100 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng

Chỉ trong hơn 1 năm, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý trên 100 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng.

6 tháng gần 5.000 web bị tấn công

Tại hội thảo Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia hôm nay, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia của Việt Nam luôn trong tình trạng nguy hiểm.

Mỗi năm có hàng nghìn trang mạng bị tin tặc tấn công, chỉnh sửa, chèn thêm nội dung, cài mã độc.

100 vu lo lot bi mat nha nuoc tren khong gian mang
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cung cấp thêm, các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng, tinh vi với cường độ cao, trong khi hệ thống hạ tầng và bảo mật thông tin của Việt Nam còn tồn tại nhiều lỗ hổng. Chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam năm 2015 chỉ đạt 46,5%, dưới mức trung bình và còn kém nhiều nước khác.

“Tình trạng mất an ninh, an toàn thông tin tại Việt Nam đang rất đáng báo động. Tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước trên internet diễn ra nghiêm trọng. Chỉ từ đầu năm 2016 đến hết 6 tháng năm nay, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý trên 100 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng”, Trung tướng Thuận thông tin.

Các hệ thống thông tin quan trọng bị tấn công rất mạnh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm có 4.605 trang/cổng TTĐT có tên miền quốc gia (.vn) bị tấn công, chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện, chỉnh sửa nội dung, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý là trong số này có 148 trang thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước (.gov.vn). Nếu tính từ 2014, thì con số này là hơn 18.000 trang/cổng thông tin điện tử bị tấn công.

Trung tướng Thuận dẫn chứng, ngay khi có vụ giàn khoan HD 981, trong đêm đó, cổng thông tin Bộ Công an, Bộ GTVT bị tin tặc tấn công, đăng thông tin giả mạo khiến ta mất 4-5 tiếng xử lý....

100 vu lo lot bi mat nha nuoc tren khong gian mang
Tin tặc chiếm quyền điều khiển giao diện màn hình tại sân bay

Đặc biệt, vụ tấn công nghiêm trọng vào ngành hàng không Việt Nam ngày 29/7/2016, chiếm quyền điều khiển giao diện màn hình hiển thị tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, đưa thông tin nhạy cảm.

Đồng thời tin tặc tấn công vào hệ thống máy chủ của Vietnam Airlines, phát tán thông tin toàn bộ 411.000 khách hàng chương trình Bông sen vàng của hãng này. Sự cố đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm trễ gần 100 chuyến bay trong ngày 29/7.

Việt Nam đối mặt cùng lúc 6 thách thức

Trao đổi bên lề hội thảo, Trung tướng Thuận cho biết, hệ thống mạng thông tin Việt Nam phát triển nhanh nhưng hạ tầng cơ sở không theo kịp, không đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh thông tin mạng. Do đó, Việt Nam không chỉ đối mặt với một mà cùng lúc nhiều thách thức lớn.

Thứ nhất, hoạt động sử dụng không gian mạng tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, lan truyền thông tin bịa đặt, thật giả lẫn lộn...

100 vu lo lot bi mat nha nuoc tren khong gian mang
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng

Thứ hai, hoạt động sử dụng không gian mạng kích động phá rối an ninh trật tự, gây bạo loạn, thực hiện những bước đi để tiến hành “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” nhằm lật đổ chế độ chính trị tại nước ta.

Thứ ba, hoạt động tấn công mạng cường độ cao, gây tê liệt, ngưng trệ, phá hủy hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; hoạt động khủng bố mạng.

Năm 2016, đã xảy ra việc 3 em học sinh tuổi đời còn rất trẻ lập tài khoản Facebook giả danh thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kích động tấn công khủng bố nhằm vào nước ta gây xôn xao, hoang mang dư luận.

Thêm vào đó hoạt động gián điệp mạng đang trở thành thách thức thường trực. Có thực trạng nhiều cơ quan, đơn vị tự để lộ bí mật nhà nước trên không gian mạng; Nguy cơ chiến tranh mạng, mất kiểm soát an ninh mạng do tụt hậu, lệ thuộc vào kỹ thuật và công nghệ của nước ngoài.

Trong khi hầu hết các nước đã có hệ thống chiến lược đảm bảo an ninh mạng, thì đến nay Việt Nam mới ban hành luật An toàn thông tin mạng và một số văn bản quy phạm khác, tuy nhiên chưa đáp ứng được thực tế.

Vì vậy, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ, QH xây dựng dự thảo luật An ninh mạng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, phân rõ trách nhiệm của 3 Bộ Công an, Quốc phòng, TT&TT.

Trong dự thảo, quy định cụ thể 8 hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, trong đó có hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh; xử lý bí mật nhà nước; lĩnh vực năng lượng, tài chính, giao thông, hoá chất; hệ thống điều khiển và giám sát tự động tại các công trình trọng yếu...

Dự thảo luật sẽ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 tới và dự kiến thông qua vào năm sau.

Làm nhục, vu khống trên Facebook cũng bị xử lý

Dự thảo luật An ninh mạng sẽ điều chỉnh hoạt động của con người trên không gian mạng.

Trong điều 8 và Điều 27 của Dự thảo liệt kê nhiều hành vi bị nghiêm cấm: Sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đăng tải, soạn thảo, phát tán trên không gian mạng nội dung kích động bạo loạn; làm nhục, vu khống...

(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/100-vu-lo-lot-bi-mat-nha-nuoc-tren-khong-gian-mang-395101.html)

Theo Thuý Hạnh / Vietnamnet