Đăng cai F1 là quyết định đắt đỏ ở khía cạnh phí nhận quyền, hạ tầng, hiệu quả kinh doanh nhưng cũng là cơ hội nâng tầm cho Hà Nội.
Chính quyền Hà Nội và các bộ, ngành liên quan chưa công bố, nhưng thông tin đàm phán đưa giải đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) về Việt Nam nhiều lần được lãnh đạo thành phố đề cập. Dự kiến trong tuần lãnh đạo thành phố sẽ có cuộc làm việc với đối tác về việc này. Phía F1 cũng tỏ ra hào hứng.
"Việt Nam là đất nước thú vị. Một đất nước đã thu hút trí tưởng tượng của thế giới và xét về nhiều mặt, đó là nơi chúng tôi muốn đến", Chase Carey - CEO Formula One Group phát biểu tại Manila ngày 4/6.
F1 kinh doanh khó khăn
Tháng 1/2017, F1 được bán cho Công ty đầu tư Liberty Media (Mỹ). Tuy nhiên, ngay năm đầu về tay chủ mới, tình hình kinh doanh của Formula One Group bị đảo ngược, giảm 12 triệu USD, xuống còn 1,79 tỷ USD.
Năm 2017 cũng là năm sụt giảm doanh thu cao nhất trong thập niên qua. Năm 2016, doanh thu F1 tăng 5,8%. Lần duy nhất trước đó trong vòng 10 năm có doanh thu giảm là năm 2015, với mức 4,6 triệu USD.
Doanh thu năm 2017 giảm do F1 chỉ còn 20 chặng đua, giảm 1 chặng so với 2016. Doanh thu nhượng quyền Grand Prix tại Brazil cũng kém hơn và đặc biệt là sự rút lui của hai nhà tài trợ lớn là UBS và Allianz. Trong khi đó, Liberty Media lại tăng chi phí vận hành do chuyển sang văn phòng mới hoành tráng hơn ở London và tuyển thêm hàng loạt nhân sự.
"Chi phí của F1 tăng chủ yếu chi tiêu để thỏa mãn người hâm mộ. Chi phí quay phim chuẩn Ultra HD rất đắt đỏ. Chi phí bán hàng, tổng hợp, hành chính cũng tăng trong quý IV/2017 do bổ sung nhân viên và văn phòng mới", ông Chase Carey lý giải.
Tuy nhiên, ông Carey cũng tự hào rằng tổng nợ của tập đoàn đã giảm từ 4 tỷ USD xuống còn 3,2 tỷ USD sau một nằm về với Liberty Media.
Gần nhất là quý II/2018, doanh thu của F1 vẫn lao dốc, từ mức xuống còn 588 triệu USD, so với mức 616 triệu USD của quý II/2017. Cũng theo giải thích của Carey, doanh thu giảm cho chi phí phát sóng, vận hành, tiếp thị, nghiên cứu tăng cộng với các biến động tỷ giá. Ngoài ra, công ty cũng dành ra 125 triệu USD để trả nợ.
Một vòng đua F1 tại trường đua Sepang (Malaysia). Ảnh: f1destinations |
Doanh thu giảm không phải chuyện của riêng Formula One Group, một trong những nước đăng cai "miệt mài" nhất với 19 năm liên tục và là láng giềng của Việt Nam là Malaysia cũng ghi nhận doanh thu giảm trong những năm gần đây. Và đó là lý do chính quốc gia này dừng tổ chức giải F1.
"Nội các đã đồng ý chấm dứt hợp đồng tổ chức giải đua xe F1 kể từ năm 2018, sau khi xét thấy lợi ích thu về cho đất nước suy giảm so với chi phí tổ chức giải đấu", Thủ tướng Malaysia tuyên bố vào đầu tháng 4/2017.
Hãng thông tấn nhà nước Bernama của Malaysia cho biết, nước này tốn 67 triệu USD mỗi năm để tổ chức F1, nhưng một quan chức chính phủ còn gay gắt vì liên tục bị lỗ và người dân mất dần hứng thú với sự kiện. Trường đua Sepang có sức chứa 120.000 chỗ nhưng chỉ bán được chưa đến một nửa số ghế. Vì có nhiều nước châu Á cùng đăng cai nên Malaysia vất vả cạnh tranh thu hút khán giả.
"Doanh thu bán vé F1 giảm, lượng người xem truyền hình giảm. Khách nước ngoài có thể chọn Singapore, Trung Quốc, Trung Đông. Lợi nhuận sự kiện này không lớn," Bộ trưởng Thể thao Malaysia bình luận trên Twitter tháng 10/2016.
Không chỉ với khách, nhà tài trợ chính của F1 tại Malaysia là Tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas cũng quyết định rút lui vì giá dầu giảm. Tập đoàn này chỉ còn tài trợ cho đội Mercedes AMG Petronas để duy trì hiện diện ở F1.
Cơ hội nào cho Hà Nội?
Đầu năm ngoái, tỷ phú Bernie Ecclestone từng tiết lộ một trong những quyết định cuối cùng của ông lúc còn giữ cương vị Chủ tịch của Formula One Group, là từ chối đưa F1 đến Việt Nam vì lý do "không có lịch sử về đua xe nào ở đó cả". Thương vụ khi ấy dựa trên ý tưởng xây dựng một trường đua ở ngoại thành TP HCM và nếu thành công có thể mang về cho F1 đến 530 triệu USD.
Tuy nhiên, dưới thời của Liberty Media và CEO Chase Carey, cơ hội trở lại với ý tưởng tổ chức F1 tại Hà Nội theo hình thức chọn các tuyến phố đạt chuẩn của Liên đoàn đua xe thế giới (FIA) để đua, tương tự Singapore.
