- Mỹ chùn tay trước hiệp ước an ninh Nga - Triều Tiên?
- Giữa lúc căng thẳng với Hàn Quốc, Triều Tiên tuyên bố tuyển thêm hơn một triệu lính
- Triều Tiên tuyên bố cắt đứt hoàn toàn tuyến đường bộ và đường sắt tới Hàn Quốc
Truyền thông Triều Tiên ngày 16/10 đưa tin, khoảng 1,4 triệu thanh niên nước này đã nộp đơn xin gia nhập hoặc quay trở lại quân đội trong tuần này, động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng phá hủy một số đoạn trên hai tuyến đường kết nối hai miền Triều Tiên, làm dấy lên quan ngại về căng thẳng leo thang.
Quan hệ liên Triều đã rơi xuống mức thấp nhất với những động thái mới đây từ cả hai bên. Ngày 15/10, Triều Tiên đã phá hủy một số đoạn trên hai tuyến đường Gyeongui và Donghae, vốn là những tuyến đường bộ và đường sắt nối hai miền Triều Tiên chạy theo sườn phía Tây và phía Đông Bán đảo Triều Tiên. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cực lực lên án động thái của Triều Tiên.
Phát ngôn viên bộ này, ông Koo Byoung-Sam, khẳng định: "Những gì Triều Tiên đã làm, cho nổ tung các tuyến đường liên Triều - tuyến Gyeongui và tuyến Donghae, là một sự vi phạm rõ ràng đối với thỏa thuận liên Triều. Chúng tôi coi đó là một hành động rất bất thường. Và chính phủ Hàn Quốc lên án mạnh mẽ hành động này. Triều Tiên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ nổ cắt đứt tuyến đường bộ và đường sắt liên Triều". Ngày 15/10, Hàn Quốc tuyên bố 11 khu vực thuộc biên giới liên Triều là "khu vực nguy hiểm". Việc chỉ định các khu vực như vậy là biện pháp để bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân ở các khu vực biên giới, theo các quan chức Hàn Quốc.
Việc kết nối đường sắt và đường bộ trên các tuyến Gyeongui-Donghae được coi là biểu tượng cho tiến trình hòa giải và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên nhiều năm qua. Giới chuyên gia nhận định, với động thái phá hủy các tuyến đường này, Triều Tiên đang muốn gửi đi thông điệp rõ ràng cho thấy nước này không còn sẵn sàng đàm phán với Hàn Quốc.
Ông Yang Moo-jin, Hiệu trưởng Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul nhận định đây là một biện pháp quân sự thực tế, liên quan đến hệ thống hai nhà nước "thù địch" mà Triều Tiên thường xuyên đề cập. Với những gì đang diễn ra ở Bán đảo Triều Tiên, có thể thấy mức độ căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đang bị đẩy lên rất cao. Triều Tiên thậm chí còn cảnh báo sẽ tiến hành một cuộc tấn công bằng pháo binh quy mô lớn để trả đũa việc "máy bay không người lái của Hàn Quốc xâm nhập địa phận Bình Nhưỡng".
Đáng chú ý, như một dấu hiệu khác của việc Triều Tiên tăng cường quân sự, khoảng 1,4 triệu thanh niên nước này đã ký đơn xin gia nhập quân đội, "quyết tâm chiến đấu trong một cuộc chiến tranh thiêng liêng nhằm tiêu diệt kẻ thù bằng vũ khí của cuộc cách mạng", Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin ngày 16/10.
Trong bản tin, KCNA cho biết "nếu chiến tranh nổ ra, Hàn Quốc sẽ bị xóa sổ khỏi bản đồ, chúng tôi sẵn sàng chấm dứt sự tồn tại của họ nếu họ muốn chiến tranh". Trước đây, Triều Tiên từng đưa ra những tuyên bố tương tự về việc những người trẻ tuổi nhập ngũ vào thời điểm căng thẳng gia tăng. Năm ngoái, phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, 800.000 công dân tình nguyện tham gia quân đội để đối đầu với Mỹ. Năm 2017, Bình Nhưỡng cũng tuyên bố rằng gần 3,5 triệu công nhân, đảng viên và thanh niên nước này đã tình nguyện tòng quân. Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Triều Tiên có 1,28 triệu quân nhân tại ngũ và khoảng 600.000 quân dự bị, với 5,7 triệu quân dự bị Hồng vệ binh Công-Nông trong số nhiều đơn vị không vũ trang.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không bình luận về việc hơn một triệu người trẻ Triều Tiên đăng ký tham gia quân ngũ như KCNA báo cáo, nhưng đã đưa ra cảnh báo cứng rắn rằng nếu Triều Tiên gây tổn hại đến sự an toàn của người dân Hàn Quốc, ngày đó sẽ là ngày kết thúc của nước này.
Trong nỗ lực hạ nhiệt tình hình phức tạp trên Bán đảo Triều Tiên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: "Là một quốc gia láng giềng, Trung Quốc theo dõi sát những diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên và quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên không có lợi cho bất kỳ bên nào và ưu tiên bây giờ là tránh bất cứ hành động có thể khiến căng thẳng gia tăng hơn nữa. Trung Quốc cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và sẽ không thay đổi lập trường của mình về giải quyết căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên bằng con đường chính trị. Chúng tôi cũng hy vọng tất cả các bên có thể nỗ lực vì mục tiêu này". Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko thì tuyên bố Nga sẽ hỗ trợ quân sự cho Triều Tiên nếu nước này bị tấn công, căn cứ theo quy định trong hiệp ước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Triều Tiên.
Đầu năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Hàn Quốc là "kẻ thù chính" và cho biết việc thống nhất không còn khả thi nữa. Kể từ đó, Triều Tiên đã có những bước đi nhằm cắt đứt quan hệ liên Triều. Trên thực tế, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh sau khi cuộc chiến 1950-1953 giữa hai bên kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, chứ không phải một hiệp ước hòa bình. Hai nước láng giềng cũng đã xung đột gay gắt về những quả bóng bay chở rác được thả từ Triều Tiên kể từ tháng 5, điều mà Bình Nhưỡng cho là để đáp trả những tờ rơi chống lại nước này được thả từ Hàn Quốc.