu vàng chắc chắn sẽ tác động tới nguồn cung và giá vàng: "Hiện tại, nguồn cung hạn chế và sức cầu tăng cao, tạo nên sự bất ổn trên thị trường vàng, đẩy giá lên cao. Khi NHNN đấu thầu, đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông chắc chắn sẽ làm giá vàng giảm".
Tương tự, GS.Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, qua vài lần đấu thầu, giá vàng sẽ hạ nhiệt. Khi đó, NHNN sẽ không cần phải áp dụng biện pháp đấu thầu để điều tiết thị trường nữa, chỉ cần cơ chế cấp hạn ngạch nhập khẩu đối với thị trường để doanh nghiệp kinh doanh vàng có nguồn nguyên liệu sản xuất, kinh doanh.
Không phải giải pháp dài lâu
Tuy đánh giá cao việc NHNN đấu thầu vàng nhưng các chuyên gia cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế để bổ sung nguồn cung nhanh nhất ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý.
PGS.TS. Ngô Trí Long phân tích: “Hiện nay trên thị trường vàng có vàng miếng, vàng trang sức là vàng vật chất. Vàng phi vật chất là vàng tài khoản và vàng kỳ hạn. Hiện chúng ta chỉ chú trọng đến vàng vật chất là vàng SJC để tung ra.
Người Việt Nam có tâm lý mua vàng để tích trữ, song cũng không ít người tận dụng cơ hội để đầu cơ. Nếu đưa vàng vật chất ra đấu thầu mà không chú ý đến vàng tài khoản, đồng thời không tiếp tục nhập vàng nguyên liệu sẽ dẫn đến việc những người có tâm lý đầu cơ đổ xô vào vàng vật chất.
Điều này gây nguy cơ vàng hóa, đồng thời làm hao hụt dự trữ quốc gia. Từ đó, mục tiêu chống vàng hóa khó thực hiện, còn tạo điều kiện cho giới đầu cơ mua vàng với kỳ vọng tăng lợi nhuận khi giá thế giới được dự báo còn tiếp tục tăng ”.
Các chuyên gia nhận định, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế. (Ảnh minh họa)
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, việc đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp có thể tạo ra tác động tâm lý trong ngắn hạn.
Xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại, đó là giải pháp căn cơ và theo thông lệ quốc tế. Tức là sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng biện pháp đơn giản nhất là cho phép công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện được xuất nhập khẩu vàng.
NHNN sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng vào 10h sáng 22/4 tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Tổng khối lượng vàng dự kiến đấu thầu đợt này là 16.800 lượng.
Vàng miếng được đấu là vàng SJC do NHNN tổ chức sản xuất.
Theo quy chế đấu thầu, vàng miếng sẽ được đấu thầu theo giá, tỷ lệ đặt cọc là 10%, giá tham chiếu để tính giá trị cọc là 81,8 triệu đồng/lượng.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu của mỗi thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng), khối lượng đấu thầu tối đa là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).
Bước giá dự thầu nhà điều hành đưa ra là 10.000 đồng/lượng, trong khi bước khối lượng dự thầu là 1 lô (tương đương 100 lượng).
Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố. Giờ thanh toán tiền mua vàng là trước 16h ngày tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thanh toán tiền cho NHNN.