"Đây là một cuộc đua trên đường phố, nơi chúng ta có thể đi đến khu trung tâm, kích hoạt nhiều người hâm mộ. Và bạn sẽ có một cảnh tượng khá đặc biệt nếu nói về góc độ truyền hình", Sean Bratches - Giám đốc thương mại của F1 nói với tờ South China Morning Post vào tháng 5/2018.
Việt Nam đang đi theo mô hình mang F1 về để quảng bá, phát triển du lịch chứ không phải từ lịch sử sâu sắc của môn đua xe, tương tự như Azerbaijan, Nga, Bahrain hay Singapore.
Cung đường đua xe F1 năm 2017 (phần đường được thắp sáng) tọa lại tại vịnh Marina của Singapore. Ảnh: Straits Times. |
Trong đó, "trái ngọt" từ F1 mang lại cho Singapore có thể là động lực cho Hà Nội. "Đăng cai cuộc đua F1 đã trao cơ hội cho Singapore vươn hình ảnh ra toàn cầu hơn vì đây là môn thể thao phổ biến trên toàn thế giới", Phó giáo sư chuyên về tiếp thị Sharon Ng của Trường Kinh doanh Nanyang (Đại học Công nghệ Nanyang) nói với tờ Straits Times.
Theo thống kê của Hội đồng Du lịch Singapore (STB), giai đoạn 2008-2015, cuộc đua thu hút 350.000 khách quốc tế, mang về 150 triệu USD mỗi năm. Vấn đề là Hà Nội làm sao để tạo sức hút như Singapore chứ không phải rơi vào thế bị cạnh tranh bởi nước này như trường hợp của Malaysia.
Cũng theo South China Morning Post, Việt Nam có thể phải trả 50-60 triệu USD mỗi năm cho Liberty Media nếu đăng cai F1. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, ông Lý Nguyên Khương - Giám đốc Marketing vùng Đông Nam Á của Redbull, đơn vị đang tham gia tài trợ cho các chặng ở châu Âu và một đội đua cho biết, chi phí hạ tầng cũng không nhỏ.
"Nếu xây một trường đua thì tốn tầm 1-1,5 tỷ USD nhưng dùng được lâu dài. Sau F1 có thể dùng cho F2, F3 rồi thay đổi độ nghiên để đua môtô phân khối lớn. Còn nếu tổ chức đua ngoài phố thì tiết kiệm ngắn hạn chứ thật ra là \'chơi sang\'.
Ví dụ, chi phí nâng cấp và dọn đường mỗi năm cho F1 tại Monte Carlo (Tây Ban Nha) là 600 - 700 triệu USD, ở Singapore rơi vào khoảng 400 triệu USD. Mỗi năm mỗi tốn phí này vì sau khi đua, xe cộ qua lại thì đường lại xuống cấp, không còn đạt chuẩn", ông Khương nói.
Cũng theo ông Khương, F1 có 3 nguồn thu chính gồm: tiền phí các đội tham gia đóng, tiền vé và tiền tài trợ. Ông Khương cho rằng, khả năng về tiền bán vé và tiền tài trợ ở Việt Nam cần tính toán kỹ. Một chiếc vé trọn gói ở Hong Kong tầm 300 USD. Giá này nếu ở Việt Nam thì khó bán được đại chúng. Đơn vị tài trợ thì chưa nhiều tên tuổi lớn sẵn sàng và sẽ rất cân nhắc số tiền bỏ ra.
"Vì đã đi theo F1 rất lâu nên giải đến Việt Nam thì chúng tôi sẽ tham gia tài trợ. Còn các hãng xe như Mercedes hay BMW thì tôi nghĩ họ sẽ rất cân nhắc khi quyết định bỏ bao nhiêu tiền. Thị trường xe Việt Nam xứng đáng để họ đầu tư bao nhiêu cho chặng ở Hà Nội là vấn đề. Một số hãng khác như McLaren hay Renault thì chưa đến hoặc chỉ mới có đối tác bán hàng ở đây", ông Khương nói.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Minh Tường - Phó giám đốc phụ trách thương mại và tài trợ của một kênh truyền hình nhận xét lạc quan hơn về quảng cáo.
"Tôi cho rằng việc khai thác quảng cáo khá triển vọng. Ngoài ra, thị trường truyền hình đang thiếu những giải thể thao đủ hấp dẫn để thỏa mãn người hâm mộ. Trong khi đó, hàng loạt nhãn hàng về xe, phụ kiện, đồ thể thao, đồ xa xỉ, nước tăng lực... luôn tìm kiếm các sự kiện chất lượng để đổ tiền vào", ông Tường nhận định.
Dĩ nhiên, việc đưa F1 về Hà Nội vẫn có những hợp lý. Dù F1 có một chút suy giảm so với thời hoàng kim nhưng nó vẫn còn sức hút không nhỏ. Sau khi Malaysia ra đi, Pháp và Đức quay trở lại và danh sách tổ chức các chặng đua của giải F1 đã tăng lên thành 21 địa điểm trong mùa giải 2018. Đây cũng là số lượng địa điểm cao nhất trong lịch sử trăm năm của giải.
Hà Nội có thể tổ chức giải đua xe F1 trên đường phố
Nếu đàm phán thành công, Hà Nội sẽ là một trong những địa điểm tổ chức giải đua xe công thức 1. |
Giải đua xe F1 nổi tiếng bước đầu "chào sân" Việt Nam?
Sự có mặt của cựu tay đua Công thức 1 (F1) nổi tiếng David Coulthard được tin rằng là bước chạy đà để đưa thể ... |