Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kế hoạch triển khai các đường bay nội địa thường lệ trở lại, bắt đầu từ 10/10.
Cục Hàng không cho biết, tính đến 6/10, cơ quan này đã tiếp nhận ý kiến trả lời bằng văn bản của 13 tỉnh, thành phố. Trong đó, 6 địa phương thống nhất toàn bộ với kế hoạch gồm: Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
4 địa phương thống nhất từng phần kế hoạch gồm: TP.HCM, Đắk Lắk, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế.
3 địa phương đề nghị chưa thực hiện kế hoạch gồm: Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.
Theo đó, các đường bay có thể thực hiện theo kế hoạch đã được Cục Hàng không xin ý kiến gồm 10 đường bay giữa TP.HCM - Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc, Thừa Thiên Huế, Nghệ An và giữa Thanh Hóa - Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc.
Báo cáo của Cục Hàng không khẳng định, các đường bay chỉ được mở sau khi có ý kiến đồng thuận của cả 2 địa phương có cảng hàng không, sân bay liên quan đến đường bay. Các đường bay sẽ tiếp tục được bổ sung khi có thêm ý kiến đồng ý của các địa phương khác.
Cục Hàng không cũng đề xuất giai đoạn ban đầu dự kiến từ 10/10/2021. Các giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai theo quyết định của Bộ GTVT.
Mở lại đường bay nội địa từ 10/10/2021. (Ảnh minh họa: Lao động). |
Tần suất khai thác ban đầu không vượt quá số lượng đã xin ý kiến và nhận được sự đồng ý của các địa phương. Tần suất khai thác sẽ được Cục Hàng không phân bổ cho các hãng hàng không Việt Nam đã đăng ký.
Cụ thể, 5 đường bay từ TP.HCM đi Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc và ngược lại với tần suất mỗi đường bay 4 chuyến/ngày, chia đều cho 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines.
3 đường bay từ Thanh Hóa đi Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc và ngược lại khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày.
Đường bay TP.HCM - Huế và ngược lại khai thác với tần suất 1 chuyến/tuần. Chiều từ Nghệ An đi TP.HCM khai thác 2 chuyến/tuần.
Hành khách là đối tượng không phải cách ly tập trung tại nơi đến theo quy định của Bộ Y tế.
Trong giai đoạn ban đầu, hành khách sẽ phải ngồi giãn cách trên máy bay. Hành khách xuất phát từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu. Khi đến nơi thực hiện tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, thực hiện thông điệp 5K và xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARSCoV-2 thì xử trí theo quy định.
Từ giai đoạn 2 trở đi sẽ không áp dụng giãn cách ghế trên tàu bay.
Về yêu cầu đối với hành khách đi máy bay, ngoài việc phải tuân thủ “Thông điệp 5K”, khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến theo quy định, Cục Hàng không còn đề nghị hành khách phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, trong đó, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Đáng chú ý, hành khách xuất phát từ vùng được đánh giá là “Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ (cấp 4)” phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 72 giờ.
Việc điều chỉnh, mở rộng đối tượng khách sẽ được đánh giá trên tình hình thực tế hoặc có ý kiến đề xuất của các địa phương tiếp nhận chuyến bay chở khách đến, đảm bảo yếu tố không yêu cầu cách ly tập trung.
"Các hãng hàng không chỉ được mở bán trên cơ sở phân bổ của Cục Hàng không theo từng giai đoạn", báo cáo nhấn mạnh.
Tại công văn gửi Bộ GTVT góp ý dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại các địa phương nới lỏng biện pháp chống dịch COVID-19, với hành khách,ngoài việc tuân thủ 5K và khai báo y tế, Bộ Y tế yêu cầu phải xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi tham gia giao thông đường hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo và ngược lại).
Bộ Y tế khẳng định không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.