Với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và đi vào thực hiện, cơ hội để hàng Việt Nam vào New Zealand đang ngày càng rộng mở.
New Zealand đã trở thành thị trường tiêu thụ một số loại hoa quả có thế mạnh của Việt Nam như xoài, thanh long,... Sắp tới, với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và đi vào thực hiện, cơ hội để hàng Việt Nam vào New Zealand sẽ ngày càng rộng mở.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức New Zealand từ ngày 11-14/3; thăm chính thức Úc và dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Úc tại Sydney từ ngày 14-18/3 theo lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Thủ tướng Australai Malcolm Turnbull.
New Zealand là quốc gia đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm trong chuyến công du này. Trong những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand ngày càng có nhiều bước cải thiện đáng kể.
Tháng 12/2011, New Zealand đã cho phép nhập khẩu mặt hàng xoài quả tươi từ Việt Nam.
Tiếp đó, vào tháng 5/2014 Bộ Công nghiệp Cơ bản New Zealand đã thông qua Tiêu chuẩn về Sức khỏe trong hoạt động nhập khẩu đối với sản phẩm quả thanh long tươi từ Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu thanh long sang New Zealand.
Thanh long Việt Nam là một trong các loại hoa quả xuất khẩu vào New Zealand
Theo đó, để được nhập khẩu vào New Zealand, ngoài các yêu cầu chung đối với tất cả các mặt hàng hoa quả tươi nhập vào nước này, trái thanh long cần được tiến hành các biện pháp kiểm dịch thực vật trước khi xuất và phải được Cơ quan Bảo vệ thực vật quốc gia của Việt Nam (NPPO) xác nhận, khai rõ trong giấy chứng nhận kiểm dịch thực phẩm rằng đã được xử lý bằng hơi nước nóng, nhiệt độ trong trái đạt ít nhất 46,5 độ C và ít nhất là 45 phút.
Các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Cây trồng và Cây lương thực New Zealand còn có chương trình hướng dẫn cho người nông dân Việt Nam trồng các giống thanh long mới và kỹ năng quản lý vườn thanh long.
Sau xoài, thanh long, New Zealand cũng có thể sẽ cho phép nhập khẩu chôm chôm của Việt Nam sau khi hoàn thành các thủ tục kiểm dịch.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang New Zealand đạt 458 triệu USD, trong đó nhiều nhất là các sản phẩm điện tử, hàng thủy sản, hạt điều, hàng dệt may,... Năm 2017 Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 448 triệu USD, chủ yếu là sữa và sản phẩm sữa với hơn 232 triệu USD.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 của New Zealand và là quốc gia trong khối ASEAN đạt tốc độ phát triển nhanh nhất trong quan hệ thương mại với New Zealand. Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu đứng thứ 19 vào thị trường New Zealand.
Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra mục tiêu đạt được kim ngạch thương mại hai chiều về hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước lên mức 2,5 tỷ NZD (tương đương 1,7 tỷ USD) vào năm 2020.
Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến hết tháng 2/2018, New Zealand có 30 dự án còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 102 triệu USD, đứng thứ 46/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đây là con số còn khiêm tốn so với các nước khác.
Việt Nam có 6 dự án liên doanh đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký là 25,62 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo; khách sạn và ăn uống; nông lâm nghiệp và thủy sản,...
Cơ hội, triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và New Zealand còn rất lớn trong thời gian tới. Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), có hiệu lực từ tháng 1/2010, việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký tại Chile ngày 8/3 vừa qua hứa hẹn sẽ tạo ra bước chuyển biến đáng kể trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Hiện nay, Việt Nam và New Zealand cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) cùng với 9 nước ASEAN và 5 nước đối tác khác của ASEAN gồm Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Khi kết thúc đàm phán, đây sẽ là Hiệp định lớn nhất thế giới, giúp tạo ra một thị trường chung rộng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của cả Việt Nam và New Zealand, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho người dân hai nước.
Với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và đi vào thực hiện, cơ hội để hàng Việt Nam vào New Zealand đang ngày càng rộng mở.
Rau răm, mồng tơi, rau dền Việt Nam bỗng "đắt như vàng" trên chợ Amazon
Những loại nông sản, hoa quả vốn rất bình dân tại Việt Nam, nhưng khi chúng vươn tới thị trường quốc tế lại có giá ... |