Dù đã lên kế hoạch huy động 153 người cưỡng chế trại gà nhưng UBND xã Tiên Phương vẫn lo sợ xảy ra chuyện người dân cởi đồ để phản đối.
Theo bản kế hoạch số 126 ngày 4/10, xã huy động lực lượng tham gia cưỡng chế gồm 153 người, trong đó nhân sự huy động từ huyện Chương Mỹ là 89 người, nhân sự tại chỗ 64 người.
Trại gà của ông Vũ Huy Cường bị xã lên kế hoạch cưỡng chế |
Những người được huy động thuộc các cơ quan, ban ngành của UBND huyện Chương Mỹ, gồm: Công an, TN&MT, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch, Thanh tra, Quản lý đô thị, Kinh tế, LĐ-TBXH, Ban Tiếp công dân, Quản lý thị trường và đô thị, Trung tâm y tế, Trung tâm VHTT&DL và đầy đủ các ban ngành của xã.
Tổng số vật nuôi bị cưỡng chế ra khỏi khu vực là 12.000 con gà.
Ngoài phương án về nhân lực, bản kế hoạch cưỡng chế của UBND xã Tiên Phương cũng chi tiết các khoản kinh phí, phương tiện để thực thi công vụ. Theo đó, mỗi thành viên tham gia cưỡng chế được hỗ trợ tiền ăn trưa 100 ngàn đồng/ngày.
Kinh phí huy động thực hiện cưỡng chế là 61,73 triệu đồng được trích từ ngân sách xã, chi phí thuê bắt gà là 12 triệu đồng.
UBND xã đưa ra 6 tình huống có thể xảy ra khi gia đình bị cưỡng chế tài sản phản ứng đối với lực lượng thi hành.
Trong đó có tình huống huy động người bao vây, tụ tập đông người tại lối ra vào của trại gà; tình huống khóa cổng, cửa nhà kho, nhà bảo vệ… rồi bỏ đi không quản lý hoặc ở bên ngoài cản trở, thách đố, chống đối lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ; tình huống để các vật dụng dễ cháy nổ như bình gas, can xăng, vật liệu nổ…; tình huống nhờ các cơ quan báo đài quay phim chụp ảnh, ghi hình, mời luật sư tham gia… gây khó khăn cho việc cưỡng chế…
Trại gà của gia đình ông Vũ Huy Cường |
Thông tin tại kế hoạch số 126, UBND xã Tiên Phương cho biết: Chủ trại gà Vũ Huy Cường thuê gần 4.500m2 đất công ích tại khu Đồng Mông (thôn Quyết Tiến).
Hợp đồng thuê đất có thời hạn từ tháng 1/2011 đến tháng 10/2013, mục đích sản xuất nông nghiệp (canh tác, trồng hoa màu).
Lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế trại gà ngày 25/10. Ảnh do người dân cung cấp |
Năm 2013, xã tiến hành dồn điền đổi thửa, đã thanh lý hợp đồng thuê đất với hộ ông Cường, yêu cầu phải bàn giao lại đất cho xã.
Ngày 7/11/2013 là thời hạn cuối, ông Cường vẫn không chấp hành việc tháo dỡ, di chuyển tài sản, cây trồng trên đất khiến thôn không có đất để giao ruộng cho 6 hộ dân, xảy ra tình trạng đơn thư kiến nghị kéo dài.
UBND xã Tiên Phương đã nhiều lần gửi thông báo yêu cầu ông Cường thực hiện nhưng không nhận được sự hợp tác.
Trước đó, vào năm 2018, UBND xã Tiên Phương đã tổ chức cưỡng chế trại gà này song chưa thực hiện do có văn bản số 3456 của Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị tạm dừng để thành lập tổ kiểm tra, xác minh các nội dung đơn thư tố cáo của công dân.
Ngày 7/6/2019, UBND huyện Chương Mỹ 1 lần nữa gửi văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT đề xuất được cưỡng chế công trình vi phạm của gia đình ông Cường.
Việc cưỡng chế trại gà 12.000 con nói trên đã diễn ra trong 2 ngày (24 - 25/10). Không có tình huống giả định nào xảy ra như bản kế hoạch mà UBND xã lên phương án.
Ông Tâm được phân công nhiệm vụ làm Tổ trưởng của tổ 2 gồm 69 người làm nhiệm vụ bảo vệ, cưỡng chế vòng trong.