Ngày 25/1/2019, giàn CTC1-WHP chính thức đón dòng dầu đầu tiên (FIRST OIL) theo đúng kế hoạch. Xí nghiệp Xây lắp, Khảo sát và Sửa chữa các công trình khai thác dầu khí (Xí nghiệp XLKS&SC) vô cùng tự hào khi nhận được sự tin tưởng của Ban Tổng giám đốc Vietsovpetro, của Chủ đầu tư giao trọng trách thực hiện công tác quản lý thiết kế, mua sắm, thi công chế tạo và lắp đặt, chạy thử các hạng mục của dự án xây dựng mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12.
Trên cơ sở Quyết định số 85/QĐ-XNXL của Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro về việc thành lập Ban QLDA-XLKS&SC mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12 ký ngày 7/2/2017, Ban lãnh đạo Xí nghiệp XLKS&SC đã tổ chức điều động nhân sự cho Ban QLDA - Xí nghiệp XLKS&SC để thực hiện công việc xây dựng dự án “Phát triển mỏ Cá Tầm - Lô 09-3/12”, bổ nhiệm các vị trí quan trọng trong các khâu từ quản lý thiết kế, mua sắm đến giai đoạn thi công, chế tạo và thi công lắp đặt biển, đưa vào vận hành công trình giàn Cá Tầm 1 (CTC1-WHP), dự án phát triển mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12. Đây là công trình đặc biệt quan trọng trong năm 2019 - góp phần quan trọng vào việc gia tăng sản lượng, đảm bảo kế hoạch sản xuất của Vietsovpetro nói riêng và của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nói chung.
Giàn CTC1-WHP nhìn từ PVD-6
Lô 09-3/12 do Vietsovpetro là Nhà điều hành theo hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí ký ngày 12/9/2012 giữa PVN với Tổ hợp nhà thầu Vietsovpetro (55%), PVEP (30%) và Bitexco (15%). Mỏ dầu Cá Tầm sẽ được kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Vietsovpetro tại mỏ Rồng và Bạch Hổ khi đi vào khai thác. Trong đó, giàn khai thác CTC1-WHP là hạng mục quan trọng nhất, toàn bộ dự án được thiết kế bởi Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế (NIPI), Cơ quan giám sát cấp chứng chỉ là Đăng kiểm Việt Nam (VR) và Đăng kiểm quốc tế Lloyd’s Register. Lô 09-3/12 có độ sâu nước biển 60m, thuộc bồn trũng Cửu Long, nằm cách TP Vũng Tàu 160km về hướng Đông Nam, rất gần các mỏ Rồng, Gấu Trắng, Bạch Hổ mà Vietsovpetro đang khai thác (khoảng 15 - 20km).
Hình ảnh thử vỉa tại mỏ Cá Tầm
Để phát triển đưa vào khai thác mỏ Cá Tầm, giàn CTC1-WHP sẽ được kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Vietsovpetro tại Lô 09-1. Đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng theo chủ trương của PVN nhằm tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có trên biển của Vietsovpetro. Dự án bên cạnh mang lại lợi nhuận cho Tổ hợp nhà thầu Vietsovpetro - PVEP - Bitexco, còn trực tiếp tạo công ăn việc làm cho hàng loạt các đơn vị khác trong ngành Dầu khí, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Đây cũng là cơ sở để Vietsovpetro có thể duy trì ổn định sản lượng khai thác và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí ra các lô mới trong những năm tới. Theo tính toán, việc khai thác mỏ Cá Tầm sẽ có hiệu quả kinh tế đến hết năm 2032, đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và lợi nhuận đáng kể cho Vietsovpetro, PVEP và Bitexco. Xây dựng giàn Cá Tầm 1 (CTC1-WHP) bao gồm phần chân đế nặng 945 tấn, cọc 1.040 tấn, bến cập tàu 71 tấn và phần ống tách nước 360 tấn; riêng khối thượng tầng, sàn chịu lực, sân bay, cần xả khí của giàn CTC1-WHP là 1.100 tấn với sự tham gia của các nhà thầu phụ gồm Lilama, PVC-MS, Alpha ECC, PVC-PT, Bason...
Giàn Cá Tầm 1 (CTC1-WHP)
Để phục vụ việc vận hành và khai thác dầu từ giàn CTC1, dự án Cá Tầm đã đầu tư 57,8 km các tuyến ống ngầm để kết nối giàn CTC1 với các giàn hiện hữu của Vietsovpetro (bao gồm 11,5 km đường ống 8 inch Gaslift từ giàn CTC1-GTC1, 11,5 km đường ống 8 inch bơm ép vỉa (PPD) từ CTC1-GTC1, 17,5km đường ống 16 inch Gas từ CTC1-GTC1-BK14, 17,6 km đường ống 12 inch tuyến Dầu từ CTC1-RP2) và 11,7 km đường cáp điện ngầm CTC1-GTC1; lắp đặt hệ thống các Riser clamp, Riser (07 bộ); thực hiện công tác Tie-in spool ngầm và đấu nối Riser tại các giàn hiện hữu BK14, GTC1, RP2.
Song song đó, công tác cải hoán và lắp đặt các thiết bị mới (bộ đo dầu, bình tách, thiết bị nhận phóng thoi, bơm vận chuyển dầu…) cũng được Vietsovpetro tiến hành tại các điểm giàn hiện hữu RP2, BK14, GTC1 và giàn RP1 với khối lượng thi công hơn 300 tấn.
