Elon Musk, người đứng đầu kế hoạch của ông Trump nhằm thu hẹp chính phủ liên bang, sẽ lần đầu tiên cập nhật về lộ trình này sau 11 ngày thực hiện các động thái.
Theo Reuters, tỷ phú Elon Musk, người đứng đầu kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thu hẹp chính phủ liên bang, sẽ cập nhật về lộ trình này vào sáng 3/2 (giờ địa phương).
Từ khi chính quyền mới tiếp quản, ông Musk và đội nhóm Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) thực hiện hàng loạt động thái nhằm cắt giảm ngân sách, được trao quyền tiếp cận với nhiều cơ quan chính phủ. Điều gây phản ứng gần đây nhất cho rằng tỷ phú này được tiếp cận thông tin của một hệ thống thanh toán quan trọng tại Bộ Tài chính Mỹ, liên quan đến dữ liệu tài chính nhạy cảm của hàng triệu người Mỹ.
Tỷ phú Elon Musk.
DOGE đã làm những gì từ khi ông Trump nhậm chức?
Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) là một tổ chức tạm thời được Tổng thống Donald Trump thành lập thông qua một sắc lệnh hành pháp. Mặc dù có tên như vậy, DOGE không phải là một bộ hành pháp liên bang, vì việc chỉ định như vậy sẽ cần sự chấp thuận của quốc hội.
Vào ngày đầu tiên của chính quyền ông Trump, nhóm của ông Musk tiếp quản Dịch vụ Kỹ thuật số Mỹ, một đơn vị trong văn phòng điều hành của tổng thống và đổi tên thành "Dịch vụ DOGE Mỹ". Khoảng 200 nhân viên của dịch vụ này có thể bị sa thải.
Một trong những động thái quan trọng của DOGE gần đây bao gồm việc tiếp cận các hệ thống thanh toán nhạy cảm của Bộ Tài chính Mỹ. Hệ thống này quản lý việc giải ngân cho các chương trình an sinh xã hội, y tế Medicare và trả lương liên bang. Việc tiếp cận này đã làm dấy lên mối lo ngại về bảo mật dữ liệu và khả năng sử dụng sai thông tin.
Theo sứ mệnh cắt giảm chi tiêu của chính phủ, DOGE công bố kế hoạch đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), với lý do hoạt động kém hiệu quả không thể khắc phục được. USAID, đơn vị đã giải ngân 72 tỷ USD vào năm 2023 cho nhiều nỗ lực nhân đạo khác nhau, là một thành phần quan trọng trong chính sách viện trợ nước ngoài của Mỹ. Động thái này phù hợp với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền nhưng đã làm dấy lên lo ngại về tác động đến các chương trình viện trợ toàn cầu.
DOGE cũng tham gia vào việc chấm dứt các sáng kiến về sự đa dạng, công bằng, hòa nhập và tiếp cận (DEIA) của liên bang, dẫn đến việc sa thải nhiều công chức có liên quan đến các sáng kiến này. Những người chỉ trích cho rằng điều này làm suy yếu bản chất phi chính trị của các dịch vụ dân sự và phá vỡ hoạt động của chính phủ.
Phó Tổng thống JD Vance nêu bật vai trò của DOGE trong việc tinh giản bộ máy quan liêu và đảm bảo chính phủ phản ứng với các chỉ thị của tổng thống. Ông nhấn mạnh rằng ngoài việc tiết kiệm chi phí, thành tựu đáng kể của DOGE bao gồm việc dừng các khoản tài trợ trái phép, chẳng hạn như khoản phân bổ 37 triệu USD dành cho Tổ chức Y tế Thế giới, được cho là vi phạm một lệnh hành pháp.
Những hành động của DOGE thúc đẩy các cuộc tranh luận về sự cân bằng giữa hiệu quả và việc duy trì các dịch vụ và chương trình thiết yếu.
Theo sứ mệnh cắt giảm chi tiêu của chính phủ, DOGE công bố kế hoạch đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
"Ngã ba đường"
Hôm 24/1, bốn ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, tỷ phú Elon Musk xuất hiện tại Văn phòng Quản lý nhân sự liên bang (OPM) để yêu cầu lập danh sách các giám đốc công nghệ thông tin liên bang (CIO), những người phụ trách các chính sách về sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức liên bang.
Cùng nhóm thân tín, ông Musk quyết tâm để lại dấu ấn nhanh chóng. Chưa bao giờ trong thời hiện đại, một người giàu có như vậy lại đóng vai trò thực tế như vậy trong chính phủ Mỹ, với sự hiện diện ở khắp Washington.
Vào ngày đầu tiên, Tổng thống Trump trao cho DOGE thẩm quyền thực hiện kế hoạch cắt giảm quy mô lực lượng lao động liên bang, cùng nhiều việc khác. Musk sau đó gần như lặp lại các chiến thuật mà ông đã triển khai tại Twitter, công ty mà ông mua lại vào năm 2022: Bổ nhiệm một số giám đốc điều hành trong khi cắt giảm 80% nhân sự.
Một số trợ lý hàng đầu của ông Musk đã được đảm nhiệm các vai trò cố vấn cấp cao tại Văn phòng Quản lý nhân sự. Đồng minh có quyền lực nhất của ông Musk tại Văn phòng Quản lý nhân sự là Anthony Armstrong, một chuyên gia công nghệ hàng đầu tại Morgan Stanley, người đã làm việc trong thương vụ mua lại Twitter của tỷ phú này năm 2022.
Ông Musk dường như thậm chí tiếp quản cả bộ phận truyền thông nội bộ. Đến tối 28/1, một email từ Văn phòng Quản lý nhân sự được gửi đến cho khoảng hai triệu nhân viên liên bang, đưa ra cho họ lời đề nghị từ chức và được trả lương đến hết tháng 9, với dòng tiêu đề: "Ngã ba đường" (Fork on the Road). Đây cũng là dòng tiêu đề mà ông Musk sử dụng để khuyến khích nhân viên Twitter từ chức vào tháng 11/2022.
Hầu hết những người mà ông Musk đưa đến Washington đều là những kỹ sư trẻ không biết ông nhưng đã đăng ký làm việc 80 giờ một tuần và đang được triển khai tại các cơ quan liên bang.
Khi được hỏi ông Musk có làm tốt công việc của mình không, ông Trump gật đầu. "Ông ấy là người cắt giảm chi phí rất tốt. Đôi khi chúng tôi không đồng ý với những điều ông ấy làm. Nhưng tôi nghĩ Ông ấy đang làm rất tốt".
Cách tiếp cận cắt giảm chi phí theo kiểu "cắt giảm trước, sửa sau" của Musk dường như có chủ đích trong suốt sự nghiệp của ông. Hiện một số động thái ban đầu của chính quyền ông Trump (với dấu ấn lớn của Musk) nhằm đóng băng nguồn tài trợ cho các chương trình liên bang và thuyết phục các nhân viên liên bang từ chức đã dẫn đến những gián đoạn và đang bị thách thức về mặt pháp lý.
Nhưng Musk muốn thấy sự thay đổi triệt để, vì thế vẫn đang tiếp tục kế hoạch của mình.