Bà Nguyen Thi Loan Phuong bị trục xuất cùng 46 người Việt khác, để lại chồng và con trai trong tình cảnh khó khăn ở Nhật Bản.
Kyodo News hôm 26/8 cho hay theo các tài liệu và thông tin từ Bộ Tư pháp Nhật Bản mà hãng thông tấn này có được, hàng chục thành viên thuộc 12 gia đình người Việt đã bị chính phủ trục xuất hồi tháng hai.
Trong số này có ông Hoang Van Hiep, 52 tuổi, được Nhật Bản công nhận là người tị nạn. Ông đang sống cùng con trai 5 tuổi, sinh ra ở nước này, sau khi vợ là bà Nguyen Thi Loan Phuong, 46 tuổi, bị trục xuất.
Ông Hoang Van Hiep rửa bát tại nhà ở Isesaki, tỉnh Gunma, hồi tháng 7. Ảnh: Kyodo News
Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, việc trục xuất 46 người Việt, tuổi từ 8 đến 49, diễn ra ngày 8/2 trên một chuyến bay từ Tokyo về Hà Nội. Những người này đã lưu trú bất hợp pháp ở Nhật Bản tới hơn 21 năm.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, bà Phuong kể rằng tại Cục Di trú khu vực Tokyo, các quan chức đã kéo con trai ra khỏi bà và đưa cậu bé đi. Bà bị giam giữ khoảng một tuần trước khi bị đưa về nước.
"Con trai tôi khóc. Tôi không thể quên được tiếng khóc của thằng bé", bà nói.
Ông Hiep, người làm việc từ 20h đến 5h sáng hôm sau tại một nhà máy sản xuất mỳ gói ở tỉnh Gunma, cho biết ông phải vật lộn để nuôi con trai vì không có vợ trợ giúp. Vợ ông trước đó từng bị trục xuất khỏi Nhật Bản và quay lại đây năm 2007 bằng hộ chiếu của chị gái rồi kết hôn với ông.
Ông Hiep cho hay việc trở về Việt Nam đoàn tụ với vợ là không thể vì ông là một người tị nạn và con trai chỉ biết nói tiếng Nhật. "Vợ tôi rõ ràng đã vi phạm luật di trú nhưng bà ấy rất hối hận", ông nói. "Tất cả những gì tôi muốn chỉ là sống cùng vợ con".
Những người Nhật Bản ủng hộ lao động nước ngoài lên án việc ly tán gia đình của chính phủ, cho rằng Nhật Bản không khác gì Mỹ khi khiến hàng nghìn trẻ em bị tách khỏi cha mẹ.
"Trên cơ sở nhân đạo, chính phủ nên cấp giấy phép cư trú đặc biệt cho những người bất hợp pháp đã sống cùng gia đình ở Nhật Bản suốt một thời gian dài", Motoko Yamagishi, tổng thư ký Mạng lưới Đoàn kết với Người nhập cư Nhật Bản, nói.
Một áp phích thông tin về việc xin tị nạn gần quầy soát hộ chiếu của văn phòng di trú sân bay quốc tế Narita, Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP
Số người sinh sống bất hợp pháp ở Nhật Bản tăng lên từ những năm 1980 khi họ đến đây làm việc trong các nhà máy và công trình xây dựng rồi quyết định định cư và lập gia đình. Những người ủng hộ cho rằng người nhập cư góp phần lớn giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ở Nhật Bản.
Trong một thông cáo mới được đưa ra, Bộ Tư pháp nước này cho biết theo luật pháp quốc tế, một quốc gia được phép tự do quyết định có chấp nhận người nước ngoài hay không và những điều kiện cần có để họ được chấp nhận.
Nhật Bản dùng các máy bay thuê và còng tay để trục xuất các nhóm người nước ngoài sau khi họ từ chối tuân thủ lệnh hồi hương. Sau lần đầu tiên áp dụng biện pháp này năm 2013 với 75 người Philippines, Nhật Bản thực thi việc trục xuất 1-2 lần mỗi năm tài khóa, dù các tiêu chuẩn để lựa chọn người trục xuất không được công bố. Các vụ trục xuất trước đây cũng khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh ly tán.
Một du khách trẻ bị phạt và trục xuất vì nói dối cảnh sát
Một khách du lịch trẻ người Malaysia phải đóng khoản tiền phạt 10.000 baht (7 triệu đồng) và bị trục xuất khỏi lãnh thổ Thái ... |
Mỹ có thể đã trục xuất 463 bố mẹ nhập cư bị chia cắt với con
Sự vắng mặt của hàng trăm người nhập cư trái phép có thể ảnh hưởng tới nỗ lực đoàn tụ các gia đình bị chia ... |
Trump đòi trục xuất thẳng tay dân nhập cư trái phép
Tổng thống Trump ngày 25/6 đề xuất tất cả người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ cần bị trục xuất ngay về quê nhà ... |