Các mốc chính của dự án như sau: Ngày 18/7/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt FDP (Kế hoạch phát triển mỏ Cá Tầm); ngày 23/1/2018, Ban QLDA- Xí nghiệp XLKS&SC tổ chức Lễ khởi công chế tạo chân đế, cọc, bến cập tàu và ống tách nước giàn CTC1-WHP; ngày 23/3/2018, tiếp tục tổ chức Lễ khởi công chế tạo khối thượng tầng, sàn chịu lực, sân bay, cần xả khí giàn khai thác CTC1-WHP; ngày 21/6/2018, hoàn thành việc lắp đặt biển chân đế, cọc, bến cập tàu và ống tách nước; ngày 18/10/2018, hoàn thành việc lắp đặt biển khối thượng tầng, sàn chịu lực, sân bay, cần xả khí.
Ngày 25/1/2019, giàn CTC1-WHP đã chính thức đón dòng dầu đầu tiên (FIRST OIL) theo đúng kế hoạch. Xí nghiệp XLKS&SC vô cùng tự hào khi nhận được sự tin tưởng của Ban Tổng giám đốc Vietsovpetro, của Chủ đầu tư giao trọng trách thực hiện công tác quản lý thiết kế, thực hiện mua sắm, thi công chế tạo và lắp đặt, chạy thử các hạng mục của dự án xây dựng mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12.
Mặc dù trong quá trình thực hiện dự án, tiến độ giao hàng các vật tư thiết bị cửa dự án về trễ, thời tiết xấu kéo dài (theo số liệu thống kê mùa biển năm 2018 từ tháng 4 đến tháng 10/2018 có tới 80 ngày là thời tiết xấu không thể thi công), nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực và kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án của tập thể CBCNV Ban QLDA - Xí nghiệp XLKS&SC, các đơn vị, phòng, ban của Vietsovpetro đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo PVN, lãnh đạo Vietsovpetro, Ban QLDA - Xí nghiệp XLKS&SC đã báo cáo và đưa ra nhiều giải pháp tốt để đẩy nhanh tiến độ thi công chế tạo, lắp đặt, vận hành thử giàn CTC1 và các hạng mục của dự án như: Tận dụng tối đa các vật tư sẵn có của Vietsovpetro để cho dự án Cá Tầm mượn trước để thi công đáp ứng tiến độ (bao gồm cả vật tư sắt thép, đường ống công nghệ, cáp điện, bơm cứu hỏa, bơm chuyển dầu, Ventip…); Huy động tối đa các nguồn lực, phương tiện tàu thuyền thi công (huy động cùng lúc 3 tàu thi công Hoàng Sa, Côn Sơn, Trường Sa và nhiều tàu dịch vụ hiện có của Vietsovpetro) để đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt biển; Mạnh dạn đề xuất với PVN và các Bên nhà thầu sử dụng kết hợp giàn khoan tự nâng PVD-6 vừa thực hiện công tác khoan tie-back các giếng 2X, 3X, 4X, 5X để làm phương tiện, chỗ ở cho công việc thi công đấu nối, Carry over work, vận hành thử giàn CTC1-WHP với mục tiêu có thể đưa giàn CTC1 và các hạng mục công trình vào khai thác trong thời gian sớm nhất, đảm bảo cho dòng dầu đầu tiên vào ngày 25/1/2019.
Tiếp tục kiểm soát, đẩy nhanh tiến độ các gói chậm, tổ chức đàm phán với các nhà thầu, yêu cầu có giải pháp cung cấp hàng sớm như vận chuyển bằng đường hàng không, giao hàng thành nhiều chuyến phù hợp với tiến độ thi công, đảm bảo giao đúng thời hạn và chất lượng hàng hóa.
Bằng tất cả phương tiện thiết bị hiện có, cùng với bề dày kinh nghiệm của mình, tập thể CBCNV Ban QLDA - Xí nghiệp XLKS&SC đã tận dụng mọi nguồn nhân lực, vật lực thực hiện dự án Cá Tầm với quyết tâm cao nhất, hoàn thành tất cả các hạng mục công việc dự án, đưa giàn CTC1-WHP vào khai thác đúng thời hạn.
Đỗ Văn Hùng-BQLDA
Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đón dòng dầu đầu tiên (First oil) từ Giàn CTC1-WHP mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12
Sáng ngày 25/01/2019, đúng như kế hoạch đã đề ra, Giàn khai thác CTC1-WHP thuộc mỏ Cá Tầm, Lô 09/3-12 đã cho dòng dầu đầu ... |
Việt Nam đón dòng dầu đầu tiên tại mỏ Cá Tầm
Theo tính toán, việc khai thác mỏ Cá Tầm sẽ đem lại hiệu quả kinh tế đến hết năm 2032, góp vào ngân sách hơn ... |
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm tra công tác chuẩn bị đón dòng dầu đầu tiên tại Mỏ Cá Tầm
Ngày 22/01/2019, đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do Thành viên HĐTV Phan Ngọc Trung dẫn đầu đã đi kiểm ... |
Lắp đặt khối thượng tầng giàn Cá Tầm
Vào lúc 20h50 ngày 17/10/2018 đội thi công trên biển của Xí nghiệp Xây lắp, Khảo sát và Sửa chữa các công trình khai thác ... |